Chấm dứt cảnh sống 'treo'

Lê Minh 26/03/2019 09:00

Khu vực 1 di tích Kinh thành Huế có hơn 4.200 hộ dân đang sinh sống và phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên để thực hiện di dời cần có những hỗ trợ “đặc biệt”. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân thuộc đề án này, và đã được Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1771/TTg-CN ngày 10/12/2018.

Chấm dứt cảnh sống 'treo'

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ, việc di dời dân cư ra khỏi Quần thể di tích Cố đô Huế là mong muốn từ lâu của tỉnh, thành phố cũng như người dân đang sinh sống ở đây. Để dự án được triển khai đúng theo tiến độ, đòi hỏi các cấp chính quyền và người dân phải có quyết tâm cao, phát huy tinh thần đoàn kết cùng nhau sớm hoàn thành dự án, sớm về nơi ở mới để có một cuộc sống tốt hơn.

Chật vật sống trên di sản

Quần thể Di tích Cố đô Huế phải đương đầu với những tác động của thời gian, khí hậu và đặc biệt là những tác động phát sinh hằng ngày từ hoạt động của dân cư đang sinh sống tại Khu vực I Kinh thành Huế. Quá trình lịch sử do di dân trong thời gian chiến tranh giai đoạn 1945 - 1975, di dân từ vùng nông thôn vào thành thị và gia tăng dân số tự nhiên đã hình thành khu dân cư sinh sống trên di tích Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ thành hào và các công trình di tích thuộc Khu vực I Kinh thành Huế.

Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Trung ương và kinh phí của địa phương đã từng bước di dời dân cư để trả lại mặt bằng cho di tích, giai đoạn 1996 - 2018 đã di dời được 1.050 hộ dân, hiện nay tại Khu vực I các di tích Kinh thành Huế còn khoảng 4.200 hộ sinh sống. Bên cạnh ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng đến di sản văn hóa, tạo ra áp lực lớn đến tiến độ bảo tồn, tôn tạo Kinh thành Huế thì cũng thấy rằng, chính người dân nơi đây đang phải sống vô cùng chật vật khi gắn cuộc đời với một công trình di tích quan trọng đặc biệt của quốc gia.

Do sống trên di tích nên hầu hết các hộ này không được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp pháp, nhiều hộ phải làm nhà trên mặt nước tại các hồ, hào; nhà không được xây dựng, sửa chữa lớn. Ngoài ra, người dân ở đây chủ yếu là lao động phổ thông nên đời sống khó khăn, đa phần là hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính vì vậy nhiều thế hệ phải chung sống trong những căn nhà tạm bợ.

Bà Lê Thị Cúc (70 tuổi, phường Thuận Lộc-sinh sống tại khu vực Thượng thành di tích Kinh thành Huế) mưu sinh bằng công việc bán bánh mỳ. Hàng ngày bà đẩy xe lang thang khắp các con đường, ngõ ngách để kiếm sống, dù đã cố gắng đi thật nhiều nhưng trừ vốn ra thì cũng chỉ đủ ăn. Bao năm qua, bà gắn bó cuộc đời mình trên khu vực Thượng Thành trong căn nhà xiêu vẹo, được che chắn bằng những tấm tôn cũ kỹ.

“Vất vả, cực khổ lắm chú à. Những ngày mưa gió có dám ở đây đâu, mấy mẹ con dìu dắt nhau chạy xuống các nhà có tường vách bằng xi măng kiên cố xin lánh tạm đợi gió qua thì về. Nhìn căn nhà tôn vốn đã quá rách nát lại càng trống trơ, mấy mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc” – bà Cúc kể lại.

Đảm bảo công bằng, khách quan

Theo ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, qua các lần tiếp xúc với chính quyền, cử tri bộc bạch sớm được di dời, nhiều bà con cảm thấy có lỗi với tiền nhân khi phải sống trên di tích nhưng do hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế nên không thể đi được. Nguyện vọng của người dân là thiết tha sớm được hỗ trợ tái định cư nhằm ổn định lâu dài, an cư lạc nghiệp, trả lại đất cho di tích.

Ông Thọ chia sẻ, việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế là chủ trương lớn cả về quy mô tiền bạc và quy mô dân cư. Sở dĩ lâu nay tỉnh không thực hiện được việc di dời dân là do chưa có khung chính sách phù hợp. Để thực hiện đề án, tỉnh đã xây dựng khung chính sách và được Chính phủ phê duyệt, nhờ đó giải quyết được những vướng mắc về pháp luật trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế để thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng tổng cộng khoảng 4.201 hộ (2.188 hộ chính, 2.013 hộ phụ) với tổng mức đầu tư khoảng 4.097 tỷ đồng (Giải phóng mặt bằng khoảng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư khoảng 1.362 tỷ đồng).

Mục tiêu cụ thể từ năm 2019-2021 (giai đoạn 1) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực di tích Kinh thành Huế gồm thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ (2.938 hộ). Năm 2019, thành phố Huế dự kiến sẽ thu hồi khoảng 166.000 m2 đất thuộc 4 phường Thuận Lộc, Thuận Thành, Tây Lộc và Thuận Hòa. Có 523 hộ dân khu vực Thượng thành sẽ được bố trí tái định cư tại khu dân cư Bắc Hương Sơ, phường An Hòa và phường Hương Sơ, thành phố Huế.

Chấm dứt cảnh sống 'treo' - 1

Người dân sống trên khu vực Thượng Thành - Kinh thành Huế sẽ di dời đến nơi ở mới.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Cúc phấn khởi cho biết gia đình bà nằm trong đợt giải tỏa đầu tiên. Bà con ở đây đều đồng thuận và mong muốn chính quyền xem xét thời gian di dời sao cho hợp lý, tránh được mùa mưa gió khắc nghiệt của Huế.

Cùng chung tâm trạng, ông Trương Công Bình, trú tại phường Thuận Thành, xúc động khi nghe tin tỉnh sẽ thực hiện di dời dân ở khu vực 1 Kinh thành Huế, trong đó có gia đình mình thì rất phấn khởi. Tuy nhiên, ông Bình chia sẻ thêm, do gia đình sinh sống tại khu vực Thượng Thành quá lâu và trải qua nhiều thế hệ nên hiện một số hồ sơ liên quan đến nhà đất đã thất lạc hoặc không đầy đủ nên mong các ban ngành chức năng hỗ trợ trong vấn đề hoàn tất hồ sơ để di dời.

Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, được sự quan tâm ủng hộ của Quốc hội, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, khung chính sách đền bù với quy định hỗ trợ rất cởi mở, thông thoáng. Quan điểm chung nhất quán của TP đó là công tác di dời nhanh, đúng kế hoạch đề ra nhưng phải bảo đảm công bằng, khách quan, đúng quy định.

Phát huy vai trò của Mặt trận

Ông Hoàng Viết Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Huế cho biết, việc tuyên truyền, vận động triển khai Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế là vấn đề hết sức quan trọng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Huế về việc Mặt trận phối hợp với cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Đề án, bắt đầu từ tháng 3/2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Huế xây dựng kế hoạch và triển khai Chương trình phối hợp. Mặt trận sẽ tổ chức nhiều hình thức vận động để người dân nhiệt tình, tự giác di dời, ổn định cuộc sống nơi định cư mới; phấn đấu 100% số hộ dân trong vùng thực hiện Đề án chấp hành thực hiện di dời theo kế hoạch.

Thông qua hệ thống tổ chức Mặt trận, đoàn thể, các Tổ công tác Mặt trận kịp thời nắm bắt những phản ánh, kiến nghị, thắc mắc, khiếu nại, tố cáo của người dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước giải quyết thỏa đáng, qua đó phòng ngừa và xử lý những biểu hiện lợi dụng dân chủ để xuyên tạc, gây mất trật tự xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân trong quá trình thực hiện Đề án.

Cùng với đó, thực hiện chức năng giám sát của Mặt trận, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Huế phối hợp với chính quyền và các cơ quan có liên quan để thực hiện chức năng giám sát, đảm bảo việc thực hiện Đề án đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chấm dứt cảnh sống 'treo'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO