Tòa nhà trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh: Nguyên vẹn kiến trúc hơn trăm năm tuổi

ĐOÀN XÁ 07/11/2020 09:08

Là một trong những công trình có tuổi đời hơn 100 năm vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn tới ngày nay, toà nhà trụ sở UBND TPHCM gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của thành phố mang tên Bác.

Toà nhà trụ sở UBND TP HCM.

Tòa nhà gắn liền với những thăng trầm lịch sử

Cũng như nhiều công trình kiến trúc khác của người Pháp, toà nhà trụ sở UBND TP HCM được lên ý tưởng xây dựng từ rất sớm. Ngay khi chiếm trọn các tỉnh Nam kỳ (1870), người Pháp đã lên kế hoạch xây dựng các công trình theo một mô-típ riêng của họ (gồm bưu điện, nhà hát, trụ sở, dinh, bệnh viện, trường học, khách sạn…).

Và toà nhà có tên Hotel De Ville dành cho Hội động thị xã khi ấy ra đời với mục đích làm trụ sở cho Chính quyền Pháp tại Đông Dương. Với thời gian xây dựng và hoàn thành kéo dài 11 năm, đây là một trong những công trình tiêu tốn nhiều tiền của nhất thời bấy giờ.

Thậm chí hoạ sĩ thiết kế người Pháp chịu trách nhiệm trang trí, thiết kế bên trong toà nhà còn bị kiện ra toà án, buộc phải trả tiền thi công sau khi xảy ra tranh cãi với chính quyền cai trị lúc đó. Thời điểm khánh thành (năm 1909) cũng đánh dấu tròn 50 năm người Pháp đặt chân lên vùng đất Đông Dương.

Lúc này, phía trước mặt toà nhà vẫn là khu Kinh Lấp nằm ven sông Sài Gòn (nay là phố đi bộ Nguyễn Huệ) thu hút rất đông ghe thuyền, thuỷ bộ đan xen nên buôn bán tấp nập. Tới thời Việt Nam Cộng Hoà, toà nhà được chọn làm trụ sở cho chính quyền thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn với người đứng đầu là Đô chưởng.

Đó là lý do đến nay, nhiều người cao tuổi ở TP HCM vẫn gọi đây là toà nhà Đô Chính. Tới năm 1975, toà nhà là trụ sở của Uỷ ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định. Năm 1986, khi Quốc hội đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh thì toà nhà là trụ sở UBND TP HCM cho tới ngày nay.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, từ trước đó, vị trí của toà nhà này đã vô cùng đặc biệt. Đó chính là góc phía Nam của thành Gia Định do vua Gia Long xây dựng từ năm 1790, thời điểm sơ khai của vùng đất này. Tuy nhiên, thành Gia Định đã bị người Pháp phá huỷ hoàn toàn khi đánh chiếm nơi đây vào năm 1859, sau khoảng 80 năm tồn tại.

Điểm du lịch hấp dẫn

Mặc dù có tuổi đời 111 năm và trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt nhưng đến nay, toà nhà trụ sở UBND TPHCM vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc như khi mới ra đời. Thậm chí cả màu sơn vàng nhạt đặc trưng cũng không có nhiều thay đổi.

Đó là những chi tiết được thiết kế và trang trí với tính nghệ thuật rất cao, có kết hợp của nhiều nét văn hoá châu Âu thời phục hưng pha chút Á Đông. Mặt trước toà nhà dài 30 mét gồm hệ thống cổng chính và 5 cổng vòm liên tiếp bằng sắt trang trí hoa văn tinh xảo.

Ngoài ra, toà nhà có hệ thống cổng phụ ở các mặt khác dành cho xe hơi chạy thẳng vào. Ở chính giữa, toà nhà lấy hình mẫu từ Toà thị chính Paris với thiết kế dạng lầu chuông đúc cao đặc trưng.

Chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có 2 tầng mái cân đối thấp hơn một chút nhưng cao hơn các phần còn lại. Cũng ở chính giữa mặt tiền của toà nhà là hình điêu khắc một người phụ nữ biểu trưng trong văn hoá Pháp cùng hai đứa trẻ đang chế ngự thú dữ. Hai bên cũng là hình phù điêu người phụ nữ. Đây là biểu tượng về sự tự do - bình đẳng và bác ái, thường xuất hiện trong các công trình kiến trúc khác của người Pháp thời gian này. Ngoài ra, công trình cũng mang nhiều nét kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại với những cột chống, mái vòm đều đặn đan xen tạo sự thong thoáng và mềm mại cho toà nhà.

Ở phía bên trong toà nhà, từ cầu thang, các lối đi cũng như mái vòm, tường… đều chứa rất nhiều các tác phẩm hội hoạ đắp nổi, tạo hình điêu khắc tinh tế. Những chi tiết này được thiết hài hoà, tạo thành một khối thống nhất cho toà nhà và gần như còn nguyên vẹn từ lúc xây dựng đến nay.

Không chỉ là công trình kiến trúc, nghệ thuật và văn hoá gắn với đời sống của nhiều thế hệ người dân Sài Gòn - TP HCM, hiện nay toà nhà còn là địa điểm du lịch lý thú, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm.

Do vị trí nằm ở đầu đường Nguyễn Huệ (là phố đi bộ) với cụm kiến trúc tượng đài Bác Hồ nên nơi đây thu hút rất đông khách du lịch, đặc biệt vào ban đêm.

Ngoài ra, những buổi trình diễn văn hoá, nghệ thuật mang đậm bản sắc người dân Nam bộ được chính quyền TP HCM thường xuyên tổ chức ở khu vực tượng đài Bác Hồ (trước cửa toà nhà trụ sở UBND TP HCM) cũng giúp nơi đây dần trở thành một trong những địa điểm văn hoá, nghệ thuật đặc sắc.

Việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia cho toà nhà sẽ khiến công trình thêm nhiều ý nghĩa và được quản lý, bảo tồn tốt hơn, theo đúng quy định.

Tòa nhà Trụ sở UBND TP HCM được xây dựng bởi kiến trúc sư danh tiếng người Pháp Femand Gardes từ năm 1898, hoàn thành vào năm 1909. Từ năm 1975, toà nhà nằm toạ lạc ở số 86 đường Lê Thánh Tông (phường Bến Nghé, Quận 1), nay là trụ sở của UBND TP HCM.

Công trình này vừa được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tòa nhà trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh: Nguyên vẹn kiến trúc hơn trăm năm tuổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO