Tiêu thụ nông sản: Nhìn từ vụ vải 2015

Nhật Minh 11/07/2015 10:00

Tính đến thời điểm này, có thể khẳng định, vụ vải 2015 đã thành công với sản lượng đạt trên 200.000 tấn. Mùa vải năm nay, quả vải của nông dân Việt Nam không chỉ tiêu thụ tốt ở nội địa mà còn rất được giá ở thị trường thế giới, trong đó người tiêu dùng tại những thị trường khó tính như Pháp, Mỹ, Úc… đã biết đến quả vải “made in Việt Nam”.

Tiêu thụ nông sản: Nhìn từ vụ vải 2015

Giá vải tăng, người nông dân phấn khởi.

Ảnh: Đức Thọ

Điều đáng mừng là, cho đến cuối vụ năm nay, quả vải tiêu thụ ở nội địa cũng không rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá” như mọi năm hoặc như nhiều loại nông sản khác. Trên thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giá vải cho đến thời điểm này vẫn dao động quanh mức 20-25.000 đồng/kg, 5-10.000 đồng/kg so với thời điểm chính vụ. Còn tại thị trường quốc tế, giá vải được giao bán tại Úc, Mỹ… quanh mức 200.000 đồng/kg.

Đánh giá chung về tình hình tiêu thụ vụ vải năm nay, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, vụ vải 2015 đã thu được những thành quả đáng ghi nhận. Cả nhà quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm đầu ra, mở rộng thị trường.

Ngay từ đầu vụ, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên kế hoạch tiêu thụ vải. Trong tháng 5, hàng loạt hội nghị, chương trình xúc tiến thương mại nhằm kết nối tiêu thụ vải trong nước đã liên tục được tổ chức. Chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh năm nay đã tiêu thụ khoảng 80.000 tấn vải thiều.

Còn theo UBND tỉnh Bắc Giang, nếu các vụ mùa trước đây, địa phương vẫn thụ động trông chờ vào các thương lái thu mua thì năm nay, tỉnh đã lên kế hoạch chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới. Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều chuyến đi đến các địa phương trong cả nước đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa thông qua các kênh bán lẻ, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị lớn như Metro, Coop.Mark, Hapro và Big C.

Đây thực sự là cách làm đúng trong bối cảnh nước ta còn đang thiếu về công nghệ bảo quản sau thu hoạch, những mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao như vải thiều thì thị trường tiêu thụ nội địa đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, từ các chương trình xúc tiến thương mại này, với sự chủ động kết nối, tìm kiếm thị trường của các địa phương, các DN xuất khẩu, DN phân phối… vụ vải 2015 đã được tiêu thụ tốt không những ở trong nước mà còn vươn ra cả thế giới.

Tuy nhiên, vẫn cần phải nhìn nhận, những giải pháp nói trên cũng chỉ là những giải pháp tình thế, về lâu dài, bài toán tiêu thụ nông sản vẫn cần phải có một lời giải căn cơ, với một nền sản xuất chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn. Theo TS Nguyễn Thị Lan (Học viện Tài chính), điểm yếu của ngành nông nghiệp hiện nay chính là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp. Nông dân sản xuất rất giỏi nhưng lại không sản xuất theo một tiêu chuẩn nhất định, tự bản thân người nông dân trong cùng khu vực đã cạnh tranh gay gắt với nhau. Còn DN, họ am hiểu sự vận động của thị trường, nhưng lại không hiểu nhiều về quy trình sản xuất. Hai thành phần kinh tế này hiện nay lại thiếu gắn kết, chia sẻ với nhau... nên mới dẫn đến thực trạng hiện nay của ngành nông nghiệp.

Bởi vậy, theo bà Lan, để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững, để sản phẩm nông sản Việt có thể đứng vững khi bước chân ra thị trường quốc tế, yếu tố quan trọng đầu tiên là giữa DN và nông dân cần phải tìm thấy “tiếng nói chung”. “Bởi bản thân nông dân sản xuất tốt thôi chưa đủ, còn rất cần vai trò của DN trong việc định hướng thị trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường chứ không chỉ cung cấp những sản phẩm mình sẵn có. Chỉ khi đó, nông sản Việt Nam mới thực sự cạnh tranh được với thị trường trong khu vực và thế giới” - TS Lan nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiêu thụ nông sản: Nhìn từ vụ vải 2015

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO