Tìm cơ hội cho sân khấu truyền hình

Minh Quân 01/04/2021 06:27

Trong những năm qua, mô hình sân khấu truyền hình đang trở thành phương tiện hữu hiệu gắn kết khán giả với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên xét về tổng thể thì các chương trình sân khấu đang không có chỗ đứng trên sóng truyền hình.

Ghi hình một chương trình tại trường quay của Trung tâm Truyền hình Thông tấn.

Những điểm sáng

Với sự phát triển của công nghệ, truyền hình trong những năm qua các chương trình sân khấu đã trở thành những “món ăn” dành cho các khán giả yếu mến các loại hình nghệ thuật sân khấu.

Đơn cử, như trên VTV, do đặc thù là kênh truyền hình quốc gia và có các kênh sóng cho từng vùng miền nên các chương trình sân khấu khá đa dạng vào nhiều khung giờ khác nhau, gồm nhiều thể loại như kịch nói, cải lương, tuồng, chèo…

Đặc biệt kênh VTV9 - kênh truyền hình quốc gia hướng tới khán giả khu vực Nam bộ, VTV5 Tây Nam bộ - dành cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực ĐBSCL, VTV8 cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thường xuyên phát sóng các vở cải lương. Trong khi đó, trên 2 kênh VTV1, VTV4, kịch và chèo phổ biến hơn.

Đặc biệt, một những điểm sáng của sân khấu truyền hình chính Hải Phòng khi triển khai khá thành công đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng”. Việc triển khai đề án trong năm 2020 đã làm sống lại thời kỳ hoàng kim của sân khấu Hải Phòng trong quá khứ như “điểm sáng trong Chiếng Chèo Đông”, “Anh Cả Đỏ” trong “Làng Kịch nói”.

Đây cũng là phương thức quảng bá vô cùng sinh động, hấp dẫn về đất và người Hải Phòng, góp phần phản ánh đời sống kinh tế - xã hội đang đà phát triển và đổi mới từng ngày của thành phố.

Theo báo cáo của Sở VHTT Hải Phòng, sau 1 năm triển khai qua 12 số, đề án đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của đông đảo khán giả xem trực tiếp cũng như trên sóng truyền hình. Đặc biệt nhiều số đã được VTV1 Đài truyền hình Việt Nam đánh giá cao và phát sóng trong cả nước.

Qua 12 số đã thực hiện với các vở diễn về đề tài lịch sử (Khai sáng An Biên, Đức Vương Ngô Quyền, Hoàng Đế Tiền Lê, Hào khí Bạch Đằng Giang, Lời Sấm truyền từ quán Trung Tân), huyền thoại (Một truyền tích Hoa Phương), chiến tranh cách mạng (Di sản mùa xuân) và hiện đại ( Phong tỏa, Người trong mắt bão, Thành phố Mặt trời lên, Giấc mơ ếch xanh, Tôi và chúng ta) số lượng khán giả xem trực tiếp qua livestream đã đạt gần 15.000 người, số lượng khán giả truy cập mỗi chương trình trên 10.000 lượt xem; số lượng khán giả chia sẻ chương trình trên trang cá nhân đạt gần 300 lượt và số lượng khán giả thích chương trình từ 1.000 – 2.000 (tùy từng chương trình, vở diễn) và liên tục tăng dần ở các chương trình về sau.

Ngoài phát sóng, các chương trình đã được lưu diễn với 60 buổi tại 12 quận, huyện trên địa bàn thành phố; thu hút khoảng 60.000 lượt khán giả hào hứng đón nhận.

Đi tìm chỗ đứng

Có thể nói, nếu so sánh với các chương trình giải trí hay phim truyện thì những số lượt xem các chương trình sân khấu vẫn còn là khá khiêm tốn. Nhưng nhìn vào thực tế do những yếu tố khách quan và cả chủ quan thì đây là sự động viên rất lớn cho những người nghệ sĩ.

Bởi thực tế hiện nay hầu hết các chương trình sân khấu đều đang khá “lép vế” về khung giờ phát sóng và hầu như ít có cơ hội xuất hiện ở các khung “giờ vàng”. Nếu không nói là các chương trình đều được phát sóng vào thời điểm khán giả đang đi làm, đi học, hoặc đang ngủ.

Chưa kể một số chương trình của các kênh truyền hình địa phương chỉ phát sóng mỗi tháng một lần, vào chủ nhật giữa tháng hay chủ nhật tuần thứ 3, thứ 4 trong tháng. Hay có chương trình dù mỗi tuần diễn 1-2 sô nhưng vẫn chưa tạo được sự bứt phá nên khán giả chưa thể nằm lòng, chú ý theo dõi thường xuyên.

Đặc biệt có một thực tế hiện nay các đài truyền hình luôn tạo dựng và duy trì hoạt động các kênh nội dung rất riêng dành cho nhiều đối tượng khán giả, từ kênh thiếu nhi và gia đình, kênh thể thao, kênh giải trí tổng hợp - phim ảnh, kênh phụ nữ, kênh mua sắm tiêu dùng, kênh du lịch cuộc sống..., nhưng vẫn chưa có một kênh riêng biệt dành cho các loại hình sân khấu.

Nhưng sự “thua thiệt’ cũng là điều dễ hiểu bởi với sức hút của các gameshow, phim truyện… thu hút được đông đảo khán giả và doanh thu về quảng cáo luôn là sự những ưu tiên của các đài truyền hình.

Cùng với đó, các chương trình sân khấu vốn “kén” khán giả chưa thực sự có được những sản phẩm hay, chất lượng. Thậm chí, nhiều người khi thấy các chương trình sân khấu trên truyền hình thì ngay lập tức chuyển kênh.

Đơn cử như truyền hình Hải Phòng dù đang là “điểm sáng” cũng đang phải loay hoay khắc phục vô số những khoảng trống. Như với nguồn nhân lực hiện tại của các đoàn nghệ thuật tại Hải Phòng trung bình chỉ có từ 15-25 biên chế, việc triển khai các chương trình, vở diễn lớn tương xứng là hết sức khó khăn. Việc huy động diễn viên từ các đơn vị khác ảnh hưởng nhiều đến công việc chuyên môn của các đơn vị và không đảm bảo tính chuyên nghiệp.

Chính việc thiếu nghiêm trọng về lực lượng diễn viên đang là một vấn đề tạo ra những khó khăn trong việc duy trì hoạt động của đơn vị, chất lượng nghệ thuật và sự ổn định trong tương lai của các đơn vị nghệ thuật. Chưa kể, tuổi đời trung bình của diễn viên khá cao so với vai diễn nhưng không tuyển được diễn viên trẻ, tài năng do yêu cầu tinh giảm biên chế và chưa có cơ chế đặc thù để thu hút tài năng...

Từ thực tế trên, để các sản phẩm sân khấu truyền hình rút ngắn khoảng cách với khán giả màn ảnh nhỏ, từ những người quản lý cho đến nghệ sĩ cần nắm bắt nhu cầu thực tiễn của khán giả để tìm hướng đi mới. Bởi với sự ra đời “ồ ạt” của các chương trình gameshow, nhạc trẻ, phim nước ngoài... rất cần một kênh truyền hình riêng phục vụ những lớp khán giả từ trung niên đến lớn tuổi thích xem các loại hình nghệ thuật sân khấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cơ hội cho sân khấu truyền hình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO