Tín dụng tiêu dùng: Người vay dính bẫy lãi phạt

H.Hương 21/07/2016 09:05

Lãi suất hấp dẫn, thủ tục đơn giản, miễn phí hồ sơ… những lời mời chào mà các tổ chức tín dụng đưa ra rất ngọt nhưng thực chất người vay lại nhận trái đắng.

Tín dụng tiêu dùng: Người vay dính bẫy lãi phạt

Người vay cần nghiên cứu kỹ các điều khoản hợp đồng trước khi đặt bút ký.

Như vay nặng lãi

Không quá khó, chỉ cần gõ từ khóa “ vay tiêu dùng”, nhiều thông tin hiện ra: Bạn không muốn rắc rối với nhiều hồ sơ và tốn nhiều thời gian khi vay tiền? Bạn cần vay tiền nhưng không muốn người thân biết? Bạn cần vay tiền tiêu dùng hay mua vài thứ bạn thích? Bạn có việc gấp, bạn muốn vay tiền “nóng” với lãi xuất thấp? Khu vực hỗ trợ: Hà Nội và Các tỉnh lân cận. Hồ sơ đơn giản: Hộ khẩu hoặc KT3, CMND, và các chứng từ khác…

Và sau khi gọi điện thoại tới số 090 4546 XXX, lập tức nhận được lời cam kết: “vay tiêu dùng giải ngân trong 24h”.

Thực tế, hiện nay, lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng dao động từ 15-25%/năm, của các công ty tài chính tiêu dùng có thể lên tới 50 - 60%/năm, áp dụng cho các khách vay rủi ro cao.

Một trường hợp vay tiêu dùng chị P.M.T từng dẫn chứng, tháng 9/2014, chị ký hợp đồng vay 10 triệu đồng với một công ty tài chính để mua máy tính. Ngay từ đầu, chị đã thắc mắc khi nhân viên tư vấn cho biết, lãi vay là 2%/tháng, mà hợp đồng lại ghi là “lãi suất cao nhất là 5%/tháng”. Trả lời thắc mắc của chị, nhân viên của công ty đó giải thích rằng, đây là phòng trường hợp thị trường biến động. Thế nhưng, đến khi thanh toán, chị P.M.T mới ngã ngửa vì toàn bộ tiền lãi các tháng đều được công ty tính với lãi suất 5%/tháng.

Theo tìm hiểu, nhân viên ở các tổ chức tài chính thường đưa ra các thông tin dễ nhầm lẫn. Ví dụ: mời chào ký hợp đồng với lãi suất thấp, không nói rõ các điều khoản cho người vay nếu như người vay muốn thanh lý sớm hợp đồng. Chưa kể các hợp đồng mà công ty tài chính đưa ra bao gồm các điều khoản về lãi suất; các khoản phí; lãi phạt; thời hạn trả nợ và phương thức trả nợ; thanh lý hợp đồng hoặc hủy hợp đồng kéo dài đến chục trang giấy A4. Người đi vay không có đủ kiên nhẫn để nghiên cứu và đọc kỹ nên đã đặt bút ký. Đến kỳ trả lãi mới tá hỏa biết lãi vay tính ra 60%/năm.

Người vay thiệt đơn, thiệt kép

Miếng bánh cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn được nhìn nhận rất béo bở. Người dân Việt Nam đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều sản phẩm tài chính hiện đại, cụ thể là vay trả góp phục vụ mục đích tiêu dùng.

Theo đó, không chỉ hình thức mua hàng trả góp qua công ty tài chính được người tiêu dùng ưa chuộng mà việc vay tiền mặt từ công ty tài chính phục vụ mục đích tiêu dùng cũng ngày càng trở nên quen thuộc với người dân. Tính đến tháng 12/2015 Việt Nam có 16 công ty tài chính.

Một số công ty tài chính còn xây dựng phương án, hướng tới các người lao động nghèo, công nhân…Hầu hết các tổ chức tài chính đều hứa các ưu đãi lãi suất thấp hoặc lãi suất 0% nhưng thực ra chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, sau đó lãi suất sẽ tăng vọt, người vay trở tay không kịp.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 7 năm qua tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng trung bình gần 20%/năm (ước tính hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty cung cấp tín dụng tiêu dùng).

Tâm lý của người đi vay thường chỉ chú trọng vào việc vay được số tiền mình cần nên thường bỏ qua hoặc không chú ý tới các điều khoản, điều kiện của hợp đồng, chỉ đến khi xảy ra tranh chấp họ mới nhận ra thì đã quá muộn. Mặt khác, không ít người tiêu dùng sau khi thực hiện hợp đồng một thời gian thì có nhu cầu thanh lý trước thời hạn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói, trên thế giới, mô hình tín dụng tiêu dùng cũng như ở Việt Nam, tức là hiện tại người dân không có đủ tiền, phải dùng năng lực kiếm tiền, sức sản xuất trong tương lai để đi vay - đó là trả góp.

Chẳng hạn như ở Mỹ, chi tiêu gia đình, cá nhân đóng vai trò quan trọng trong GDP của Mỹ nhờ tín dụng tiêu dùng. Tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam cũng theo xu hướng này. Tuy nhiên, luật lệ của Việt Nam nhìn bề ngoài chặt chẽ nhưng thi hành luật lại lỏng lẻo, các tổ tín dụng chức dễ lợi dụng những kẽ hở này.

Ông Hiếu cũng nói thêm, nhiều người không quan tâm lãi phạt mà lãi phạt lại chính là cái bẫy. Có thể lãi suất ban đầu rất thấp nhưng chỉ cần 1 ngày trả chậm thì lãi phạt đã tăng kinh khủng. Theo tôi, Việt Nam cần có hệ thống tính điểm tín dụng cho người dân. Theo đó, mỗi người dân có 1 hệ thống tính điểm tín dụng, thu thập, lưu trữ thông tin mỗi người nợ ngân hàng bao nhiêu, trả nợ thế nào, số chứng minh nhân dân ra sao…

Vẫn theo ông Hiếu, các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, phải có biện pháp để xử lý những trường hợp trục lợi bất chính. Các cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng phải có cảnh báo người dân về những thủ thuật mà người dân ít biết đến như: phải đọc kỹ các điều khoản hợp đồng trước khi ký; Thủ thuật bỏ trống lãi suất trong hợp đồng, ký xong mới điền lãi suất; Cách trả nợ và lãi phạt

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín dụng tiêu dùng: Người vay dính bẫy lãi phạt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO