Tín hiệu phục hồi và tăng trưởng

H.Hương 15/02/2022 16:05

Một số doanh nghiệp ngành dệt may, chế biến thuỷ sản đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết Quý II năm 2022. Điều này cho thấy những tín hiệu đáng mừng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tăng tốc bứt phá trong năm nay.

Năm 2022 ngành dệt may được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ.

Đơn hàng dồi dào đến hết quý II

Tại các khu công nghiệp, người lao động đã quay trở lại làm việc với tỷ lệ cao. Trong khi đó các doanh nghiệp (DN) cũng đã hoạt động sản xuất kinh doanh rộn ràng trở lại. Điều đáng mừng là tiến độ tiêm vaccine, kết quả phòng, chống dịch và thích ứng trong điều kiện bình thường mới sẽ tạo điều kiện cho các DN phục hồi sản xuất. Thông tin cho biết đến thời điểm hiện tại, nhiều DN dệt may đã có đơn hàng đến tháng 5/2022.

Theo ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, năm 2022, ngành dệt may được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng cao từ 10% đến 15%. Con số này đặt trên cơ sở số lượng đơn hàng của hầu hết DN đều đảm bảo sản xuất đến hết quý I, quý II và uy tín của ngành dệt may Việt Nam được khẳng định trong thời gian qua. Năm vừa qua, các DN dệt may đã tái cơ cấu hoạt động, sản phẩm và đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ để tăng năng suất; đồng thời, khai thác tốt ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng... Đây là nền tảng để dệt may Việt Nam tiếp tục phát triển trong năm 2022.

Tương tự, với số lượng đơn hàng đã ký kết đến hết quý II/2022, lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần May 10 cho biết, số lượng lao động quay trở lại làm việc sau Tết của DN đã đạt trên 90%, thậm chí có nhà máy đạt 100%. Hơn nữa, nếu như mọi năm, lượng công việc sau dịp Tết Nguyên đán không nhiều nhưng năm nay, số lượng đơn đặt hàng đã tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Vị này đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng về sự phục hồi sản xuất kinh doanh sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Trong khi đó ông Vương Đức Anh - Chánh văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, Vinatex đã chủ động trong việc làm chủ nguyên liệu để phát triển bền vững khi những dự báo về dịch bệnh còn kéo dài.

Không chỉ ngành dệt may, doanh nghiệp ngành thuỷ sản cũng rộn ràng các đơn hàng mới. Ông Trương Tiến Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn cho biết, DN đã khởi động sản xuất từ ngày 5/2 (tức Mùng 5 Tết Nhâm Dần), tuy nhiên ngày 8/2 mới chính thức hoạt động trở lại với khoảng 90% lao động có mặt. Ngày đầu năm, công ty sản xuất lô hàng cá diêu hồng phục vụ xuất khẩu đi Hàn Quốc.

Tương tự, ông Bùi Bá Thiện - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế Thịnh Long (Thịnh Long Intra.,JSC) chia sẻ, công nhân rất hồ hởi bắt tay ngay vào làm việc nhưng luôn nâng cao ý thức cảnh giác với dịch Covid-19. Hiện DN này đang sản xuất, xuất khẩu mặt hàng khẩu trang cao cấp.

Doanh nghiệp chớp thời cơ

Có thể thấy, bước sang năm 2022, tình hình hoạt động của các DN đã có nhiều khởi sắc hơn. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2022, cả nước có 13.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192,3 nghìn tỷ đồng; tăng 15,9% về số DN, tăng 22,6% về vốn đăng ký so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, tăng 28,9% về số DN, tăng 24% về vốn đăng ký. Bên cạnh đó, còn có 19,1 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 352,8% so với tháng 12/2021 và tăng 194% so với cùng kỳ.

Giới chuyên gia nhìn nhận, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ có sự hồi phục với những tín hiệu lạc quan trong năm nay nếu các DN biết nắm bắt cơ hội thì có thể đặt nền móng cho những tham vọng phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Cùng với đó các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu có tác dụng, sản xuất công nghiệp, thị trường hàng hóa có dấu hiệu khởi sắc. Từ năm 2022, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan, sản xuất công nghiệp, thị trường hàng hóa tiếp tục tăng trưởng.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các DN sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Bộ Công thương sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Trước mắt, tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nước ta có thế mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín hiệu phục hồi và tăng trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO