Tín dụng khó tăng, nợ xấu khó đòi

T.Hằng 18/09/2020 07:45

Mặc dù ngân hàng tung ra các gói ưu đãi hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp thế nhưng doanh nghiệp, cá nhân vẫn không mặn mà. Trong khi đó lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay chỉ mang tính định hướng.

Có thể thấy rằng, gần như các ngân hàng lớn nhỏ, đâu đâu cũng mời doanh nghiệp, khách hàng cá nhân vay vốn bằng các gói tín dụng lên cả nghìn tỷ đồng. Song tăng trưởng kinh tế năm nay gặp rất nhiều khó khăn vì cú bồi Covid-19 khiến cho chuỗi sản xuất, xuất nhập khẩu bị đứt gãy. Kế hoạch sản xuất kinh doanh bị thay đổi, ngưng trệ khiến cho doanh nghiệp không mặn mà vay vốn.

Dữ liệu cập nhật từ các địa phương cho thấy, tăng trưởng tín dụng không sáng. Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 8 tháng do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM thực hiện, trong lĩnh vực ngân hàng, tổng dư nợ tín dụng tăng 3,68% sau 8 tháng, ở mức 2,38 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 52% cơ cấu, tăng 4,31% so với cuối năm 2019.

Dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên đạt 176.266 tỷ đồng, trong đó vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 74%. Cho vay hỗ trợ nhà ở với dư nợ khoảng 3.092 tỷ đồng, với 8.509 khách hàng còn dư nợ.

Còn tại thủ đô Hà Nội, tăng trưởng tín dụng ngân hàng trên địa bàn TP Hà Nội đến cuối tháng 8/2020 chỉ đạt 2.212 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 4,7% so với thời điểm kết thúc năm 2019.

Đó là chỉ 2 con số tổng quát tại hai đầu tàu kinh tế đất nước, nơi có nhiều doanh nghiệp nhất. Còn tại các địa phương khác, dường như việc vay vốn của doanh nghiệp “dậm chân tại chỗ”. NHNN cũng cho biết, tính đến tháng 8, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chậm. Tuy nhiên, ngành ngân hàng cho biết quyết không chạy theo tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá hay cho vay dưới chuẩn để đạt mục tiêu lợi nhuận… Tất cả nhằm bảo đảm tăng trưởng tín dụng chất lượng, bảo đảm an toàn hệ thống.

Trong một báo cáo mới đây, công ty Chứng khoán VNDirect cũng nhìn nhận khả năng nhu cầu tín dụng trong những tháng cuối năm vẫn ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp quyết định tạm dừng mở rộng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát.

Có thể nói, ngân hàng đang đứng trước nhiều áp lực,muốn kích tín dụng nhưng khó, trong khi nợ xấu lại chầu chực bùng lên. Hiện nay các khoản nợ của doanh nghiệp vẫn đang nằm trong thời gian tái cơ cấu nợ do vậy, nợ xấu tiềm ẩn sẽ bắt đầu tăng mạnh hơn trong nửa cuối 2021. Đại diện một ngân hàng thương mại cho biết, gần đây cán bộ tín dụng cũng có đi thẩm định một vài dự án của khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Thế nhưng dự án không chứng minh được dòng tiền trả nợ hợp lý nên ngân hàng cũng không dám xuất tiền.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ khuyến cáo, trong mùa dịch mà không có kế hoạch hậu dịch phát triển tốt thì vay ngân hàng sẽ trở thành gánh nặng cho chính doanh nghiệp. Vì vậy lời khuyên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có kế hoạch tốt hậu dịch thì không nên vay lúc này.

Doanh nghiệp nông nghiệp chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu

Ngày 17/9, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam”. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI cho biết, nếu tính theo thang điểm 10 thì khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tỏ ra bi quan hơn khi chấm 4,3/10 điểm. Khối doanh nghiệp dân doanh đánh giá 4,41/10 điểm. Đặc biệt, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chịu tác động nặng nề nhất của hiện tượng này. Bên cạnh đó là doanh nghiệp xây dựng, khai khoáng… Tính trung bình, mỗi năm, doanh nghiệp sẽ phải tạm dừng sản xuất kinh doanh 7 ngày do biến đổi khí hậu.

Hồ Hương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín dụng khó tăng, nợ xấu khó đòi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO