Đầu tư thiếu đồng bộ, người dân chưa thuận

Trần Duy Hưng 06/09/2015 05:10

Đó là chuyện liên quan đến Dự án (DA) xây dựng tuyến đường trục phát triển kinh tế-xã hội qua địa bàn hai xã Nam Dương và Bình Minh (huyện Nam Trực, Nam Định).

Giao thông trên địa bàn hai xã Nam Dương, Bình Minh vốn rất khó khăn, do các tuyến đường nối giữa hai xã này và giữa hai xã với các địa phương lân cận đều nhỏ hẹp, đặc biệt từ lâu đã bị xuống cấp nghiêm trọng; các hoạt động sản xuất và dân sinh ở đây bị ảnh hưởng kéo dài trong nhiều năm qua.

Mới đây, được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt DA đầu tư xây dựng tuyến đường trục phát triển kinh tế-xã hội Nam Dương-Bình Minh, người dân hai xã này rất phấn khởi. Tuy nhiên, sau khi được tìm hiểu kỹ thông tin, các hộ dân ở hai thôn Thi Châu A, Thi Châu B xã Nam Dương đã “chưng hửng” khi nhận ra những bất cập của DA giao thông họ mong đợi đã từ rất lâu này…

Cụ thể, theo phê duyệt của UBND tỉnh Nam Định, DA có tổng cộng 5,7 km, bao gồm tuyến đường trục chính (nối từ tỉnh lộ 490, qua địa bàn thôn Chiền, thôn Phượng của xã Nam Dương và thôn Rót, thôn Cổ Lũng của xã Bình Minh) và đường nhánh 1 (nối từ trục chính chạy dọc địa bàn thôn Bái Dương); đường nhánh 2 (từ đường nhánh 1, ở điểm nằm giữa thôn Bái Dương chạy qua các thôn Trung Hòa, thôn Vọc, thôn Đầm của xã Nam Dương đến điểm tiếp giáp với tuyến đường trục xã Nam Hùng).

Tổng mức đầu tư DA trên 37,8 tỷ đồng, trong đó có 26 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, 11,8 tỷ đồng từ nguồn vốn đối ứng của hai xã hưởng lợi.

Với các nội dung này, mặc dù cùng nằm trên tuyến đường trục xã Nam Dương, cùng phải chịu cảnh chật chội, xuống cấp đã nhiều năm nhưng đoạn đường trục dài chưa tới 1000 m qua địa bàn hai thôn Thi Châu A, Thi Châu B, nối với bến đò Kinh Lũng qua huyện Vụ Bản “bị cắt”, không được đưa vào DA để được mở rộng, nâng cấp…

Trong khi đó, liên quan đến số tiền 11,8 tỷ đồng hai xã Nam Dương và Bình Minh có trách nhiệm đối ứng, ông Vũ Đình Phàn, Chủ tịch UBND xã Nam Dương cho biết: Phần đối ứng của riêng xã này là hơn 9,8 tỷ đồng. Vì điều kiện ngân sách xã khó khăn, số tiền đối ứng lớn, để có đủ xã phải huy động từ nhiều nguồn, trong đó xã đang phải tuyên truyền, vận động để huy động đóng góp từ các hộ dân trong xã, với mức 400.000 đồng/khẩu.

Theo các ông Trần Văn Lý, trưởng thôn Thi Châu A; Vũ Đình Nam, trưởng thôn Thi Châu B: hai thôn này có tổng cộng 1.350 nhân khẩu. Với mức thu 400.000 đồng/khẩu, người dân hai thôn này sẽ phải đóng góp một số tiền lớn, chiếm 25% tổng số tiền đối ứng dùng để xây dựng hệ tống thoát nước của DA.

Trong khi đó, như đã đề cập, đoạn đường trục xã qua địa bàn hai thôn dù chỉ dài gần 1.000m nhưng lại không được đưa vào DA để được cải tạo, nâng cấp. Đây là lý do trong các lần họp dân, đa số bà con ở đây chưa đồng tình tham gia đóng góp vì-theo bà con-việc đường trục qua địa bàn hai thôn không nằm trong DA, bà con không được hưởng lợi trực tiếp mà phải đóng góp đối ứng cho DA là không công bằng.

“Nguyện vọng của bà con là sẵn sàng đóng góp, cần thiết sẽ hiến thêm cả đất phục vụ việc mở rộng đường nếu như đoạn đường trục xã qua đây được tỉnh quan tâm bổ sung vào DA mở rộng, nâng cấp”, ông Nam, ông Lý cùng phản ánh.

Chủ tịch UBND xã Nam Dương cũng lo lắng cho biết: “Thời gian qua, nhà thầu đã triển khai việc thi công tại các đoạn tuyến thuộc DA đã được tỉnh phê duyệt. Trong khi đó, việc huy động đóng góp vốn đối ứng từ hai thôn Thi Châu A, Thi Châu B đang rất khó khăn, vốn thanh toán cho nhà thầu không đảm bảo, tiến độ thực hiện dự án do vậy sẽ bị ảnh hưởng”…

Liên quan đến DA, người dân thôn Đông Đầm cũng đang có nhiều ý kiến thắc mắc. Theo ông Phạm Văn Nguyệt, trưởng thôn Đông Đầm, địa bàn thôn là điểm cuối tuyến đường nhánh số 2 của DA chạy qua. Tuy nhiên, khi đến đây, dù chỉ còn khoảng 300m nữa là tuyến đường nhánh này sẽ đấu nối với tuyến đường trục của xã Nam Hùng liền kề, tạo sự liên hoàn, kết nối đồng bộ. Vậy nhưng không hiểu sao đoạn đường dù rất ngắn này lại không được đưa vào DA để mở rộng, nâng cấp?

“Cứ hình dung khi Dự án hoàn thành, giao thông qua địa bàn thôn sẽ xuất hiện một nút “thắt cổ chày”, chính là đoạn đường mấy trăm mét bị DA bỏ quên. Ngoài việc mất mỹ quan, việc này theo tôi sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT”, ông Nguyệt phân tích.

Trong khi đó, thầy trò hai trường Tiểu học, THCS Nam Dương cũng mong muốn được Dự án cho bổ sung đoạn đường chạy qua trước cổng trường, dài khoảng 400m (nối liền với đường nhánh 2) để được cải tạo, nâng cấp. Bởi, mặt đường ở đây vừa nhỏ hẹp, mặt đường thấp hơn hệ thống thoát cho cả khu vực qua đây, thường xuyên bị ngập nước, gây khó khăn, khổ sở cho thầy trò, phụ huynh trong nhiều năm qua; trong khi đó nhà trường và chính quyền địa phương không có kinh phí sửa chữa.

Theo Chủ tịch UBND xã Nam Dương Vũ Đình Phàn, xã đã nhận được văn bản kiến nghị của đại diện các thôn Thi Châu A, Thi Châu B, Đông Đầm và Ban giám hiệu trường Tiểu học và THCS Nam Dương, bày tỏ mong muốn được UBND tỉnh xem xét, bổ sung thêm một số đoạn tuyến cần thiết trên vào DA, đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả chung.

“Chúng tôi cho rằng những mong muốn, kiến nghị của người dân rất chính đáng. Tuy nhiên, việc giải quyết không thuộc thẩm quyền cấp xã. Do vậy xã cũng chỉ biết ghi nhận, làm văn bản kiến nghị huyện, tỉnh xem xét”, ông Phàn cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư thiếu đồng bộ, người dân chưa thuận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO