CEO Facebook xin lỗi sau vụ rò rỉ dữ liệu chấn động

Linh Chi 23/03/2018 01:21

Người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, hôm 22-3 đã chính thức đưa ra lời xin lỗi vì để xảy ra vụ rò rỉ thông tin chấn động.

CEO Facebook xin lỗi sau vụ rò rỉ dữ liệu chấn động
CEO Facebook, Mark Zuckerberg, chính thức đưa ra lời xin lỗi trong buổi phỏng vấn với CNN. (Nguồn: BusinessInsider).

Sẵn sàng tham gia điều trần trước Quốc hội

“Tôi sẵn sàng làm như vậy nếu đó là điều cần thiết” - CEO của Facebook nói với kênh CNN trong buổi phỏng vấn trực tiếp và cho biết: “Điều chúng tôi cố gắng làm là cử một người có thể đưa ra nhiều thông tin nhất đến phiên điều trần. Và nếu người đó là tôi, tôi sẵn sàng làm vậy”.

Dù Facebook có thuê một đội ngũ các luật sư và người vận động hành lang ở Washington, nhưng Zuckerberg chưa từng tham gia buổi điều trần nào trước các ủy ban Quốc hội Mỹ. Và giới lập pháp muốn thay đổi điều đó. Chính trị gia ở cả Mỹ và châu Âu đều kêu gọi Zuckerberg ra điều trần sau khi vụ bê bối liên quan tới Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica bị phanh phui.

Cambridge Analytica, một công ty có mối liên hệ với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bị cho là đã truy cập thông tin của hơn 50 triệu tài khoản người dùng Facebook mà không được mạng xã hội này cho phép. Facebook nói rằng số dữ liệu trên ban đầu được một vị Giáo sư sử dụng với mục đích học thuật, phù hợp với các quy định của họ. Nhưng sau đó chúng được chuyển tới các bên thứ ba, trong đó có cả Cambridge Analytica, và điều này vi phạm các chính sách của Facebook.

Năm 2014, Facebook đã thay đổi chính sách trên nền tảng của mình, về việc hạn chế các dữ liệu mà các nhà phát triển bên thứ 3 có thể tiếp cận. Aleksandr Kogan - một nhà khoa học dữ liệu đã tạo ra một ứng dụng Facebook lấy dữ liệu từ người dùng và bạn bè của họ năm 2013. Khi đó, ông được cho phép tiếp cận lượng lớn dữ liệu.

Việc thu thập này hoàn toàn đúng quy định. Dù vậy, sau đó, Kogan lại vi phạm chính sách của Facebook khi chia sẻ nó với bên thứ ba, gồm SCL Group và Cambridge Analytica. Khi Facebook biết chuyện này, họ đã đề nghị Cambridge Analytica xóa. Và Cambridge khẳng định đã làm theo.

Khi được hỏi liệu Facebook sẽ có hành động pháp lý với Cambridge Analytica, Zuckerberg cho biết việc đầu tiên cần làm là tìm hiểu xem chuyện gì thực sự đã xảy ra. Họ sẽ tự thực hiện một cuộc điều tra. Và nếu Công ty này vẫn còn tiếp cận số dữ liệu trên, Facebook sẽ có động thái pháp lý để đảm bảo an toàn cho người dùng.

Giới lập pháp yêu cầu điều trần

Zuckerberg đã phá vỡ sự im lặng của mình trong hôm 21/3 khi đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân của mình về hàng loạt các biện pháp mà Công ty này đưa ra để bảo vệ dữ liệu người dùng tốt hơn. Nhưng điều đó dường như chưa đủ để khiến cho các nhà lập pháp hài lòng.

“Các biện pháp mà Facebook đưa ra để bảo vệ người dùng của họ là một bước khởi đầu tốt, nhưng Zuckerberg vẫn cần phải tham gia điều trần” - Nghị sỹ Amy Klobuchar thuộc đảng Dân chủ, viết trên Twitter, đồng thời thúc giục Công ty này ủng hộ các quy định mới về công khai nội dung quảng cáo trực tuyến.

Trong buổi phỏng vấn trực tiếp với CNN, Zuckerberg đã đề cập tới câu hỏi liệu nhà chức trách có nên thắt chặt quản lý đối với Facebook hay không.
“Tôi không chắc là chúng tôi không bị quản lý” - Zuckerberg nói và cho rằng: “Có những thứ như quy định về tính minh bạch trong quảng cáo là điều tôi thực sự mong muốn”.

Dù cho ở vị trí đứng đầu của một trong những công ty lớn nhất thế giới, nhưng Zuckerberg thường ít khi xuất hiện trước công chúng, thay vào đó sử dụng các bài đăng tải trên Facebook để giao tiếp với dư luận.

Sau đoạn đăng tải mới nhất trong hôm 21/3, Zuckerberg đã bị nhiều cư dân mạng chỉ trích vì đã không đưa ra lời xin lỗi chính thức sau vụ rò rỉ. Và điều này cũng được Zuckerberg đề cập tới trong bài phỏng vấn với CNN.

“Đây là một vụ rò rỉ lòng tin, và tôi thực sự xin lỗi vì những gì đã xảy ra” - Zuckerberg nói và cho rằng: “Chúng tôi đáng lẽ ra phải có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của người dùng”.

Trong buổi phỏng vấn, CEO của Facebook cũng cam kết sẽ hạn chế quyền truy cập của các nhà phát triển tới dữ liệu người dùng, trong đó sẽ tự động loại bỏ quyền truy cập dữ liệu người dùng của bất kỳ ứng dụng nào mà người dùng không sử dụng tới trong vòng ít nhất 3 tháng. Facebook cũng sẽ điều tra tất cả các ứng dụng có quyền truy cập tới lượng dữ liệu lớn của người dùng.
“Khó nói trước điều gì về những thứ chúng tôi sẽ điều tra ra, nhưng chúng tôi đang xem xét lại hàng nghìn ứng dụng” - Zuckerberg nói và nhấn mạnh: “Đây sẽ là một tiến trình phức tạp”.

CEO Facebook cũng thể hiện sự hối lỗi vì không có hành động nào để chống lại Cambridge Analytica khi mà Facebook đã biết về việc Công ty này sử dụng trái phép dữ liệu của họ trong năm 2015. Vào thời điểm đó, Facebook chỉ yêu cầu Công ty nọ ngừng sử dụng lượng dữ liệu trên, và sau đó nhận được thông báo xác nhận nói rằng Công ty đã xóa hết số dữ liệu trên.

“Không biết các bạn thế nào, nhưng đối với tôi, khi ai đó đã xác nhận rằng họ đang làm gì, thì họ thực sự làm điều đó. Nhưng trong trường hợp này thì tôi đã lầm” - Zuckerberg nói và cam kết: “Chúng tôi sẽ chắc chắn rằng không lập lại sai lầm này một lần nào nữa”.

Facebook chịu sức ép quá lớn

Vụ bê bối chấn động xảy ra trong tuần này đã thêm phần sức ép cho Facebook, sau khi mạng xã hội này trải qua một năm đầy các câu chuyện về thông tin giả mạo, cáo buộc can thiệp bầu cử ở nước ngoài, vấn đề về bộ lọc thông tin và gây ra chứng nghiện mạng xã hội cho một bộ phận người dùng không nhỏ...

“Cách đây 14 năm, khi thành lập Facebook, tôi chưa từng nghĩ rằng sẽ phải đối mặt với những sự việc như vậy” - Zuckerberg nói trong cuộc phỏng vấn.

Trả lời câu hỏi về việc liệu các phe phái chính trị có đang lợi dụng Facebook để can thiệp vào kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ hay không, Zuckerberg nói rằng: “Tôi chắc chắn có một số người đang làm như vậy”, nhưng thể hiện niềm tin rằng Công ty của ông có đủ khả năng để giải quyết vấn đề này.

“Tôi chắc chắn có một bên nào đó đang cố gắng làm như vậy, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ làm việc để giải quyết vấn đề đó” - Zuckerberg nói và khẳng định: “Sẽ có những chiến lược mới mà chúng tôi cần đưa ra để đảm bảo sẵn sàng ứng phó với điều đó”.

Zuckerberg nhấn mạnh rằng lời xin lỗi mà phía Công ty của ông đưa ra không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với toàn thế giới.

“Còn rất nhiều thứ mà chúng tôi cần phải thực hiện để ngăn chặn những bên muốn lợi dụng Facebook để can thiệp bầu cử. Chúng tôi chắc chắn sẽ ứng phó được với viễn cảnh đó” - Zuckerberg nói.

Zuckerberg cũng nói về chặng đường dài mà Công ty ông đã trải qua: “Nếu các bạn nói với tôi khi tôi sáng lập Facebook, rằng một phần trách nhiệm của tôi ngày hôm nay sẽ là giúp bảo vệ sự toàn vẹn của các kỳ bầu cử trước rủi ro bị can thiệp từ nước ngoài, tôi sẽ không thực sự tin điều đó”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    CEO Facebook xin lỗi sau vụ rò rỉ dữ liệu chấn động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO