Tiểu thuyết 'Đêm núm sen' của nhà thơ Trần Dần: Cuộc trình diễn ngôn từ

Việt Quỳnh 01/08/2017 19:35

“Đêm núm sen”, cuốn sách đáng đọc nhất thời gian này, đang gây sốt trên thị trường sách, tưởng đã ngủ quên trong góc tối di cảo được sáng tác từ năm 1961 của nhà thơ Trần Dần để lại. Bản thảo của “Đêm núm sen” là trang rách, trang nguyên, trang bị gạch chéo bỏ… là chữ còn, chữ mất, chữ nét, chữ bị tẩy xóa… đã thật khó khăn khi phục hồi để ra mắt được một tác phẩm hoàn chỉnh mà chúng ta đang cầm trên tay.

Bìa cuốn tiểu thuyết “Đêm núm sen”. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán).

Họa sĩ Trần Trọng Vũ, con trai của cố nhà thơ Trần Dần đã chia sẻ:

“Viết năm 1961, “Đêm núm sen” cũng như nhiều tác phẩm khác của cùng tác giả, phải đợi nhiều thập niên mới đến được với công chúng. “Có cần kể nữa không?” câu hỏi chẳng biết trả lời ra sao của anh kiến Gầy, khi mà 56 năm qua kể từ khi Trần Dần hoàn thành bản thảo, khi mà “Đêm núm sen” đã được gấp rút biên soạn trong những ngày đầu năm 2017. Vào đúng lúc hai mươi năm về trước nhà thơ đã vội vã ra đi. Một lần cho mãi mãi.”

“Đêm núm sen” (Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn) vì nhiều lý do không thuận, mà nhà thơ Trần Dần đã cất đi sau khi sáng tác. Ba mươi năm sau, ông đã mở ra, đọc lại, và thấy xót xa khi một số chương đã mất đi: “Người ta có thể trách tôi đủ thứ! Kém trách nhiệm? Vô ý thức bảo quản tác phẩm? Cẩu thả? Buông lung? Không dạy được vợ con ý thức bảo tàng? Những điều kể ra cũng có cơ sở? Cũng đáng trách đấy? (…) Song chậc? Tư Mã thở dài… “Mất rồi thì thôi”.

Cũng giống như tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn”, gia đình nhà thơ Trần Dần cũng như biên tập viên phải làm việc hết sức cẩn trọng để có được từng chữ từ bản thảo cũ nát, nhiều chỗ đã bị rách góc. “Đêm núm sen” được phục hồi để có câu chuyện khá liền mạch.

“Đêm núm sen”, bản thảo nằm đau ròng rã hơn nửa thế kỷ… bụi bặm… thời gian… chuột bọ gặm nhấm… những trang thất lạc…” đúng như lời giới thiệu của nhà thơ Dương Tường.

Nhà thơ Dương Tường là người đã được đọc bản thảo khi nhà thơ Trần Dần còn sống, vì vậy ông đã giúp sức khôi phục lại bản thảo theo trí nhớ của mình. Theo nhà thơ Dương Tường: “Đêm núm sen”... Một cocktail của trữ tình, bi tráng và u-mua của các bề chiều chữ: màu chữ, mùi chữ, vị chữ, nhịp chữ, biến tấu chữ…”

Theo chia sẻ của Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, quá trình biên tập cuốn sách trải qua nhiều khâu. Để cuốn sách này ra đời, đầu tiên là sự tham gia của nhà báo Trần Trọng Văn, con trai trưởng của nhà thơ Trần Dần. Anh đã gom tư liệu lại, đánh máy từ bản thảo cũ nát, nhiều khi phải lấy kính lúp để soi. Sau đó, nhóm biên tập của Thủy ngồi cùng nhau bàn hướng xử lý và tham khảo thêm ý kiến của nhà thơ Dương Tường.

“Chúng tôi quyết định phải có tranh minh họa để câu chuyện thuyết phục hơn, và việc tìm họa sĩ mất khá nhiều thời gian, nhiều người đã thử, cho đến khi họa sĩ Tạ Huy Long chính thức gánh vác việc quan trọng này. Tôi là người làm việc chính trên những con chữ, nhưng sau tôi còn có hai biên tập viên hỗ trợ nữa để có thể đưa ra một bản thảo tốt nhất tới tay bạn đọc”. Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy kể lại.

“Việc sắp xếp lại bản thảo theo trình tự hợp lý cũng là một việc quan trọng. Tôi nhớ mình đã đọc tham khảo khá nhiều trang khoa học về loài kiến để kiểm tra lại hoặc sửa sang một số chi tiết cần thiết. Chúng tôi cũng làm thêm một số thao tác như làm gọn gàng lại một số chỗ, chia lại một số chương. Đôi khi một chữ thôi cũng phải nâng lên đặt xuống, kiểm tra xem là lỗi đánh máy hay là chữ Trần Dần dùng, vì ai cũng biết là cụ có lối dùng từ độc đáo...”

Chân dung nhà thơ Trần Dần. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán).

Trong “Lời mở đầu” tiểu thuyết, nhà thơ Trần Dần viết:

“Câu chuyện dưới đây do kiến Gầy kể. Kiến Gầy tức là tôi. Một công dân tầm thường. Tôi có làm việc hay nô nghịch ở giữa chợ cũng không ai để ý đến! Không ai nghe thấy tiếng đập quả tim be bé của tôi! Cả câu chuyện tôi kể dưới đây cũng tầm thường vậy: những phong tục, những xích mích be bé, những may mắn và không may be bé…”

Và câu chuyện bắt đầu, theo ngôn ngữ của loài kiến. Số phận của loài kiến hiện lên, lại biến thiên trở thành số phận người, những con người nhỏ bé như kiến.

Tiểu thuyết có hai mươi chương, mỗi chương có một tên riêng, được sắp xếp thứ tự từ một đến hai mươi: Làng, Tạm biệt ấu thơ, Đại lộ Mùa Thu, Sứa, Đêm trinh sát, Chiến binh, Phố trăng, Giờ tuyên chiến, Phòng tuyến Chèm, Tác chiến, Hào mưa, Giọt sương, Chiến lũy, Một chương trình be bé, Đêm tân hôn, Cổng làng, Trên khu nhà đổ, Tháp đồng, Đêm núm sen, Lũy mưa. Từ mỗi chương, thế giới kiến lần lượt phơi bày, hiển lộ, bắt đầu từ làng Mận - quê hương, nơi sinh thành của kiến Gầy.

Ngay khi còn thơ, với thú vui tự đái vào chân làm bẩn phòng riêng, ước mơ được mù, được què, được điếc, cho đến trở thành hiệp sĩ Áo Đỏ, đủ thấy số phận kiến Gầy sẽ trải qua những biến động thời cuộc không nhỏ. Rất nhiều khi, từ những suy nghĩ được ươm mầm khi bé, sẽ là sợi dây dẫn dắt vô hình cho con đường đi không thể bình yên của kiếp sống.

Đọc văn Trần Dần, có lẽ cái thú nhất không phải đọc truyện ông kể, để thấy được qua đó những biến cố thời cuộc lịch sử, mảng sống xã hội từ điểm nhìn của người nghệ sĩ qua cách sử dụng lời kể ngây thơ, trẻ dại như đồng thoại (thể loại truyện viết cho trẻ em trong đó loài vật và các vật vô tri được nhân cách hoá để tạo nên một thế giới thần kì, thích hợp với trí tưởng tượng của trẻ em) mà là chất thơ thiên tài mà ông sử dụng xen lẫn:

“Hàng ngàn hạt đèn tím lắc rắc trong lòng phố dài những tia nhỏ như mứt tím non, tím đặc, tím hoa cà… Cả một sự man mác thần tiên của tím đậm nhạt, màu chồng màu. (…). Gió lào xào ngoài phố, với những tia sao. Mùa thu rồi. Căn phòng rộng, như một hội sảnh. Rộng mà ấm. Các tia sao lọc vào hội sảnh trong như thạch.” (T22).

Ưu điểm của một nhà thơ khi viết truyện, ắt hẳn sẽ rất khác với nhà văn chỉ viết văn xuôi, là tính nhạc, chất thơ trở thành giai điệu đẹp sáng trong, kết nối cả thiên mạch truyện vào nhau, dù rất nhiều khi, là những ý tưởng câu kể rời rã. Nhà thơ, sẽ sử dụng sáng tạo câu từ, để nó không theo một khuôn khổ ngữ pháp được định trước.

“Đại lộ ngun ngút hơi đèn… Tôi đi ra cổng biệt thự đỏ… (…) Cửa sổ cũng màu đỏ. Đỏ son sót. Một xuất hiện trắng bong, thơm như bông huệ! Tôi ngước lên một tia mắt bối rối. Trên kia, mương xuống những tia mắt trong trong, điềm nhiên… Tôi cúi xuống. Tôi đứng lêu đêu, như một cột đèn bỏ.” (T48)

Đọc một câu thoại mà nhà thơ viết, thì vẫn là nên thấu cảm hơn là tìm cách hiểu rõ ràng. Trần Dần đưa người đọc đến một thế giới, tưởng như được miêu tả cụ thể tường minh từ kiến trúc của một ngôi nhà, tổ hợp ngôi làng, hun hút đại lộ, cổng thành, cho đến tính cách, số phận của mỗi nhân vật lướt qua tuổi thơ đến thời khắc trưởng thành của anh kiến Gầy, thì thực chất, chỉ là một giả tưởng được mang lại, cấu thành từ muôn trạng cảm xúc, và những ý nghĩ miên man chảy qua não không biết đâu là điểm dừng. Như khi ông miêu tả một nụ sen trắng nở:

“Đêm hôm sau, cái nụ sen nở. Trắng nuột. Nó run run trong đêm khu nhà đổ. Mình tôi biết! Nó đã xé rách cái màng mỏng, bọc bên ngoài. Tôi đặt lấp ló chiếc chăn lính. Đẹp! Thơm!” (T323)

Đọc xuyên suốt 357 trang tiểu thuyết “Đêm núm sen”, giọng điệu kể của nhà thơ Trần Dần biến chuyển theo sự trưởng thành từ từ chậm rãi của kiến Gầy. Đọng lại nhất, là tình cảm nồng đượm, hoang hoải, mãnh liệt, thật thà lẫn cả thẹn của Sứa – bạn tình của kiến Gầy, nhưng rồi, vẫn kết thúc đột nhiên không báo trước:

“Tôi đã mất Sứa thật rồi ư? Giọt sương be bé đã bốc hẳn thành hơi? Vĩnh viễn bốc hơi ư? Tôi không tin… Tôi không tin…” (T357)

“Khi làm việc với những con chữ, tôi cảm thấy choáng ngợp vì thứ ngôn ngữ tươi mới, độc đáo của ông. Đối với tôi “Đêm núm sen” là một cuộc trình diễn ngôn ngữ. Và qua ngôn ngữ, người ta có thể thấy sự mới mẻ, táo bạo, hài hước và cũng đầy chiêm nghiệm về cõi nhân sinh của Trần Dần. Và ngay cả bây giờ, sau mấy chục năm, sức công phá của nó vẫn rất mạnh mẽ” - Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiểu thuyết 'Đêm núm sen' của nhà thơ Trần Dần: Cuộc trình diễn ngôn từ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO