Tìm đường cho con tôm 'bơi' vào Mỹ

Nhật Minh 13/09/2016 07:15

Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố mức thuế chống bán phá trên tôm đông lạnh của Việt Nam vào Mỹ cao gấp gần 5 lần so với lần áp thuế thứ 9 trước đây.

Cụ thể, tất cả các lô hàng tôm đông lạnh nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 1/2/2014 đến 31/1/2015 sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá là 4,78%, trong khi mức thuế lần gần nhất là 0,91%. Mức thuế này nếu được thực thi sẽ khiến các doanh nghiệp tôm Việt Nam khó cạnh tranh khi xuất khẩu vào Mỹ.

Tìm đường cho con tôm 'bơi' vào Mỹ

Tôm xuất khẩu đối diện nhiều rào cản tại thị trường Mỹ.

Theo giới chuyên gia ngành thủy sản, xuất khẩu tôm từ nay đến cuối năm sẽ gặp nhiều trở ngại khi Mỹ mới đây đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 10 thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm đông lạnh của nước ta. Theo đó, xuất khẩu vào thị trường này với mức thuế cao gấp gần 5 lần so với lần thứ 9.

Thuế cao gấp 5 lần

Nhiều DN cho rằng, đây là mức thuế bất hợp lý và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của ngành tôm nước nhà.Theo đó, mức thuế mà DOC áp cho các lô hàng tôm đông lạnh nhập khẩu vào thị trường này giai đoạn từ 1/2/2014 đến 31/1/2015 của các bị đơn bắt buộc và tự nguyện là 4,87%.

Trong đợt tính thuế lần này, DOC tiếp tục chọn Bangladesh làm quốc gia thứ ba để so sánh về giá trong khi đây là quốc gia không có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam dẫn đến mức thuế chống bán phá giá tăng cao.

Với mức thuế chống bán phá giá mà DOC vừa công bố, sản phẩm tôm của Việt Nam sẽ chịu mức thuế cao gấp 2-3 lần so với tôm Thái Lan, Ấn Độ. Đây sẽ là bất lợi và tác động không nhỏ đến hoạt động chế biến và xuất khẩu tôm của nước ta vào Mỹ.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Trương Hữu Thông - Giám đốc Công ty Thông Thuận, Ủy viên Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho rằng, việc áp dụng thuế lần này của Mỹ chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho các DN chế biến và xuất khẩu tôm, nhất là khi mức thuế này còn cao gấp 5 lần so với lần xem xét trước.

Nêu lý do các DN thủy sản củ Việt Nam thường xuyên bị Mỹ sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để áp các loại thuế (thuế chống phá giá, chống trợ cấp), ông Thông cho rằng, do Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên các DN xuất khẩu của ta thường bị rơi vào vòng lao lý ở thị trường này.

“Mặc dù chúng ta đã khởi kiện ra tòa án WTO và được công nhận là nền kinh tế thị trường, tuy nhiên, chỉ riêng thị trường Mỹ họ vẫn không công nhận. Do đó, DN ngành tôm xuất khẩu ra thị trường này sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn” – ông Thông nhận định.

Nhiều DN xuất khẩu tôm cũng cho rằng, với mức thuế hiện tại mà Mỹ áp cho các DN của chúng ta, nhiều khả năng tôm Việt Nam không đủ sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ, khi đó, không chỉ DN xuất khẩu, mà các DN tại thị trường nội địa, người nuôi tôm sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Số liệu thống kê cho biết, xuất khẩu tôm của nước ta sang Mỹ từ đầu năm 2016 đến nay đạt hơn 364 triệu USD, tăng trên 16% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia ngành thủy sản, đà tăng trưởng này rất khó có thể duy trì trước các rào cản mà Mỹ đưa ra, đặc biệt là việc tăng thuế chống bán phá lần này của DOC.

Doanh nghiệp phải liên kết mới trụ vững

Ở một diễn biến khác, ngày 8 đến 10/9 vừa qua, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu, sang làm việc với Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Australia.

Trong cuộc trao đổi giữa hai nước, vấn đề xuất khẩu tôm tươi sang thị trường Australia được hai bên chú trọng. Theo đó, Việt Nam bày tỏ ưu tiên xuất khẩu tôm tươi nguyên con sang Australia.

Phía Australia cũng bày tỏ rất thiện chí với vấn đề này. Như vậy, có thể thấy, cánh cửa tại thị trường Mỹ có vẻ như đang khép chặt hơn đối với con tôm xuất khẩu của Việt Nam, song sẽ còn nhiều thị trường giàu tiềm năng khác vẫn sẵn sàng mở cửa cho con tôm của ta thâm nhập vào.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia, Mỹ vẫn là một trong 3 thị trường (Mỹ, Nhật Bản, EU) tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam. Bởi vậy, nếu cánh cửa thị trường này khép lại sẽ là một thiệt thòi vô cùng lớn đối với các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Bởi vậy, theo ông Trương Hữu Thông, vấn đề quan trọng hiện nay là chúng ta tổ chức lại sản xuất một cách bài bản, phải có sự kết nối chặt chẽ 3 nhà: Giữa các DN với nhau, giữa DN và người nuôi cũng như tiếng nói đồng thuận từ Nhà nước…

“Ngành tôm nói riêng, ngành thủy sản nói chung rất cần có một sự điều hành thống nhất về sản lượng cá, chỉ tiêu xuất khẩu, giá cả… mới có thể cạnh tranh được trong thời gian tới” – ông Thông nhấn mạnh.

Trước những khó khăn, thách thức đối với con tôm tại thị trường Mỹ, Vasep cho rằng, để xuất khẩu thủy sản mang về 7 tỷ USD trong năm 2016 này, cần phải có nỗ lực rất lớn từ cộng đồng DN trong việc đưa ra chiến lược kinh doanh của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm đường cho con tôm 'bơi' vào Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO