Tiếng Việt ở xứ sở chùa Tháp

TUỆ PHƯƠNG 18/04/2022 06:16

Là một cộng đồng khá lớn, với hàng trăm nghìn người, nhưng một bộ phận không nhỏ cộng đồng người Việt ở Campuchia có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bởi thế, gìn giữ tiếng Việt, văn hóa Việt ở đây luôn gặp những thách thức không nhỏ. Nhưng hoàn cảnh ấy càng làm nổi bật tấm lòng của người Việt nơi xa xứ. Nhiều giáo viên tình nguyện vừa dạy không lương, vừa vận động các em học sinh tới trường. Những năm gần đây, lo lắng về giữ gìn chữ Việt mới vợi đi khi nhiều trường học hữu nghị được xây dựng với sự hỗ trợ từ trong nước.

Trao quà cho các em học sinh có thành tích xuất sắc tại Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến.

Nặng lòng với tiếng Việt

Dù không được đào tạo ngày nào trong ngành giáo dục, nhưng bà Nguyễn Thị Sương luôn được cộng đồng người Việt ở tỉnh Pre Sihanouk (Campuchia) thân thương gọi là “bà giáo”. Bởi đến giờ, bà đã qua hơn chục năm đứng lớp dạy tiếng Việt. Nhiều thế hệ người Việt từng qua lớp học của bà giờ đã trưởng thành. 70 tuổi, dáng người gầy gò, khắc khổ, nhưng với học sinh, bà giáo là người tràn đầy tình thương, luôn gần gũi, sẻ chia với học sinh.

Bà Sương sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai. Bà lấy chồng người Campuchia rồi theo ông sang định cư ở tỉnh Pre Sihanouk từ năm 1980. Pre Sihanouk là nơi có khá đông người Việt sinh sống. Nhưng nhiều bà con công ăn việc làm không ổn định, không có điều kiện đưa con đến trường. Hội Việt kiều tỉnh Pre Sihanouk mở lớp tiếng Việt, nhưng việc duy trì lớp học cũng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, có khó khăn đến từ việc thiếu giáo viên. Bởi làm giáo viên ở đây là một thử thách không nhỏ khi vừa dạy, vừa phải vận động học sinh đến trường, duy trì sĩ số mà lại không được đồng lương nào. Hơn chục năm trước, một ngày tình cờ, bà Sương nhận được lời đề nghị của Hội Việt kiều tỉnh Pre Sihanouk về việc dạy tiếng Việt cho con em người Việt. Tự thấy mình không được đào tạo để dạy tiếng Việt, gia cảnh khó khăn, nhưng thương tụi nhỏ quá, bà Sương nhận lời lên lớp...

Con trai bà bị bệnh qua đời đã nhiều năm nay, chồng bà cũng đã mất. Bà Sương phải nuôi hai đứa cháu nội. Bởi thế, đằng đẵng những năm qua, bà Sương thường dậy từ mờ sáng để chăm lo việc gia đình rồi mới đến lớp học. Đều đặn như thế từ thứ Hai đến thứ Sáu, bà cũng thương tụi nhỏ không có giấy tờ để học trường công Campuchia nhưng cũng chẳng viết được con chữ tiếng Việt cho đến nơi đến chốn. Thấy vậy, bà Sương lại càng gắng gượng duy trì lớp học của mình. Bà bảo, là người Việt thì không thể bỏ văn hóa Việt và tiếng Việt. Tình thương và trách nhiệm đã khiến bà tự mày mò phương pháp để dạy học cho tốt hơn. Thế rồi, phải đến năm 2015, bà giáo Nguyễn Thị Sương mới được về nước để tập huấn dạy tiếng Việt. Mấy năm gần đây, gánh nặng của bà giáo Sương mới được san sẻ khi có thêm cô Trần Thị Hoài An - một người gốc Việt trẻ tuổi khác cùng tham gia giảng dạy tiếng Việt với bà.

Bà giáo Nguyễn Thị Sương (phải) tiếp nhận một số đầu sách tiếng Việt của Nhà xuất bản Dân trí tặng các cháu thiếu nhi gốc Việt.

Tiếp tục hành trình “gieo chữ”

Do có chung đường biên giới với Việt Nam và có sự giao thoa mạnh mẽ về văn hóa trong nhiều năm liên tục nên cộng đồng người Việt ở Campuchia là một cộng đồng khá lớn, với hàng trăm nghìn người. Nếu như người Việt sống ở thành phố lớn có điều kiện học tập tốt hơn thì ở các tỉnh lẻ, nhiều bà con không có điều kiện kinh tế đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, không ít người còn chưa thể đưa con cái đến các trường công lập của nước sở tại để theo học. Bởi thế, Hội Việt kiều ở Campuchia, ngoài dạy tiếng Việt, còn tổ chức những lớp học để dạy cả tiếng Việt lẫn tiếng Khmer cho con em mình. Hành trình của bà giáo Sương cũng là hành trình của không ít thầy, cô giáo tình nguyện khác. Vừa dạy học, vừa phải vận động học sinh đến lớp. Những em học sinh bỏ lớp, bà còn phải phối hợp với các Hội đoàn người Việt để tiếp tục vận động đưa các em đến trường.

Tỉnh Siêm Riệp cũng là một địa bàn mà việc “gieo chữ” cũng gặp không ít khó khăn, thử thách. Siêm Riệp là nơi có Biển Hồ, cũng là nơi nhiều bà con người Việt sống lênh đênh trên sóng nước bằng nghề chài lưới.

Cô giáo Lê Thị Kim Dung, giáo viên Trường Tiểu học Siêm Riệp chia sẻ: “Có những gia đình do khó khăn về kinh tế nên chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy tiếng Việt cho các em. Do đó, chúng tôi thường xuyên phải đi vận động bố mẹ các em tạo điều kiện cho các cháu đến lớp”.

Trên thực tế, nhiều lớp học ở đây không chỉ dạy tiếng Việt, mà còn dạy cả tiếng Khmer để tránh tình trạng thất học nói chung. Khi biết chữ Khmer rồi, các em có thể theo học các lớp học khác, lớn lên học nghề, hoà nhập với cộng đồng. Người Việt ở Siêm Riệp không mấy ai không biết đến Trung tâm giáo dục và từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo, nằm gần bờ tây nam của Biển Hồ. Ông Trần Văn Tư chính là người mở trường từ năm 2006. Trường dạy hàng trăm đứa trẻ gốc Việt miễn phí. Kinh phí duy trì ngôi trường hoàn toàn do các nhà hảo tâm đóng góp.

Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, MTTQ, UBND các tỉnh, thành Việt Nam và Hội Việt kiều tại Campuchia, nhiều ngôi trường dành cho trẻ em Việt kiều tại Campuchia đã ra đời, giảm bớt khó khăn trong hành trình gìn giữ tiếng Việt. Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến là một trong những ngôi trường giàu “truyền thống” nhất, được đầu tư xây dựng bài bản với sự hỗ trợ từ trong nước. Trường được khởi công xây dựng từ tháng 4/2008, với kinh phí hơn 200.000 USD, trong đó Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ 86.000 USD, Uỷ ban MTTQ TPHCM tặng 40.000 USD, số còn lại do bà con Việt kiều cùng các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ. Ngôi trường đã đi vào hoạt động đúng dịp Quốc khánh 2/9/2009.

Trung bình mỗi năm, Trường Tân Tiến thu hút từ 300 đến 600 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Đây chính là nơi thu hút đông học sinh gốc Việt nhất trên đất nước Campuchia. Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến hiện tổ chức giảng dạy song ngữ cho các học sinh, trong đó một buổi học tiếng Việt theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và một buổi học tiếng Khmer theo chương trình của Bộ Giáo dục Thanh niên và Thể thao Campuchia.

Trường hiện có 4 điểm trường với địa điểm chính rộng gần 2.000m2 nằm ở quận Chbar Ampov ở thủ đô Phnom Penh. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer-Việt Nam Thạch Thị Lan cho biết: “Những năm gần đây, bên cạnh giữ gìn tiếng Việt, nhà trường tập trung vào dạy tiếng Khmer để các em học sinh có thể hội nhập với cộng đồng người bản xứ, lớn lên có thể xin công ăn, việc làm thuận lợi hơn. Chúng tôi vẫn thường bảo các em, phải biết tiếng Khmer để hội nhập, nhưng cũng phải biết tiếng Việt vì đó là nguồn gốc, là văn hoá của dân tộc mình”.

Tương tự như mô hình Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến, đến giờ, có hàng chục trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam đã ra đời tại hầu hết các tỉnh, thành trên nước bạn Campuchia. Điển hình như Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam tại Prey-veng, Svay Rieng, Takeo, Battambang... Những trường học này đều ra đời theo mô hình một địa phương, hoặc ngành, cơ quan của Việt Nam hỗ trợ kinh phí, kết hợp với nguồn lực do Tổng Hội người Campuchia gốc Việt Nam, Hội Việt kiều tại các tỉnh vận động kiều bào, nhà hảo tâm để hỗ trợ xây dựng.

Giữ tiếng Việt, chữ Việt ở Campuchia - xứ sở chùa Tháp, là một hành trình gian nan. Nhưng khó khăn càng làm bật lên tấm lòng của người Việt nơi xa xứ. Những lớp học tiếng Việt vẫn cứ tiếp tục mọc lên. Và với sự hỗ trợ từ trong nước, những người “gieo chữ” đã bớt đơn độc, có thêm động lực để tiếp tục hành trình. Những hỗ trợ đó, còn góp phần khiến mối quan hệ giữa kiều bào với quê hương thêm bền chặt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị khẳng định: Bản sắc văn hóa và truyền thống của dân tộc, đặc biệt là tiếng mẹ đẻ là sức mạnh, là tài sản vô hình của mỗi quốc gia. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng Việt ở xứ sở chùa Tháp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO