Tìm hướng cho du lịch xanh

Hoàng Minh (ghi) 02/08/2017 08:05

Với những ưu tiên trong quá trình phát triển, “du lịch xanh” đang được ưu tiên trong chiến lược quốc gia về phát triển du lịch hướng đến tính bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Theo PGS TS Phạm Trung Lương- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam, đây là việc cần phải làm ngay khi Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững nói chung và phát triển du lịch bền vững nói riêng.

Du lịch xanh dung hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

Mối lo phát triển du lịch xanh

Với những giá trị cảnh quan và sinh thái điển hình mang tính toàn cầu, đến nay ở Việt Nam đã có 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp thế giới được UNESCO công nhận.

Bên cạnh sự đa dạng và đặc sắc của các hệ sinh thái với tính đa dạng sinh học cao, Việt Nam còn được biết đến như một đất nước có nhiều cảnh quan hấp dẫn, nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ cùng với sự phong phú và đặc sắc của văn hóa bản địa.

Đây là những tiềm năng rất lớn để phát triển “du lịch xanh” ở đẳng cấp quốc tế phù hợp với nhu cầu của thị trường du lịch ngày càng cao, tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Tuy nhiên trong thực tế việc phát triển “du lịch xanh” ở Việt Nam thời gian qua còn chưa được như mong muốn. Phát triển loại hình, sản phẩm “du lịch xanh” còn thiếu những căn cứ khoa học cần thiết, đặc biệt trong việc xác định “tính hấp dẫn, độc đáo, nguyên bản và đại diện” của tài nguyên du lịch lồng ghép với các dịch vụ, hoạt động “xanh”.

Đây là nguyên nhân cơ bản của tình trạng cho đến nay du lịch Việt Nam còn thiếu những sản phẩm du lịch biển “xanh” đặc thù ở cấp độ vùng và ở cấp quốc gia, để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Nhiều tài nguyên du lịch có được tất cả những đặc tính cần thiết đã nêu để phát triển thành sản phẩm “du lịch xanh” đặc thù của vùng, quốc gia song đã không được khai thác một cách hợp lý, thậm chí còn bị “biến dạng” bởi những “ý tưởng” thiếu căn cứ khoa học.

Ví dụ điển hình là du lịch Phú Quốc nơi cảnh quan tự nhiên - giá trị được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới - đã có sự “biến dạng” ở một số khu vực bởi sự phát triển của công trình nhân tạo, bởi sự thu hẹp không gian biển do mật độ xây dựng các công trình dịch vụ du lịch…

Phát triển sản phẩm với mục tiêu kinh doanh ngắn hạn nhằm giảm chi phí và tăng thu, nhiều công ty du lịch thay vì phải tiến hành điều tra khảo sát xây dựng chương trình tour, đánh giá “cung - cầu”… để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với xu thế hướng tới du lịch “xanh” đã tiến hành việc “sao chép” sản phẩm du lịch của các công ty khác.

Phát triển sản phẩm chưa đúng với bản chất do sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư. Thể hiện điển hình nhất của tình trạng này là việc phát triển các sản phẩm “du lịch sinh thái” - loại sản phẩm du lịch được xem là “xanh” điển hình, theo đó phần lớn các sản phẩm du lịch sinh thái hiện nay ở Việt Nam đều chưa đúng với bản chất của loại hình du lịch này.

Việc thiếu nội dung về “giáo dục môi trường”, “có sự đóng góp cho nỗ lực bảo tồn”, và “có sự tham gia tích cực của cộng đồng” trong cấu thành sản phẩm du lịch sinh thái được xem là phổ biến trong phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam.

Kết quả của tình trạng này đã ảnh hưởng đến “hình ảnh” về sản phẩm du lịch Việt Nam nói chung, về sản phẩm du lịch sinh thái nói riêng.

Trong nhiều trường hợp, điều này đã làm thất vọng đối với những gì mà khách du lịch sinh thái kỳ vọng ở du lịch Việt Nam nơi có sự đa dạng về sinh cảnh với tính đa dạng sinh học cao, trong đó có nhiều loài sinh vật quý hiếm có giá trị toàn cầu…

Hướng nào để phát triển du lịch xanh?

Các sản phẩm “du lịch xanh” đặc thù cho từng địa phương và từng vùng trên cả nước cũng đã được đề cập trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Những Chương trình này cần được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu cơ bản có định hướng về tài nguyên du lịch tự nhiên đặc thù của các vùng; khuyến khích và tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và trong các dịch vụ du lịch với những điều kiện cụ thể ở cấp địa phương và cấp vùng.

Ở đây cần đặc biệt chú trọng đối với việc khai thác các giá trị di sản văn hóa truyền thống, các tri thức bản địa trong phát triển “xanh” ở Việt Nam.

Để có được hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện các Chương trình hành động trên đối với các nhà quản lý, các nhà đầu tư, cần thiết phải có được đánh giá toàn diện có tính hệ thống về hệ thống các sản phẩm “du lịch xanh” ở Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù.

Cơ chế phân cấp xét duyệt các dự án đầu tư phát triển du lịch hiện nay đã tạo điều kiện để các địa phương chủ động, đẩy nhanh quá trình đầu tư phát triển du lịch nói chung, phát triển các sản phẩm “du lịch xanh” nói riêng.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi năng lực thẩm định của các địa phương nhìn chung còn hạn chế, đòi hỏi cần có sự hợp tác liên kết, tham vấn với các cơ quan quản lý, tư vấn vùng và trung ương đối với những dự án phát triển “du lịch xanh” nói chung và phát triển sản phẩm “du lịch xanh” có ý nghĩa quan trọng, đặc thù hoặc nằm trong các khu vực nhạy cảm về môi trường sinh thái.

Việc thực hiện một số giải pháp cơ bản trên đây sẽ góp phần tích cực vào phát triển “du lịch xanh”, đặc biệt là quá trình hình thành hệ thống các sản phẩm “du lịch xanh” đặc thù của các địa phương và các vùng du lịch, góp phần tích cực vào nỗ lực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam cũng như tạo ra sự khác biệt, nâng cao tính hấp dẫn chung của du lịch Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm hướng cho du lịch xanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO