Ở tuyến đầu chống dịch

Bắc Phong 27/03/2020 14:07

Chiều ngày 22/3, tại Cục Quân y, Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc trực tuyến với 50 điểm cầu trong toàn quân để kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19. Phát biểu tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh: Quân đội của chúng ta luôn là trụ cột của quốc gia, đặc biệt khi đất nước lâm nguy, giặc giã, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm thì vai trò chủ đạo, tính chất nòng cốt của quân đội càng được thể hiện rõ hơn và phát huy mạnh mẽ. Quân đội ta là Quân đội nhân dân anh hùng…

Ở tuyến đầu chống dịch

Các chiến sĩ trẻ chăm lo bữa ăn cho những người tại khu cách ly tập trung để dập dịch.

1. Trong suốt những ngày căng thẳng dập dịch, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ vì nhân dân quên mình như một biểu tượng của tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Và cũng trong suốt những ngày qua, trên tuyến đầu dập dịch còn có nhiều lực lượng, trong đó có đội ngũ thầy thuốc những sinh viên trường Y sẵn sàng vào cuộc vì sức khỏe và tính mạng nhân dân.

Cuộc chiến dập dịch Covid-19 đã bước vào giai đoạn 2, giai đoạn cực kỳ quan trọng. Cả nước căng mình chống dịch. Những ngày này, trong “Tháng Thanh niên” người ta lại càng khâm phục và xúc động trước những hành động cao cả của người trẻ trên tuyến đầu dập dịch. Họ là những người lính, những thầy thuốc, những sinh viên trường Y… trên tuyến dầu dập dịch.

Ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, tại các cửa khẩu, các đường mòn lối mở biên giới, đã có mặt những người lính trẻ. Đường núi quanh co với biết bao hiểm nguy rình rập nhưng họ không chùn bước. Bữa ăn giữa rừng già biên giới của họ thật giản đơn quá đỗi. Nhưng không ai phàn nàn vì họ biết rằng chỉ một chút nản lòng thôi thì hậu quả sẽ khó lường. Tuổi trẻ luôn mang trong mình tinh thần tiên phong, nhất là khi họ khoác trên mình bộ quân phục “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu” thì đây chính là cuộc chiến thực sự, một chiến trường không tiếng súng nhưng nỗi hiểm nguy luôn rình rập. Tuổi trẻ dấn thân, tuổi trẻ vì đất nước; không chỉ khi có giặc giã mà ngay cả khi dịch bệnh hiểm nguy bùng phát thì cũng rất cần các anh- những người lính trẻ.

Tới nay, quân đội hoàn thiện kịch bản ứng phó với 5 cấp độ dịch. Thực sự đó đã là mặt trận “chống dịch như chống giặc”. Những ngày qua, cả nước xúc động và dành trọn niềm tin yêu cho lực lượng quân đội thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là thực hiện cách ly người đến từ vùng dịch. Ở nhiệm vụ khó khăn này, lại có mặt những người lính trẻ. Đây là công việc chưa có tiền lệ, đòi hỏi hết sức chu đáo không được phép xảy ra sơ suất. Họ phải tự vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ. Khi mọi người còn đang chìm trong giấc ngủ thì họ đã thức giấc để lo bữa ăn cho những người đang cách ly. Kể sao cho siết những tấm gương giáp mặt từng giờ từng phút với nguy cơ dịch bệnh. Họ, những người lính trẻ đã tiếp nối truyền thống các bậc cha anh trong quân ngũ, rạng danh anh Bộ đội Cụ Hồ. Nói như Thượng tướng Trần Đơn -Thứ trưởng Bộ Quốc phòng­­­­­­­­, “Vì dân chúng ta không tiếc gì. Lo cho dân là nhiệm vụ của Quân đội”.

2. Cho tới nay xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng như một tuyến phố phường Trúc Bạch (Hà Nội) đã được dỡ bỏ phong tỏa nhằm khoanh vùng dập dịch, không để lây lan ra cộng đồng- thì người ta vẫn kể cho nhau nghe về tấm gương những cán bộ y tế. Họ cũng chính là những chiến sĩ trên tuyến đầu dập dịch.

Trong việc thực hiện phong tỏa, khoanh vùng dập dịch, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nổi lên vai trò cực kỳ quan trọng của đội ngũ cán bộ y tế. Họ là những người trực tiếp tiếp xúc thăm khám, phát thuốc, điều trị cho những người hoặc là nghi ngờ đã bị virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tấn công, hoặc đã dương tính với nó và đã chuyển thành bệnh- một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm.

Đối với các chiến sĩ ngành y, lượng công việc tăng đột biến, giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn, thậm chí bị những người xung quanh xa lánh, nhưng họ vẫn cố gắng vượt qua tất thảy để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Một điều dưỡng viên rất trẻ tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 kể rằng trước đây họ có thể thay phiên nhau đi ăn trưa trong ca trực. Nhưng bây giờ thì khác, bữa ăn của họ có thể dừng lại bất cứ lúc nào khi được yêu cầu. Một ngày làm việc của các bác sĩ chia làm 3 kíp trực, 2 kíp trực 6 tiếng và 1 kíp trực đêm 12 tiếng. Mỗi kíp trực có 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng làm nhiệm vụ điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân. Ngay như việc mặc bộ đồ phòng dịch thôi cũng đã là một vất vả vì đó là bộ đồ có khóa kéo từ trên xuống, hoặc từ dưới lên, rất kín nên sẽ tạo ra sự ngột ngạt. Chí ít thì họ phải mặc nó đủ 6 tiếng 1 ngày.

Một điều dưỡng viên khác kể, cùng với việc căng sức ra trực, điều trị cho người bệnh thì họ còn phải chịu nhiều áp lực khác. Từ ngày có dịch, khối lượng công việc tăng lên, họ thường đi làm về rất muộn. Trước đây, khoảng 4, 5 giờ chiều đã được thay phiên về nhà nhưng suốt thời gian qua khoảng 8, 9 giờ tối mới bắt đầu về. Hôm nào muộn quá, đành sẽ ở lại viện. Đã thế, không ít người không hiểu, cứ nghĩ rằng làm việc ở Khoa Cấp cứu, có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 tức là cũng mắc bệnh. Có những trường hợp bị xa lánh, gây ra tâm lý nặng nề, nhất là với những thầy thuốc trẻ. Nhưng, vượt lên tất cả, họ đã vì danh dự và trọng trách nghề nghiệp, vì đồng bào của mình mà vững vàng trên trận tuyến dập dịch.

3. Những ngày qua, thêm một niềm vui đem đến sự ấm lòng trong bối cảnh gồn mình dập dịch. Đó là việc “trẻ già sát cánh bên nhau” cùng chung trận tuyến.

Đó là việc các thầy thuốc cao tuổi, đã nghỉ hưu cùng lứa “đầu xanh tuổi trẻ” là sinh viên các trường Y Dược sẵn sàng vào trận chiến đấu dập dịch.

Trong khi học sinh, sinh viên cả nước nghỉ học để phòng dịch Covid-19, thì sinh viên nhiều trường Y Dược vẫn đến giảng đường. Trong đó có gần 12.000 sinh viên của Trường Đại học Y Hà Nội, họ vẫn lên lớp bình thường. Đặc biệt, Đoàn trường đã thành lập đội phản ứng nhanh với Covid-19 để có thể xung kích bất cứ lúc nào khi Chính phủ và thành phố Hà Nội cần.

Một sinh viên Y6 năm cuối cho biết: “Bọn em ngồi học tại giảng đường đều có kiến thức về cách phòng tránh lây lan dịch, đến trường vào học là được kiểm tra nhiệt độ hàng ngày, vào bệnh viện thực tập đều sát khuẩn tay và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân, rửa tay khô trước khi vào lớp học, kể cả đi lại trên phương tiện công cộng”.

Sẵn sàng vào trận chiến dập dịch, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo ngành y, dược; các viện, trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực y dược, các thầy cô giáo và các bạn sinh viên ngành Y Dược đã được tăng cường tập huấn chuyên môn về phòng chống dịch bệnh; về chăm sóc bệnh nhân, về giám sát, xét nghiệm phát hiện, về các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Sẵn sàng tình nguyện thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh khi được phân công. Và các bạn trẻ sinh viên luôn trong tư thế sẵn sàng.

Với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức các đội hình sinh viên và thầy thuốc trẻ chuẩn bị tham gia hỗ trợ ngành Y tế TPHCM trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó tập trung vào sinh viên năm cuối. Trường có 1.044 sinh viên năm cuối hệ chính quy đang theo học. Trong đó, ngành y đa khoa có 818 sinh viên, cử nhân điều dưỡng có 106 sinh viên, khúc xạ nhãn khoa 25, kỹ thuật y học 22, xét nghiệm y học 28, y tế công cộng 18, cử nhân điều dưỡng 27 người. Tại tất cả những đơn vị ấy, người trẻ luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ. Theo lãnh đạo nhà trường, việc huy động hơn 1.000 sinh viên năm cuối là kế hoạch chuẩn bị sẵn và đã nhận được sự hưởng ứng của tất cả sinh viên.

Trước đó, UBND TP HCM có văn bản chỉ đạo huy động sinh viên năm cuối Trường ĐH Y khoa sẵn sàng tham gia phòng chống dịch bện Covid-19. Văn bản nêu rõ, theo sự hướng dẫn của Sở Y tế, chủ động xây dựng kế hoạch huy động lực lượng sinh viên năm cuối của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và đội ngũ y, bác sĩ trẻ tuổi của Hội Thầy thuốc trẻ thành phố sẵn sàng tham gia tình nguyện phòng, chống dịch bệnh khi có yêu cầu…

Nói như một vị bác sĩ đã về hưu thì ông rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh của những người lính trẻ bên những vị sĩ quan tóc đã điểm bạc trên tuyến đầu dập dịch; và ông cũng rất vui được sát cánh cùng những đồng nghiệp tương lai tuổi đời phơi phới. “Trẻ già sát cánh bên nhau trong trận chiến đấu dập dịch, cũng như trong những cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ giành độc lập cho dân tộc. Chúng tôi tin tưởng và thương yêu những người trẻ tuổi hôm nay. Chỉ có tình yêu đất nước, yêu thương đồng bào sâu nặng chúng ta mới có thể làm được điều đó”- vị bác sĩ cao tuổi nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ở tuyến đầu chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO