Tiếng nói của nhân dân

H.VŨ (ghi) 24/01/2022 09:00

Ngày 25/1/1942, Báo Cứu Quốc, tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết ngày nay được thành lập. Trải qua 80 năm hình thành và phát triển, Báo Đại Đoàn Kết đã nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn đọc, trong đó có các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Cảm nhận của các ĐBQH đó là trong suốt chiều dài lịch sử, 80 năm Báo Đại Đoàn Kết đã đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc, nói lên tiếng nói của nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bà Bùi Thị An.

Bà Bùi Thị An - ĐBQH khóa XIII: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Là người nhiều năm đọc Báo Đại Đoàn Kết, tôi nhận thấy rất rõ một điều là Báo Đại Đoàn Kết đã gắn bó với nhân dân, được nhân dân yêu mến thể hiện nguyện vọng từ đơn giản đến cao quý của người dân. Trong những giai đoạn cam go nhất của dân tộc, từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cho đến nay là chống dịch Covid-19 đã có tính lan tỏa, thể hiện tiếng nói đại đoàn kết toàn dân tộc. Cho nên đã thể hiện sự đồng thuận của nhân dân trong mọi cuộc chiến. Tiếng nói đồng thuận trong nhân dân đã trở thành sức mạnh chiến thắng giặc ngoại xâm, giặc nội xâm là tham nhũng, tiêu cực và "giặc Covid-19".

Báo Đại Đoàn Kết đã thể hiện trung thực các thông tin của thực tế, thực tiễn cuộc sống nhân dân cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tiếng nói có nhiều chiều nhưng rất đúng đắn nên nhận được sự đón nhận của nhân dân. Tiếng nói không phải lúc nào cũng “gân cốt” mà bình dị, đi vào lòng người. Cho nên tiếng nói đó đã tạo nên sức lan tỏa rất lớn.

Một buổi tọa đàm trực tuyến của Báo Đại Đoàn Kết.

Tôi cũng được biết lãnh đạo báo và các phóng viên, biên tập viên của Báo Đại Đoàn Kết đã lăn lộn với nhân dân, mọi ngóc ngách của xã hội, từ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nên đã phản ánh được thực tiễn sôi động của đất nước.

Tôi rất mong thời gian tới, làm sao để Báo Đại Đoàn Kết đến với mọi người, mọi nơi, không chỉ ở các đô thị mà còn cả ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có tiếng Kinh thì cần xuất bản cả tiếng dân tộc. Bởi tiếng nói của Báo Đại Đoàn Kết rất quan trọng. Qua đó để mọi người dân ở mọi miền đất nước có thể có Báo Đại Đoàn Kết.

Ông Hoàng Văn Cường.

Ông Hoàng Văn Cường – ĐBQH đoàn Hà Nội: Đóng góp tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Là cơ quan ngôn luận của UBTƯ MTTQ Việt Nam, thời gian qua Báo Đại Đoàn Kết thể hiện rõ vai trò thu hút, tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trở thành nơi để mọi tầng lớp xã hội gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, là diễn đàn rộng rãi tập hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo nên đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện nhiệm vụ cao cả của MTTQ Việt Nam. Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh kịp thời những sự kiện quan trọng diễn ra trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước, đã nói lên tiếng nói, thể hiện ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân về các vấn đề lớn của đất nước, luôn được đông đảo dư luận xã hội quan tâm.

Theo đánh giá của tôi, trong những năm qua, Báo Đại Đoàn Kết đã chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội; đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái; đóng góp tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội...

Tôi cũng rất tin tưởng thời gian tới Báo Đại Đoàn Kết tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được, vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sớm đưa đất nước phát triển trở thành một quốc gia hùng cường, giàu mạnh.

Ông Phạm Văn Hòa.

Ông Phạm Văn Hòa – ĐBQH Đoàn Đồng Tháp: Nâng cao chất lượng phản biện

Báo Đại Đoàn Kết là một trong những tờ báo được công chúng mến mộ. Báo đã phản ánh khách quan, trung thực những thông tin, được người dân và cử tri đồng tình. Trong đó có phản ánh tiêu cực trong xã hội, đời sống, nội bộ công chức, viên chức. Cùng đó báo truyền tải tâm tư nguyện vọng tình cảm của cử tri, nhân dân đến Đảng, Chính phủ, Quốc hội.

Báo Đại Đoàn Kết phản ánh nội dung rất khách quan, trung thực, viết súc tích. Người dân đọc Đại Đoàn Kết cảm nhận thu thập thông tin chính xác, nhiều thông tin các báo khác không có. Đó là vấn đề quan trọng và hay.

Là cơ quan Trung ương của MTTQ Việt Nam, Báo Đại Đoàn Kết có vai trò quan trọng trong giám sát và phản biện xã hội. Do đó phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận là vấn đề quan trọng. Giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao, giám sát của HĐND là giám sát quyền lực ở địa phương. Còn Mặt trận là giám sát của nhân dân, thay mặt nhân dân giám sát cả ĐBQH và đại biểu HĐND.

Báo Đại Đoàn Kết cần phản biện những vấn đề cốt lõi, trọng tâm cốt yếu truyền tải ý kiến người dân đến cơ quan chính quyền để điều chỉnh hành vi hoạt động của mình trên tất cả các lĩnh vực. Đơn cử trong giám sát phản biện việc lập kế hoạch quy hoạch sử dụng đất trong thời gian qua Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh tích cực.

Ông Lê Như Tiến.

Ông Lê Như Tiến – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Chuẩn mực, trung thành với tôn chỉ mục đích

Báo Đại Đoàn Kết là tờ báo của UBTƯ MTTQ Việt Nam. Riêng tên gọi “Đại Đoàn Kết” đã thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tất cả các giai tầng, dân tộc. Là người đọc Báo Đại Đoàn Kết từ lâu, tôi thấy càng ngày Báo Đại Đoàn Kết càng trưởng thành, đúng với tên gọi Đại Đoàn Kết, chứng tỏ báo đi đúng tôn chỉ mục đích, lấy đại đoàn kết làm nền cho hoạt động của mình.

Tôi đánh giá cao Báo Đại Đoàn Kết có tôn chỉ mục đích chuẩn mực và trung thành với tôn chỉ mục đích đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Nếu không có đại đoàn kết, thì không thể có thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng nói của nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO