Tìm lại nét đẹp văn hóa vùng cao

Tuệ Phương 21/04/2017 15:17

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trở nên cấp bách và có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh tại buổi tiếp các già làng, trường bản, nghệ nhân, người uy tín vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn của 15 tỉnh khu vực phía Bắc đến chào thăm UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày 21/4, tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh phát biểu tại hội nghị.

Thế hệ trẻ… thờ ơ với văn hóa

Chia sẻ những băn khoăn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào Dao, ông Phan Quang Châu, người uy tín huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã chia sẻ những khó khăn của đồng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Cách Hà Nội hơn 500 km, giao thông hiểm trở vào bậc nhất của cả nước nhưng đồng bào dân tộc luôn một lòng hướng tới Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu. Giao thông cách trở, đường xá xa xôi đồng nghĩa với hủ tục còn nặng nề, nhiêu khê nhưng để bài trừ những hủ tục đó, người uy tín của tỉnh Điện Biên đã vào cuộc quyết liệt, “nút thắt” hủ tục được tháo bỏ dần. Những lễ hội cầu may, lễ hội cấp sắc được đơn giản hóa theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, ông Châu băn khoăn về lớp trẻ hiện nay không mặn mà với văn hóa truyền thống. Tình trạng “chê” tiếng dân tộc bản địa, ăn mặc âu hóa ngày càng nhiều, nhất là khi smartphone (điện thoại thông minh) ra đời cộng thêm mạng viễn thông đã phủ sóng rộng rãi làm cho nhận thức của một bộ phận giới trẻ lệch lạc theo.

Được về thăm Thủ đô, được vào Lăng viếng Bác, thăm khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ông Châu mong muốn, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa để người dân tộc lưu giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống, phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để xây dựng cuộc sống mới.

Ông Lèng Minh Pậy, dân tộc Tày, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cho rằng, đất nước Việt Nam có những cái rất đẹp. Đó là đẹp từ tên gọi của đất nước, đẹp từ con người và đẹp cả trong truyền thống văn hóa nhưng đồng bào DTTS còn có một cái đẹp khác đó là đẹp về bản sắc.

Nhưng giờ đây, lớp trẻ “quay lưng” với văn hóa bản địa, “quay lưng” lại với cái đẹp truyền thống trong khi lớp người già mất đi, lớp người trung niên mải mê làm ăn khiến văn hóa đó có nguy cơ thất truyền.

Quang cảnh hội nghị.

“Việc gìn giữ bản sắc văn hóa cho thế hệ mai sau không chỉ dừng lại ở các cấp chính quyền mà những người uy tín, các trưởng bản, già làng phải cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động bà con DTTS bằng những cách thức, biện pháp khác nhau sao cho hiệu quả nhất”, ông Pậy nói.

Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Hứa Việt Hải, người dân tộc Nùng, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang lại cho rằng, Việt Nam có 54 dân tộc nhưng bản sắc, giá trị văn hóa đã mai một nhiều. Người Nùng huyện Yên Thế cũng nằm trong guồng quay của sự mai một đó. Nếu không có giải pháp, cứ đà này chỉ nay mai thôi những bản sắc riêng của 54 dân tộc sẽ na ná giống nhau, thậm chí có thể “Kinh hóa”.

Nhận thức được việc này, Mặt trận tỉnh Bắc Giang và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh bước đầu đã khôi phục một số điệu hát Then, hát Xoọng Ca… nhưng việc bảo tồn này mới chỉ làm được phần ngọn còn việc triển khai, phổ biến và nhân rộng chưa được nhiều.

Ông Hải cũng kiến nghị, Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch nên cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp lưu giữ tiếng nói chữ viết, trang phục, tập quán hay của 54 dân tộc trong cả nước. Bên cạnh đó, cố gắng đẩy mạnh sản xuất vì chỉ khi no đủ bà con mới nghĩ đến việc bảo tồn vì khi bụng bà con còn đói thì những hoạt động mang tính bảo tồn sẽ trở lên xa vời với hiện thực cuộc sống.

Phải chăm chút, khơi dậy nét đẹp văn hóa

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ Trưởng vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Bà con 15 tỉnh phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn, dân cư sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, tỷ lệ đói nghèo cao nên khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống rất hạn chế, thậm chí đang đứng trước nguy cơ bị mai một, mất dần bản sắc văn hóa truyền thống. Sự tiếp thu văn hóa, tri thức mới của lớp trẻ do thiếu định hướng khiến xu hướng lãng quên, xa rời bản sắc văn hóa ngày càng sâu sắc.

Trước thực trạng đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã coi việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người uy tín… là việc làm cần thiết trong hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa cho đồng bào dân tộc.

Chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với đại diện người uy tín, già làng, trưởng bản, nghệ nhân của 15 tỉnh phía Bắc, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết, UBTƯ MTTQ Việt Nam thường xuyên đón tiếp các đoàn đại biểu người uy tín tiêu biểu là các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân và các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo về thăm UBTƯ MTTQ Việt Nam.

UBTƯ MTTQ Việt Nam là nơi tập hợp, phát huy vai trò các giới, các giai tầng trong xã hội tạo thành sức mạnh trên tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ thể hóa tư tưởng đó, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách nhằm chăm lo tốt hơn đời sống cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh và người uy tín, già làng, trưởng bản.

“Tuy nhiên, nếu chỉ có chủ trương, chính sách thôi thì chưa đủ, vì chính sách chỉ mang tính hỗ trợ. Nội lực để phát triển kinh tế vùng cao phải từ chính người dân, từng dân tộc, từng vùng miền. Nội lực đó là truyền thống cần cù lao động, sự yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Nội lực đó chính là tinh thần “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Vì vậy, đồng bào DTTT cũng cần phải phát huy nội lực của chính bản thân mình để góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh.

Bàn về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, bản sắc dân tộc chính là nét đẹp khác nhau, là cái riêng có của mỗi dân tộc. Nếu những cái riêng có đó mà biết chăm chút, khơi dậy, tuyên truyền, quảng bá thì sẽ thành nét đẹp văn hóa truyền thống. Những dân tộc nào đã có nét đẹp văn hóa truyền thống phải biết gìn giữ, phát huy còn những dân tộc nào nét văn hóa đã bị mai một phải tìm cách khôi phục.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh mong rằng, sau những chuyến đi thực tế khi trở về địa phương, người uy tín sẽ tiêp tục tuyên truyền cho bà con nhân dân tại làng, bản, thôn xóm của mình có những nhận thức đúng đắn hơn về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm lại nét đẹp văn hóa vùng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO