Tiếp cận vốn vay ưu đãi, vẫn khó

Thúy Hằng 03/06/2020 08:00

Hơn 300.000 tỷ đồng là số tiền mà ngân hàng cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) vượt khó, phục hồi sản xuất kinh doanh thời hậu Covid-19. Song, cộng đồng DN, nhất là các DN vừa và nhỏ lại rất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Vậy nguyên nhân vì sao?

Tiếp cận vốn vay ưu đãi, vẫn khó

Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp than khó

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao ngành Ngân hàng đã luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho cộng đồng DN của tỉnh trong quá trình phát triển, nhất là việc phân loại DN theo từng nhóm để có chính sách hỗ trợ kịp thời như giãn nợ, giảm lãi vay, giảm phí... Song, ông khẳng định, các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là DN siêu nhỏ rất khó tiếp cận gói vốn ưu đãi hỗ trợ DN vượt qua khó khăn hậu Covid-19, bởi báo cáo tài chính cùng hạn mức vốn của những DN này còn hạn chế.

Trước khó khăn của các DN trong việc tiếp cận vốn ưu đãi hỗ trợ, ông Thời kiến nghị: “NHNN có thể đưa ra các hình thức bảo lãnh tín dụng cho các DN có khả năng vốn chủ sỡ hữu ít trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải,…Ngân hàng có thể đánh giá theo hình thức bảo lãnh để các DN này có thể tiếp cận. Phía các DN cần có những báo cáo tài chính công khai, minh bạch, nêu rõ khó khăn của mình cho ngân hàng biết. Tôi tin hai bên cố gắng thì sẽ gặp nhau...”.

Giới DN than rằng, DN gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng do thiếu tài sản thế chấp, nhất là DN nhỏ và vừa. Vì ngân hàng quá chặt tay nên hồ sơ mà DN gửi đến phải chờ duyệt rất lâu. Không chỉ vay tiền khó, mà nhiều ý kiến khác cho biết việc cơ cấu lại nợ được ngân hàng thực hiện khá chậm.

Ông Nguyễn Văn Cường, chủ chuỗi nhà hàng C-brewmaster cho hay, DN này đang vay một khoản tại VietinBank và thuộc đối tượng được ngân hàng hỗ trợ. Song, thực sự là không hề đơn giản để có thể nhận hỗ trợ kịp thời trong lúc khó khăn nhất. “Phía ngân hàng đang làm thủ tục để cơ cấu nợ cho khoản vay của chúng tôi. Tuy nhiên việc cơ cấu nợ diễn ra chậm, trong khi hoàn cảnh thực tế như nước sôi lửa bỏng...” - ông Cường nói.

Không chỉ DN, mà ở một số địa phương, qua phản ánh người dân cũng khó tiếp cận tiền vay từ ngân hàng để tái khởi động cuộc sống. Chẳng hạn đối với gói hỗ trợ cho vay người sử dụng lao động tại Ngân hàng Chính sách xã hội ở tỉnh Yên Bái, với quy định chặt chẽ theo quy định tại Điều 13, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa có người sử dụng lao động đáp ứng đủ điều kiện để được UBND cấp huyện phê duyệt, do đó NHCSXH tỉnh chưa thể giải ngân cho vay.

“Xếp hàng” chờ... duyệt

Đó là ý kiến của một số lãnh đạo ngân hàng khi nói về việc lượng hồ sơ gửi về ngân hàng xin được cơ cấu lại nợ, vay tiền để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB cho biết, với các ngân hàng bán lẻ, lượng khách hàng rất lớn, đồng nghĩa với hồ sơ xin cơ cấu lại nợ rất nhiều. Để hoàn tất thủ tục cơ cấu 1.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, có khi ngân hàng phải xử lý 2.000 - 3.000 hồ sơ của khách hàng, vì có khách hàng vay 1-2 tỷ đồng, song cũng có khách hàng chỉ vay 200-300 triệu đồng. Số lượng hồ sơ lớn, trong khi theo quy định, chỉ có Ủy ban Cơ cấu nợ của ngân hàng mới được phép phê duyệt hồ sơ được cơ cấu nợ, dẫn tới tình trạng quá tải, hồ sơ ùn ứ.

Trước đó, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cũng cho biết, lượng khách hàng gửi đơn xin cơ cấu nợ tại Ngân hàng tăng chóng mặt khiến các bộ phận liên quan phải chạy hết tốc lực.

Phía ngân hàng cũng thừa nhận, trong quá trình rà soát, đánh giá khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, NH gặp khó khăn khi thu thập hồ sơ tài liệu khách hàng là hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ, siêu nhỏ do đối tượng này không có hệ thống sổ sách kế toán hoặc có ghi chép không đầy đủ dẫn đến khó xác định mức độ ảnh hưởng, mức độ thiệt hại cụ thể. Điều đó gây khó quyết định hình thức hỗ trợ phù hợp.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN: Ngành Ngân hàng đã và đang nỗ lực, quyết tâm triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh tháo gỡ khó khăn cho khách hàng: Từ việc đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ để ổn định vĩ mô; giảm lãi suất cho vay khách hàng, nhất là giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục cung ứng đầy đủ vốn cho người dân, doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau dịch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp cận vốn vay ưu đãi, vẫn khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO