Nhà thơ - nhà báo Yên Khương: Hãy cho trẻ phát triển bình thường, với yêu thương và tôn trọng

Việt Quỳnh (thực hiện) 24/11/2019 16:00

"Tôi không hẳn dạy con cảm thụ nghệ thuật, mà tôi chọn cách cùng con trải nghiệm nghệ thuật. Ở nhà, ba mẹ con tôi chơi cùng nhau bằng những bài thơ, những câu chuyện, những bức vẽ nguệch ngoạc. Tôi dành thời gian dắt con đi nghe nhạc, xem kịch, xem triển lãm… phù hợp với độ tuổi của con, và sau đó lại trò chuyện cùng nhau xem chúng tôi thích điều gì ở những chương trình vừa tham gia...", Nhà thơ - nhà báo Yên Khương.

Nhà thơ - nhà báo Yên Khương: Hãy cho trẻ phát triển bình thường, với yêu thương và tôn trọng

Nhà thơ Yên Khương có hai cô con gái, một bé 5 tuổi và một bé 2 tuổi, như chị nói, “đang đúng độ giai đoạn vàng cho sự phát triển năng lực tiếp thu thông qua mọi giác quan của trẻ”. Cũng như bao ông bố bà mẹ trẻ khác, chị luôn mong muốn con mình phát triển toàn diện cả về thể chất, tri thức và đời sống tâm hồn. “Đặc biệt là đời sống tâm hồn được bồi đắp thông qua nghệ thuật. Tôi không hẳn dạy con cảm thụ nghệ thuật, mà tôi chọn cách cùng con trải nghiệm nghệ thuật. Ở nhà, ba mẹ con tôi chơi cùng nhau bằng những bài thơ, những câu chuyện, những bức vẽ nguệch ngoạc. Tôi dành thời gian dắt con đi nghe nhạc, xem kịch, xem triển lãm… phù hợp với độ tuổi của con, và sau đó lại trò chuyện cùng nhau xem chúng tôi thích điều gì ở những chương trình vừa tham gia. Trước khi nói đến sự đặc biệt của một đứa trẻ, hãy cho chúng được phát triển một cách bình thường với đầy đủ yêu thương, tôn trọng, cùng chúng hoàn thiện những kỹ năng sống và bồi đắp những giá trị tinh thần. Tài năng khi được phát triển và vun đắp trên một nền tảng tốt, hẳn sẽ có cơ hội đi dài và vươn cao hơn”.

PV:Tài năng tự nhiên của con kết hợp với đào tạo bài bản sẽ bổ trợ cho nhau ra sao?

Nhà thơ - nhà báo Yên Khương: Về vấn đề này tôi nghĩ, quan trọng nhất là nhìn ra được khả năng của con, sau đó cùng con nuôi dưỡng để tài năng ấy trở thành niềm say mê, tiếp đến là duy trì niềm say mê ấy. Và như thế, cần tạo cho con môi trường để phát triển, ở đó bao gồm cả những hoạt động đào tạo bài bản, trường quy. Mọi thứ phải thật hài hòa mới có kết quả, chứ nếu không khéo, đang phát lộ tài năng tự nhiên, bị gò vào khuôn khổ bài bản quá lại hỏng. Phụ huynh phải tạo được môi trường để con phát triển. Chẳng phải với những trẻ em có khả năng đặc biệt về nghệ thuật hay trí tuệ mà với bất cứ đứa trẻ nào cũng vậy thôi.

Trên thực tế có một số trẻ từng được gọi là “thần đồng”, nhưng sau đó các em như bông hoa nở sớm và lụi tàn dần, khi trưởng thành không thể hòa nhập với xã hội.

- Mình cảm thấy thương cho những bé bị rơi vào hoàn cảnh đó, trước hết là từ sự lựa chọn của gia đình các em và của chính các em ở thời điểm tài năng phát lộ, nhưng tư duy, kinh nghiệm sống còn non nớt. Với những trường hợp ấy, thay vì phán xét, nếu là tôi, hay bất kỳ ai trong chúng ta gặp và biết, tôi nghĩ hãy thử chìa tay, hãy thử mở lòng để hiểu các em, để chia sẻ và biết đâu giúp được điều gì cho những “thần đồng” ấy hòa nhập được với xã hội.

Vai trò của cha mẹ trong việc định hướng cũng như giáo dục trẻ có khả năng đặc biệt là việc cần thiết?

- Tôi không muốn chúng ta nhấn mạnh vào đối tượng trẻ có khả năng đặc biệt, vì mỗi đứa trẻ đều là duy nhất và đều đặc biệt. Trong vấn đề định hướng cũng như giáo dục con trẻ, vai trò của bố mẹ đương nhiên quan trọng nhất. Bậc cha mẹ nào cũng thế thôi, luôn thấy con mình là tuyệt vời nhất, cũng luôn mong con mình nổi trội nhất, và đương nhiên sẽ cố gắng để mang đến những điều tốt đẹp nhất. Nhưng ở đời những cái nhất ấy cũng vô cùng lắm, mọi điều cần phải đặt trên thực tế. Tôi chỉ mong rằng, ở cái thời buổi thông tin tri thức ngập tràn này, mỗi bậc phụ huynh hãy là những người cha người mẹ có tri thức để lớn lên cùng con. Những đứa trẻ có tài năng, và có cơ hội được giới thiệu tài năng sớm, thậm chí nổi tiếng sớm, tôi nghĩ tốt mà. Nhưng bố mẹ cần ở bên tạo cho con thế cân bằng về mọi mặt, tài năng, kỹ năng sống… và giúp chúng hiểu điều gì khiến cho đứa trẻ ấy thực sự hạnh phúc.

Nhìn vào nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí đang nở rộ trong các game show cũng như sóng truyền hình, chị nghĩ sao?

- Là một người mẹ nghiêng về giáo dục trải nghiệm, tôi hạn chế cho các con tiếp cận các game show tài năng đang tràn lan trên sóng truyền hình. Ở tuổi của con tôi, tôi tích cực cho chúng ra ngoài vận động, cho chúng tham gia những trải nghiệm nghệ thuật. Về những cuộc thi, vì đặc thù công việc, tôi vẫn theo dõi các chương trình ấy, tôi thấy cũng có những chương trình hay, ý nghĩa, cũng có những chương trình chưa phù hợp. Về tác động, thứ nhất là đến chính những em nhỏ tham gia các chương trình, đương nhiên đó cũng là một trải nghiệm, nhưng từ cách làm của Ban Tổ chức lẫn kỳ vọng từ cha mẹ, nếu không cẩn thận sẽ tạo tâm lý thi thố đấu đá, áp lực giành chiến thắng lên các con. Chưa kể, hiện nay các chương trình phần lớn được quảng bá rộng rãi trên các kênh online và khiến các em nhỏ không chỉ đơn giản là thí sinh của một cuộc thi ấy mà còn trở thành đối tượng được quan tâm của cộng đồng mạng. Với trẻ nhỏ chỉ một khen chê đôi khi cũng tác động lớn đến tâm lý, vậy sẽ ra sao khi có bạt ngàn những lời bình luận trên mạng xã hội về chúng? Dù tốt hay xấu trẻ cũng đều phải chịu những tác động nhất định. Thứ hai, về những khán giả nhí khi xem chương trình, trẻ con thì cứ thấy lạ, thấy thích là muốn học theo. Đôi khi có những chương trình được thực hiện chưa phù hợp với trẻ nhỏ, khiến chúng cũng hồn nhiên học theo. Nếu người lớn không có cách giúp trẻ hiểu điều gì là nên hay không nên thì cứ mặc nhiên trẻ cho rằng anh chị này trên TV làm thế, nói thế… và làm theo. Hậu quả cũng khôn lường lắm!

Để có thể ươm mầm được các tài năng, mà các em vẫn có tuổi thơ đẹp, phát triển tự nhiên và được trau dồi mọi kỹ năng sống cần thiết, có thể hòa nhập với mọi môi trường xã hội, quan trọng nhất vẫn là mỗi đứa trẻ cần được tôn trọng, cần được bảo vệ để phát triển trong một môi trường lành mạnh. Dù ở gia đình hay ở trường học hay ngoài xã hội, chúng cần được lắng nghe, cần được chỉ dẫn chứ không phải là ép buộc.

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy cha mẹ không nên tự tạo cho mình áp lực con phải thế này, phải thế kia. Nghe cái sự đặt để, kỳ vọng cũng ít nhiều tạo áp lực cho con rồi. Cách tốt nhất là quan sát những đứa trẻ của mình, nếu nhìn ra được tài năng nào đó của con có thể cùng con nuôi dưỡng nó và giúp con cân bằng. Cuộc sống luôn phong phú mà, cùng con thỏa sức trải nghiệm có buồn có vui, có thành công có thất bại… con trẻ sẽ trưởng thành ngoài sức mong đợi của mẹ cha!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ - nhà báo Yên Khương: Hãy cho trẻ phát triển bình thường, với yêu thương và tôn trọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO