TP HCM: Người dân đề nghị trả lại Di tích lịch sử Quốc gia số 7 Lý Chính Thắng

Đoàn Xá 13/03/2020 08:00

Là di tích quan trọng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở TP HCM, căn nhà số 7 Lý Chính Thắng (quận 3, TP HCM), đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1998.

Tuy nhiên, thời gian gần đây có thông tin cho rằng, chủ nhân của căn nhà trên muốn trả lại bằng xếp hạng di tích này. Nguyên nhân bởi gia đình sở hữu căn nhà muốn sửa chữa, vay vốn, hay mua bán để thay đổi chỗ ở nhưng gặp nhiều vướng mắc.

TP HCM: Người dân đề nghị trả lại Di tích lịch sử Quốc gia số 7 Lý Chính Thắng

Quán phở Bình hiện nay: Tầng 1 căn nhà là nơi trưng bày các tư liệu, hình ảnh liên quan đến di tích.

Lần ngược lại quá khứ, từ năm 1963, căn nhà này đã là nơi lui tới thường xuyên của những chiến sỹ biệt động Sài Gòn. Tại đây, các chiến sỹ gặp gỡ, trao đổi nguồn tin cũng như cất giấu vũ khí, ẩn náu trước sự truy quét của quân Mỹ nguỵ. Do là một quán phở có nhiều người ưa thích nên việc tới lui của các chiến sỹ cách mạng đã không bị đối phương phát hiện. Đến gần ngày nổ ra chiến dịch Mậu Thân 1968, căn nhà càng có vai trò quan trọng, là nơi trực tiếp chỉ huy của những cán bộ chỉ huy cuộc tổng tiến công trên địa phận Sài Gòn lúc bấy giờ. Lúc đó căn nhà 3 tầng này có thời điểm là nơi ẩn náu của khoảng 100 chiến sỹ cách mạng. Đây thực sự là một “căn cứ” rất đặc biệt giữa lòng Sài Gòn lúc bấy giờ bởi từ đây tới Dinh Độc Lập chỉ vỏn vẹn hơn một cây số.

Hồi tưởng lại quá khứ, ông Ngô Toại, chủ nhân căn nhà cho biết lúc đó ông còn khá nhỏ, mới 12 tuổi nhưng cũng biết nhiều tình tiết lịch sử quan trọng. “Khoảng tối ngày Mồng 1 tết Mậu Thân 1968, tại tầng 2 căn nhà này, Bộ Tư lệnh tiền phương đã đọc lệnh Tổng tiến công và nổi dậy của thành phố. Ngay sau đó, các mũi tấn công đã tấn công vào nhiều địa điểm như Bộ tổng tham mưu Sài Gòn, Đài phát thanh Sài Gòn, toà đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập… Tới ngày mồng 3 tết thì địa điểm này bị quân địch phát hiện, chúng sử dụng trực thăng đổ bộ vào căn nhà, bắt rất nhiều người. Trong đó có cả cha, anh rể và một vài người thân của ông”, ông Toại kể.

Hiện nay, dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ với nhiều biến động của thời gian nhưng gia đình ông Ngô Toại vẫn giữ gần như nguyên vẹn ngôi nhà. Tuy nhiên, điều đó không thay đổi thực tế là gia đình ông Toại muốn thay đổi một số hạng mục để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Do được xếp hạng di tích nên rất nhiều diện tích căn nhà được trưng dụng và giữ nguyên hiện trạng khiến cho việc buôn bán, ở và sinh hoạt của gia đình gặp khó khăn. Vì căn nhà là sở hữu chung của ba anh em, hiện đã lên tới 16 nhân khẩu khiến cho không gian sống rất chật hẹp. Gia đình muốn tu sửa hay bán đi cũng khó khăn vì là “Di tích lịch sử Quốc gia”.

Vì vậy, cách đây 5 năm, gia đình ông Ngô Toại đã làm đơn xin chính quyền TP HCM cho hoán đổi căn nhà số 7 với căn số 9 do Nhà nước quản lý nằm liền kề, cùng được xây dựng và diện tích như nhau. Mục đích là gia đình ông sẽ sử dụng căn nhà số 9 như những căn nhà bình thường khác, còn Nhà nước sẽ sử dụng căn số 7 làm di tích mà không liên quan đến sinh hoạt của gia đình.

Được biết, mặc dù TP HCM chấp nhận chủ trương trên nhưng hiện nay việc quản lý, sử dụng công sản có nhiều thay đổi khiến việc hoán đổi chưa được thông qua. Đến tháng 3/2020, gia đình ông Toại đã 10 lần làm đơn kiến nghị nhưng chưa được chấp thuận. Đó là lý do ông muốn xin trả lại Bằng di tích lịch sử Quốc gia của căn nhà để sử dụng căn nhà một cách bình thường.

Cũng theo ông Ngô Toại, thực sự gia đình muốn tất cả các hiện vật, di tích trong căn nhà được giữ nguyên vì nó mang trong mình nhiều giá trị lịch sử. Tuy nhiên những người trong gia đình ông hàng ngày phải sống và buôn bán, mưu sinh. Hiện trị giá căn nhà khoảng 30 tỷ đồng theo giá thị trường nhưng gia đình lại không được sử dụng theo cách thông thường khiến nhiều thành viên khá băn khoăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP HCM: Người dân đề nghị trả lại Di tích lịch sử Quốc gia số 7 Lý Chính Thắng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO