Tiền tham quan nhà Vương đi đâu?

Vũ Sơn 15/08/2020 07:45

Khai thác du lịch trong thời gian dài hàng chục năm, thu lợi mỗi năm hàng tỷ đồng nhưng di tích quốc gia nhà Vương hiện tại đang xuống cấp nghiêm trọng. Điều khiến con cháu họ Vương quan tâm nữa là không biết thực chất số tiền bán vé tham quan được phân chia như thế nào?

Khách tới tham quan nhà Vương.

Báo cáo số 09-BC/UBKT-TTr, ngày 10/3/2020 của Cơ quan Ban kiểm tra - Thanh tra tỉnh Hà Giang về kết quả xác minh đơn tố cáo Sở VHTTDL và UBND huyện Đồng Văn, Hà Giang, tại nội dung số 03 có kết luận: UBND huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang không công khai minh bạch số tiền đã thu từ việc bán vé tham quan di tích nhà Vương từ năm 2007 đến nay. Kết luận nêu: Căn cứ chứng từ sổ sách do UBND huyện Đồng Văn cung cấp, biên bản làm việc ngày 30/9/2019. Kết quả, từ năm 2007 đến 31/12/2011 UBND huyện Đồng Văn giao cho tổ quản lý di tích trực tiếp thu, chi các khoản phí, lệ phí; Từ tháng 1/2012 - 31/12/2012 UBND huyện Đồng Văn giao cho Trung tâm VHTTDL huyện trực tiếp quản lý các nguồn thu từ việc bán vé; Tại thời điểm kiểm tra xác minh, UBND huyện Đồng Văn không cung cấp được các tài liệu chứng minh việc UBND huyện đã tổ chức công khai các khoản thu, chi phí, lệ phí tham quan nhà Vương giai đoạn từ năm 2007-2017, không công khai tài chính đối với các chủ sở hữu di tích nhà Vương.

Nội dung số 06 của báo cáo số 09-BC/UBKT-TTr cũng viết: Từ năm 2007-2017, UBND huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang tổ chức in vé, bán, thu, nộp tiền bán vé tham quan di tích nhà Vương không đúng quy định. Căn cứ chứng từ kế toán do UBND huyện Đồng Văn cung cấp, kết luận thanh tra như sau: Từ năm 2007-8/2013, UBND huyện Đồng Văn đã in vé tham quan di tích nhà Vương có mệnh giá 10.000đ. Số vé này UBND huyện tự in, không đúng quy định; Từ tháng 8/2013 - 31/12/2017 UBND huyện Đồng Văn đăng ký với cơ quan thuế để phát hành biên lai thu phí, lệ phí tham quan di tích nhà Vương có mệnh giá 20.000đ và 10.000đ.

Từ năm 2007 - 3/12/2011 UBND huyện Đồng Văn bán vé, thu tiền không nộp ngân sách nhà nước theo quy định; tự ý chi và không mở sổ sách theo dõi nguồn thu, chi, không lập chứng từ thu, chi; hằng năm không quyết toán nguồn thu, không công khai tài chính theo quy định của nhà nước.

Từ ngày 1/1/2013 - 8/2013, số tiền bán vé tham quan thu được hằng tháng nộp cho Trung tâm VHTTDL huyện Đồng Văn (có giấy biên nhận). Trung tâm VHTTDL huyện nộp kho bạc nhà nước nhưng không mở sổ sách theo dõi nguồn thu, chi phí, lệ phí; không lập phiếu thu phí, lệ phí; không quyết toán nguồn thu, chi phí, lệ phí, không công khai tài chính.

Giai đoạn từ tháng 9/2013 - 31/12/2017, nguồn thu phí, lệ phí tham quan di tích nhà Vương nộp cho Trung tâm VHTTDL không lập phiếu thu theo quy định.

Theo thông tin chia sẻ từ ông Vương Duy Bảo – cháu nội vua Mèo Vương Chí Sình: Từ năm 2017 đến hết Quý II/2020, tổng thu từ việc bán vé tham quan di tích như sau: Năm 2017 được 2,051 tỉ đồng; năm 2018 được 2,077 tỷ đồng; năm 2019 được 2,774 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2020 được 613.510.000đ. “Với số tiền bán vé thu được mỗi năm từ 2-3 tỷ đồng, vậy số tiền bán vé hàng tỷ đồng mỗi năm đã được sử dụng ra sao? Có nộp ngân sách nhà nước không? Mỗi năm bao nhiêu tiền? Trong suốt thời gian dài từ năm 2007 cho đến nay không có một chứng từ, sổ sách nào thì UBND huyện Đồng Văn cất tiền đi đâu? Trong khi “họ” ghi số tiền hơn 1,3 tỷ đồng đầu tư trùng tu di tích năm 2007 vào sổ đỏ cấp cho gia đình…”, ông Bảo bức xúc.

Di tích quốc gia xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sụp đổ. Cơ quan quản lý chỉ biết khai thác, bán vé thu tiền, không quan tâm bảo vệ, trùng tu di tích kịp thời. Quản lý di tích phát sinh nhiều sai phạm. Quản lý tài chính không rõ ràng minh bạch, không lập chứng từ, không công khai… Tất cả đều đã được thanh tra kết luận. Tuy nhiên, các cấp quản lý tỉnh Hà Giang vẫn “bình chân như vại” trước sự xuống cấp của di tích quốc gia.

Về góc độ pháp lý, luật sư Trần Anh Tuấn, Công ty Luật Minh Bạch, nhận định: Trách nhiệm đầu tiên để xảy ra tình trạng di tích nhà Vương bị xuống cấp như vậy thuộc về UBND huyện Đồng Văn, đơn vị trực tiếp quản lý di tích. Tuy nhiên, không thể không kể đến trách nhiệm kiểm tra, giám sát của Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang và Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, di tích này lại nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Unesco công nhận.

Theo luật, việc quản lý di tích quốc gia giao cho UBND các tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố tiếp tục phân cấp về huyện, xã quản lý trực tiếp nhưng vẫn phải có trách nhiệm giám sát. Các sở VHTTDL phải có kế hoạch kiểm kê, quản lý hằng năm và báo cáo cơ quan cấp trên để có kế hoạch bảo vệ, bảo tồn, trùng tu di tích. Cả một hệ thống quản lý chặt chẽ, nhiều cấp như vậy mà vẫn để xảy ra tình trạng di tích bị xuống cấp, xâm hại như tại nhà Vương là điều không thể chấp nhận được.

Ông Vương Duy Bảo cho biết: “Trong nhiều buổi làm việc liên quan đến việc xây dựng quy chế quản lý di tích nhà Vương giữa chúng tôi và UBND huyện Đồng Văn đều không có đại diện của Sở VHTTDL hay UBND tỉnh. Điều này dẫn đến thực trạng là chúng tôi cứ “tay bo”, bên nào cũng bảo vệ ý kiến của mình mà chả có cơ quan trung gian nào có thẩm quyền để đưa ra kết luận.

Bởi vậy, bản quy chế dù đã được huyện thông qua, ban hành mà không hề có ý kiến của gia tộc họ Vương cũng là điều dể hiểu. Đây là sự thiếu sâu sát, thiếu trách nhiệm của Sở VHTTDL và UBND tỉnh Hà Giang sau khi phân cấp quản lý di tích cho huyện Đồng Văn, họ không thể phân cấp rồi đẩy hết trách nhiệm cho huyện được”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền tham quan nhà Vương đi đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO