Tiến tới 50% lực lượng lao động đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia

Dung Hòa 11/11/2022 07:55

Chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động là một trong những mục tiêu của dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Hướng nghiệp cho học sinh THPT. Ảnh: TL.

Lao động chưa có văn bằng, chứng chỉ chiếm đa số

Trước những mặt còn hạn chế về trình độ tay nghề của lao động Việt Nam, trong khi yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngày càng trở lên cấp thiết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã đặt mục tiêu đến năm 2030 chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động.

Các thống kê thời gian qua cho thấy, Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” với lực lượng lao động dồi dào, khoảng 51,6 triệu người, chiếm trên 55% dân số. Đây là lợi thế để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, tạo nên sức cạnh tranh khi nước ta hội nhập quốc tế, tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm và thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài.

Dẫu thế, theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, lao động qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ ở nước ta chiếm đa số với gần 74% trong lực lượng lao động. Riêng trong năm 2021, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%, quý II/2022 mới chỉ đạt 26,2%. Trong giai đoạn từ 2015-2020, có 66,7% công nhân lao động có trình độ trung học phổ thông; 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề (chủ yếu là doanh nghiệp tự đào tạo)...

Sự thiếu hụt nhiều ở kỹ năng cơ bản, kỹ năng cốt lõi và kỹ năng chuyên môn, nhất là các lĩnh vực, ngành, nghề có sự thâm dụng về lao động, năng suất lao động và các chỉ số liên quan đến kỹ năng lao động Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, còn sự có mất cân đối về cơ cấu lao động theo ngành, nghề, giữa vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị; khoảng 90% lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có trình độ kỹ năng nghề thấp, lao động giản đơn, khó khăn khi hội nhập thị trường lao động quốc tế.

Thiếu hụt lao động tay nghề cao

Một khảo sát độc lập từ đơn vị tuyển dụng nước ngoài cũng cho thấy những chỉ số tương tự. Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc vận hành Manpower Group Việt Nam cho biết, chỉ 8,96% lao động Việt Nam có khả năng làm việc từ xa trong bối cảnh doanh nghiệp tăng cường loại hình này sau đại dịch. Lao động có kỹ năng tay nghề cao chỉ đạt 11,6% và cần cải thiện nhiều kỹ năng mềm lẫn chuyên môn. Đáng chú ý, chỉ 5% lao động có trình độ tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập sẽ là nhiều hạn chế, chưa đủ cạnh tranh với lao động khu vực. Thu nhập bình quân của lao động Việt Nam khoảng 300 USD, tương đương 7 triệu đồng, thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD).

Trên thực tế, 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới thị trường lao động, chuỗi cung ứng về lao động bị đứt gãy, sự thiếu hụt kỹ năng lao động trở nên nghiêm trọng hơn ở nhiều ngành nghề, lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, giảm thu nhập, nhất là nhóm lao động có kỹ năng làm việc thấp… Còn đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao, trong khi đang cần tuyển dụng hàng nghìn vị trí nhân sự khi mở rộng sản xuất.

Nguyên nhân của tồn tại trên, theo Bộ LĐTB&XH là do chưa có cơ chế hiệu quả để kết nối, gắn kết các bên liên quan giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong việc đảm bảo hệ sinh thái kỹ năng nghề cho nâng tầm kỹ năng lao động, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; các bộ, ngành chưa quan tâm, thực hiện hết trách nhiệm về công tác xây dựng, cập nhật, chỉnh sửa các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia…

Đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), TS Juergen Hartwig cho rằng: Việt Nam có cơ hội phát triển phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của người lao động. Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt cho năng suất lao động của Việt Nam. Cơ cấu thị trường đang thay đổi mạnh mẽ với tốc độ nhanh, ngày càng yêu cầu nhiều loại kỹ năng hơn. Do đó, Việt Nam phải có những chính sách linh hoạt.

Trong dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ LĐTB&XH đặt mục tiêu đến năm 2030 chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động. Trong đó, trên 30% lao động đạt trình độ cao có bậc trình độ kỹ năng nghề quốc gia 4, 5 hoặc trình độ tương ứng, trong đó ưu tiên người lao động làm việc trong các ngành, nghề thuộc công nghiệp mũi nhọn, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến tới 50% lực lượng lao động đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO