Tìm giải pháp cho sự phát triển bền vững

Kim Nhượng 12/11/2017 09:25

Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ năm 2000 đến năm 2015, cả nước đã ghi nhận trên 250 đợt lũ quét, sạt lở đất, làm chết và mất tích 646 người và hơn 9.700 ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn, nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi bị hư hại nặng, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 3.300 tỉ đồng.

Sạt lở đất gây ách tắc giao thông và nguy hiểm tính mạng.

Chỉ tính riêng trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, đã có 93 người chết và mất tích. Đây là đợt mưa lũ bất thường gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Ngày 14/10 vừa qua tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Sạt lở đất, lũ quét và giải pháp cho sự phát triển bền vững”. Tại hội thảo, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra cho các nhà lãnh đạo, các cơ quan, ban, ngành có liên quan nhằm đưa ra các giải pháp tối ưu góp phần giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất và lũ quét gây ra. Đặc biệt, việc phòng, chống sạt trượt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, nếu không muốn hậu quả thiệt hại tăng ngày càng cao như thực tế đang diễn ra.

Các đại biểu phân tích, khi sạt trượt, người có thể chạy, nhưng nhà cửa, đường sá, di tích, công trình… không thể di chuyển được. Bởi vậy, bên cạnh việc lập quy trình cảnh báo và sơ tán, cần xử lý nguyên nhân gây sạt - trượt và gia cố chống lại việc gây sạt - trượt bằng các giải pháp công nghệ mang tính bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã phân tích nguyên nhân và cách phòng, chống sạt trượt, các biện pháp đang được thực hiện thực tế qua công trình tại huyện Xí Mần, tỉnh Hà Giang và đồi Ông Tượng tại tỉnh Hòa Bình. Đây là hai trong số hơn 2.000 điểm có nguy cơ sạt lở cao và hiện đang được thí điểm một số công nghệ chống sạt trượt hiện đại như đóng đinh đất, lắp đặt hệ thống quan trắc cảnh báo sạt trượt.

Bên cạnh các bài tham luận của các chuyên gia hàng đầu về địa chất, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam còn có các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản cũng đã chia sẻ về thảm họa sạt lở tại Nhật Bản, đặc biệt là những thiệt hại và chi phí cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả do sạt lở và lũ quét gây ra.

Trong đó, các chuyên gia của Nhật Bản cũng đưa ra các đề xuất một số giải pháp công nghệ cho việc cảnh báo và xử lý sạt trượt. TS Shinro Abe - chuyên gia cao cấp địa kỹ thuật của Công ty Okuyama Boring, Nhật Bản - cho biết mỗi năm Nhật Bản xảy ra 1.000-1.500 trận sạt lở đất làm vài chục người chết.

Cách đây 20 năm, Nhật Bản tập trung khắc phục luôn sự cố sạt lở mà không khảo sát kỹ tính chất khối trượt nên khối trượt tái hoạt động khiến việc xử lý không hiệu quả. Hiện nay, Nhật Bản thực hiện khảo sát kỹ trước khi khắc phục để có biện pháp xử lý hiệu quả, bền vững dù chi phí khảo sát chiếm 15-20% chi phí khắc phục.

Ở khía cạnh khác, ông cảnh báo con đường bị sạt taluy âm thì người Việt thường đào vào taluy dương để thông xe. Điều này có thể gây ra vụ sạt trượt có hậu quả lớn hơn.

PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, nguyên phó viện trưởng Viện xã hội học - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cảnh báo nguyên nhân khác: phá rừng đầu nguồn, khai thác khoáng sản, không đánh giá tác động tiêu cực môi trường; xây dựng cầu đường chưa đánh giá hết tác động môi trường làm nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tăng cao; xây nhà ở khe suối, chân đồi, vùng trũng ngập...

Theo Thứ trưởng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đinh Quế Hải, những chia sẻ kinh nghiệm của những chuyên gia, đơn vị trong nước, quốc tế tại hội thảo sẽ được ghi nhận để cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp chống sạt lở đất cho Việt Nam, nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm giải pháp cho sự phát triển bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO