Tìm hướng cho nghệ thuật biểu diễn

Minh Quân 17/11/2015 12:25

Người đẹp đi thi hoa hậu “chui” để rồi về chấp nhận chịu phạt; cấp phép cho ca sĩ hải ngoại về nước trình diễn phải qua nhiều khâu thủ tục chồng chéo; các chế tài xử phạt chỉ dừng lại ở mức độ răn đe, nhắc nhở… Có thể thấy mặc dù đã có những quy định cụ thể nhưng dường như các bất cập lại ngày càng nảy sinh và đang làm khó chính các nhà quản lý. 

Thi hoa hậu “chui” tái diễn nhiều lần mà chưa tìm ra cách giải quyết triệt để.

Máy móc trong việc cấp phép cho người đẹp đi thi

Được ban hành từ năm 2012, Nghị định 79 “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” từ khi được thực thi không phủ nhận đã góp phần đưa công tác quản lý biểu diễn đi vào khuân khổ. Hàng loạt các trường hợp người đẹp Việt Nam đăng ký đi thi các cuộc thi sắc đẹp mà không xin phép bị xử phạt…

Vì tấm giấy cấp phép, nhiều người đẹp phải đến sát ngày thi mới được lên đường tham gia, thậm chí là phải bỏ nhiều phần thi phụ đã được tổ chức trước đó phần nào cũng ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc. Thủ tục cấp phép máy móc, không chỉ làm khó các thí sinh tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế mà còn nẩy sinh vô số tiêu cực. Các thí sinh tham gia các cuộc thi sắc đẹp quốc tế ở quy mô thấp, “ao làng” đều sử dụng cách làm chung đó là “tiền trảm, hậu tấu” thi xong rồi về nộp phạt. Và kể từ khi Nghị định được ban hành, năm nào cũng có vài trường hợp người đẹp bị xử phạt vì lỗi đi thi “chui”.

Tuy vậy, nếu nhìn vào mức nộp phạt chỉ vài chục triệu đồng, kèm theo những nhắc nhở, cảnh cáo dường như những chế tài hiện nay chưa thực sự là “liều kháng sinh” để ngăn chặn tình trạng trên.

Mới đây, tại hội thảo lấy ý kiến những nhà chuyên môn để định hướng xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn sắp tới, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP HCM Võ Trọng Nam cũng phải thừa nhận: “Cấp phép cho các người đẹp đi thi nhan sắc trong và ngoài nước cần rõ ràng, minh bạch trên văn bản luật, kèm theo chế tài, khung xử phạt mạnh. Có như thế mới mong giải quyết được tình trạng một số người đẹp và tổ chức vẫn lách quy định để đi thi chui”.

Đi thi tại nước ngoài đã là vô số những bất cập, thì ngay tại trên “sân nhà” những bất cập mang tên các cuộc thi sắc đẹp cũng liên tiếp xảy ra. Trong đó, câu chuyện Cục NTBD (Bộ VHTT&DL) đã từng bị Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xử thua kiện công ty Rồng Việt vì đã rút giấy phép tổ chức cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam mà đơn vị này tổ chức không đúng chức năng vì đây là cuộc thi cấp vùng, không nằm trong danh mục mà Cục NTBD được quyền thu hồi giấy phép.

Sau đó, Cục này phải kháng cáo lên Tòa án nhân dân Tối cao và thắng kiện vào tháng 9/2014 đã trở thành một câu chuyện “hiếm gặp” trong công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn.

Đóng góp ý kiến cho việc định hướng xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn tới đây, ông Tôn Thất Cần- Phó Trưởng phòng phụ trách nghệ thuật - Sở VHTT TP HCM) cho rằng: Việc các người đẹp, người mẫu có nguyện vọng tham gia những cuộc thi nhan sắc ở nước ngoài, chúng tôi kiến nghị Bộ xem xét quy định chỉ những cuộc thi quy mô tổ chức và có giải thưởng mang tầm quốc tế, châu lục thì đề cử người đẹp đại diện Việt Nam tham dự, còn các cuộc thi quy mô nhỏ, mang tính nghề nghiệp thì giao lại thẩm quyền cho địa phương.

Rào cản nghệ sĩ hồi hương

Không chỉ bất cập trong việc quản lý các cuộc thi sắc đẹp, người đẹp, nghị định 79 cũng chỉ ra nhiều mặt hạn chế nhất là ở khâu quản lý, cấp phép các chương trình, nghệ sĩ trong và ngoài nước. Điển hình là tại nhiều địa phương, việc cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu không đúng thẩm quyền, tạo kẽ hở cho các tổ chức và cá nhân vi phạm pháp luật.

Ông Tôn Thất Cần chia sẻ: “Đặc thù TP HCM ca sĩ Việt kiều rất đông, do đó chúng tôi kiến nghị làm sao để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các cá nhân này được biểu diễn ở nhiều nơi. Khi ca sĩ Việt kiều về nước, cơ quan quản lý sẽ thẩm định nội dung, tổ chức hậu kiểm để các ca sĩ Việt kiều có thể biểu diễn hòa nhập cùng các ca sĩ khác trong nước…”.

Còn ông Hồ Văn Lợi - Giám đốc Sở VHTT&DL của Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ ra: riêng chuyện cấp phép cho nghệ sĩ, ca sĩ ở hải ngoại về nước biểu diễn thì mỗi địa phương làm theo một kiểu. TP Hồ Chí Minh phải thông qua ngành Công an để xét duyệt, còn ở Vũng Tàu xin ở Sở ngoại vụ hoặc UBND tỉnh. Điều này cho thấy chúng ta chưa thống nhất trong quản lý nhà nước. Khi chúng ta xây dựng luật thì cần nêu rõ vai trò quản lý của nhà nước ở địa phương, văn bản chế tài của luật phải thật sự chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng chia sẻ rằng: “Khi còn làm ở Cục Nghệ thuật biểu diễn, tôi thường đưa nhiều đoàn Việt Nam đi biểu diễn ở các nước có thấy ai ngăn cản hay kiểm duyệt chương trình gì đâu. Trong khi đến nơi nào họ cũng đều hoan nghênh và tiếp đón chu đáo. Vì vậy, lúc nghe chị Thủy Nguyễn đề nghị đưa chương trình Thúy Nga Paris về nước biểu diễn, tôi ủng hộ ngay. Một chương trình hay thay vì diễn ở nước ngoài giờ xuất hiện ngay tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của khán giả, hoạt động đúng luật và thực hiện đầy đủ các thủ tục đó là điều tốt”.

Có thể thấy trong thời gian qua, đã có rất nhiều ý kiến từ các cá nhân, cơ quan tranh luận về việc xin giấy phép làm chương trình thế nào, hủy cấp phép ra sao… Và đây cũng đang trở thành một nhu cầu rất lớn khi cần có một bộ luật để từ đó mọi người căn cứ vào thực hiện. Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn phải xuất phát từ yêu cầu thật của hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay, tạo môi trường tự do sáng tạo ở mức cao nhất dựa trên nguyên tắc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có trách nhiệm với đất nước và nhân dân, nhân ái với cộng đồng. Luật cần chặt chẽ nhưng cởi mở và không tách biệt với xu hướng hội nhập quốc tế.

Thời gian tới, Nghị định 79 sẽ phải sửa đổi, bỏ đi những thủ tục hành chính rườm rà, để tiến tới hoàn thiện một dự luật về chặt chẽ về hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Trong đó, Cục NTBD cũng lấy ý kiến của nhiều người về việc kiến nghị bãi bỏ thủ tục cấp nhãn kiểm soát bản ghi âm, ghi hình, ca múa nhạc, sân khấu.

Hi vọng, những kiểu quản lý “hành” nghệ sĩ lâu nay sẽ sớm được xóa bỏ.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới Bộ VHTT&DL cùng Cục NTBD sẽ đón nhận ý kiến đóng góp từ các cá nhân, đơn vị, tổ chức để chắt lọc, đưa vào quá trình soạn thảo Luật Nghệ thuật biểu diễn. Dự kiến dự thảo luật này hoàn thành chậm nhất vào năm 2017 để có thể trình Quốc Hội thông qua vào năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm hướng cho nghệ thuật biểu diễn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO