Trách nhiệm phát ngôn

Mai Loan 15/02/2017 08:00

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Vậy là sau Quy chế phát ngôn ra đời cách nay chừng 4 năm thì giờ đây việc quy định về cơ chế phát ngôn đã được nâng lên một bước bằng một Nghị định. Điều đó cho thấy Chính phủ đang nỗ lực tiến tới việc công khai hóa và minh bạch hóa các thông tin chỉ đạo điều hành, nhất là các thông tin kinh tế- xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần

So với Quy chế phát ngôn được ban hành hồi năm 2013, Nghị định lần này có những điểm kế thừa, như quy định về người chịu trách nhiệm phát ngôn, nhưng đã cụ thể hơn tới cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Nói tóm lại là theo ngành dọc. Điểm mới lần này là nếu cấp trưởng vì lý do nào đó không thực hiện quyền phát ngôn thì sẽ ủy quyền cho cấp phó.

Đáng chú ý, Nghị định nêu rõ: “Các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước không là người được giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp”; Đồng thời quy định: “Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; UBND cấp tỉnh, gồm: Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (người phát ngôn); người có trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính nhà nước được người đứng đầu ủy quyền thực hiện phát ngôn (người được uỷ quyền phát ngôn) hoặc giao nhiệm vụ phối hợp cùng người phát ngôn thực hiện phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao”.

Thực ra, Quy chế phát ngôn của cơ quan nhà nước không phải không có; mà đã từng có 2 Quy chế phát ngôn ra đời vào năm 2007 và 2013. Công bằng mà nói, kể từ khi có Quy chế này nhiều bộ, ngành, địa phương đã thường xuyên có gặp gỡ, trao đổi với báo chí, công luận về những vấn đề mà họ quan tâm hoặc những vấn đề nổi cộm của ngành mình, địa phương mình mà xã hội đang có nhiều ý kiến.

Sự giải tỏa bức xúc kịp thời thực sự đã giúp nhiều cơ quan nhà nước giải quyết được khủng hoảng truyền thông một cách nhanh nhạy. Và, điều đó nhìn chung cũng khiến dư luận khá đồng tình. Nó cũng cho thấy sự cởi mở của cơ quan công quyền với nhân dân; từ chính sự đòi hỏi của xã hội của nhân dân muốn được biết- được bàn- được kiểm tra những gì mà cơ quan Nhà nước đang thực thi.

Nghị định lần này cũng đã quy định cụ thể 6 hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí như: Tổ chức họp báo; Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước; Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên; Gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử; Cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu; Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí. Tức là sẽ có nhiều hình thức cho tổ chức lựa chọn để không làm mất thời gian trong quản lý điều hành mà vẫn có thể đảm bảo được yêu cầu được thông tin của nhân dân, công luận.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến e ngại về sự chậm trễ hay sự khất lần với lý do phải tìm hiểu thông tin rồi mới cung cấp tới cơ quan truyền thông để đăng tải theo như đề nghị. Còn nhớ, trong phiên họp cuối cùng của QH khóa XIII khi bàn về Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi vấn đề này cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của ĐBQH.

Bởi, việc cung cấp thông tin cho báo chí, Điều 38 Dự thảo Luật quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, nhưng, “thực tế thì việc tiếp cận thông tin, tiếp cận với người phát ngôn thường gặp khó khăn như một số cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương cử người không đủ quyền cung cấp thông tin hoặc chậm đưa thông tin chính thống hay có tâm lý né tránh không muốn trả lời những vấn đề liên quan đến cơ quan, địa phương mình, đặc biệt là những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật. Tình trạng người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn đòi hỏi phóng viên xuất trình giấy tờ vượt quá quy định...” đã khiến quyền tiếp cận thông tin có vẻ khó khăn hơn - theo như ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy.

Chính vì thế, ĐB này đề nghị cần quy định nội dung nói trên vào luật sẽ có tính pháp lý cao hơn, để khi luật có hiệu lực là thực hiện được ngay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí đưa tin kịp thời, chính xác, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội - đại biểu thành phố Đà Nẵng đề xuất.

Nói như thế cũng không phải không có lý do vì những cá nhân có thẩm quyền hoặc có quyền phát ngôn, trả lời trên báo chí thường là lãnh đạo (người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu- theo Nghị định) nên thường bận họp hành, đi công tác cho nên nhà báo gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Không ít trường hợp người đứng đầu hay người phát ngôn chỉ nắm thông tin chung chung, cho nên không giúp làm sáng tỏ sự việc được bao nhiêu, trong khi người am hiểu tường tận thì lại không có quyền trả lời. Cũng vì thế mà nhiều ĐBQH đặt câu hỏi về việc nếu vi phạm nghĩa vụ trả lời trên báo chí thì sẽ xử lý như thế nào?

Hay nói cách khác là: Chế độ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời trên báo chí về các vấn đề báo chí nêu, trả lời đơn thư của công dân do báo chí chuyển đển, tránh để nhiều vụ việc rơi vào im lặng. Vì lẽ ấy nên khi Nghị định 09 ra đời người ta hy vọng sự công khai, minh bạch thông tin sẽ ngày càng được chuẩn hóa hơn trong một xã hội mà hiện giờ người ta có thể tiếp cận thông tin (thụ động hoặc chủ động) từ rất nhiều nguồn khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm phát ngôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO