Trầm tĩnh Chu Minh

TRẦN THỊ TRƯỜNG 20/04/2022 06:36

Sinh thời, mỗi khi nói đến những tên tuổi trong làng âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phó Đức Phương thường nhắc đến nhạc sĩ Chu Minh với niềm kính trọng và yêu quý. Ông nói, chỉ với 2 tác phẩm “Người là niềm tin tất thắng” và “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!” (thơ Hoàng Trung Thông), nhạc sĩ Chu Minh đã xứng đáng là gương mặt sáng giá của lịch sử âm nhạc Việt Nam rồi.

Nhạc sĩ Chu Minh. Ảnh: Thư Hoàng.

Nhớ lúc sinh thời, khi có chút thời gian rảnh rỗi nhạc sĩ Phó Đức Phương thường bảo tôi gọi điện hẹn nhạc sĩ Chu Minh với Nguyễn Xuân Hiển (lúc đó là Tổng Giám đốc Vietnam Airline) đi… nhậu. Gọi là nhậu, nhưng ăn không bao nhiêu, các ông chỉ có uống, nhưng uống cũng chỉ có Phó Đức Phương, chứ còn Chu Minh và Nguyễn Xuân Hiển thì họ “uống” những câu chuyện của nhau chứ rượu bia thì rất ít.

Tuy là người có chức vụ nhưng Nguyễn Xuân Hiển yêu thích văn nghệ, đặc biệt là âm nhạc. Ông quý trọng sự hiểu biết, trí tuệ uyên bác và phong thái rất Hà Nội của Chu Minh. Khi được ngồi cùng, tôi luôn say mê câu chuyện của họ: Cổ kim đông tây và thời cuộc với những nhận xét tinh tế đầy nhân văn. Chu Minh nhỏ nhẹ, nói ít, nhưng câu nào sắc câu ấy, thâm trầm nhưng vẫn hài hước, dí dỏm.

Cũng có lần tôi đến nhà ông ở khu tập thể cũ kĩ đằng sau dãy nhà D2, tòa 21 tầng ở khu Giảng Võ (Hà Nội). Đối lập với những khu chung cư cao tầng hiện đại trên con phố thì khu tập thể nhạc sĩ Chu Minh sống như một thế giới khác. Thế giới của những ngôi nhà lắp ghép thập niên 70 còn sót lại. Ông ở tầng 3, nhà chỉ có vợ chồng nhạc sĩ và người giúp việc. Nhỏ nhưng sạch sẽ, ấm cúng và giản dị hệt như tính cách của ông bà. Bức tranh của họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm treo trên tường. Họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm là con rể ông, đã mất mươi năm nay nhưng những bức tranh, hồn vía và tên tuổi của anh vẫn hiện diện, nơi những người yêu phong cách hội họa Hoàng Hồng Cẩm, và trong căn hộ của ông bố vợ - nhạc sĩ Chu Minh.

Chu Minh hơn Phó Đức Phương 13 tuổi, hơn Nguyễn Xuân Hiển 16 tuổi và hơn tôi 19 tuổi, ông sinh năm 1931 tại Hà Nội, năm nay tuổi đã hơn 90. Các ông coi tôi là đứa em, một phụ nữ có thể nghe chuyện, những câu chuyện chân thật nhất của những người đàn ông trí thức.

Ông vốn là người Hoa, tên là Triệu Đạt Hiền, mê âm nhạc và biết chơi vĩ cầm. Ông tham gia hoạt động âm nhạc từ những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuộc kháng chiến chống Pháp gian nan nhưng hào hùng đã tác động đến người thanh niên tuổi hai mươi ấy. Những sáng tác đầu tay như: “Chiến thắng biên giới”, “Ta có Cụ Hồ” của Chu Minh đã gây tiếng vang để rồi ông là một trong 10 người được cử đi học tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh. Về nước, ông là một trong những người xây dựng Đoàn ca múa nhân dân trung ương (cùng các nhạc sĩ Lê Yên, Nguyễn Đình Tích, Thái Ly...), nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam

Chu Minh hai lần du học ở Trung Quốc, lần thứ nhất tại Vũ Hán. Lần thứ hai tại Bắc Kinh, ở đây ông tiếp xúc và ảnh hưởng nhiều từ những bậc thầy của âm nhạc phương Tây, ông thay đổi từ tư duy ca khúc sang tư duy khí nhạc. Bản giao hưởng 3 chương: “Miền Nam tuyến đầu” được hoàn thành bởi tác động này. Đây là một trong số ít tác phẩm giao hưởng kinh điển đầu tiên của nền giao hưởng Việt Nam.

Trở về, ông làm Hiệu trưởng Trường Văn hóa-Nghệ thuật Tây Bắc. Sau chuyển về Hà Nội làm giảng viên đồng thời là chủ nhiệm Khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy từ năm 1965 đến 1994 của Trường Âm nhạc Việt Nam, học hàm Phó giáo sư. Học trò của ông nhiều khóa khác nhau như: Trương Ngọc Ninh, Tôn Thất Lập, Phó Đức Phương, Ngọc Đại, Đức Trịnh, Đỗ Bảo… là những người thành danh, làm sáng thêm tên tuổi thầy của mình.

Trong kháng chiến chống Mỹ những kỳ nghỉ hè, ông đã đi thực tế sáng tác ở tuyến lửa cùng với Hoàng Vân, Trọng Bằng, Văn Dung, Tân Huyền, Hồng Đăng, An Chung, Văn Dung, Lê Lôi đã đem lại cho ông những xúc cảm dạt dào về tình yêu đất nước, con người… Những tác phẩm “Lời ca mở tuyến”, “Đường Trường Sơn chiến công gọi chiến công”, “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” và concerto “Tuổi trẻ” (viết cho piano và dàn nhạc) đã hình thành trong thời gian đó.

Ông sáng tác không nhiều, nhưng tác phẩm của ông mang dấu ấn riêng, dấu ấn của người đi tiên phong và dấu ấn của bậc thầy. Một số bài hát về Bác Hồ như “Nước non tên Người”, “Ngày ấy Người đi dặm dài thế kỷ”, “Đêm nhớ Bác”… đã được biểu diễn cho Bác nghe trong Phủ Chủ tịch. Nhờ thế nhạc sĩ được tiếp xúc với Bác, thấy Bác là lãnh tụ cao quý nhưng lại rất gần gũi, rất con người.

Năm 1969 Bác mất, nhạc sĩ rất xúc động. Băn khoăn nghĩ mãi, cuối cùng lời của Fidel Castro ngày viếng Bác “Người ra đi lại là mầm sống vĩnh cữu” bỗng vang lên trong đầu thế là ý tưởng bỗng bật ra: Tiếc thương nhưng không bi lụy, hình ảnh dòng người đưa tiễn Bác trở nên sống động, nhạc sĩ đã viết: “Đất nước nghiêng mình/ Đời đời nhớ ơn/ Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam/ Lời thề sắt son theo tiếng Bác gọi/ Bốn ngàn năm dồn lại hôm nay/ Người sống trong muôn triệu trái tim/ Hồ Chí Minh, Bác Hồ Chí Minh/ Đẹp nhất tên Người rạng rỡ núi sông/ Vì độc lập tự do đường lên phía trước rực màu cờ sao/ Hồ Chí Minh, Bác Hồ Chí Minh kính yêu/ Người là niềm tin tất thắng sáng ngời…”. Bài hát có dàn nhạc giao hưởng đệm. Một tác phẩm có kỹ thuật cao cường nhưng giàu cảm xúc. “Người là niềm tin tất thắng” đã đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam và sống mãi trong lòng công chúng yêu nhạc.

Không chỉ thành công ở khí nhạc, ca khúc chính luận, những bản tình ca của Chu Minh cũng đem lại cho người nghe những ấn tượng không thể phai mờ. Ngày 20/11/2019, một đêm nhạc để tôn vinh và tri ân người thầy tài hoa, đáng kính đã được tổ chức tại Nhà hát Âu Cơ - Hà Nội, mang tên “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!”. Trong đêm nhạc, các tác phẩm khí nhạc như concerto “Tuổi trẻ”, giao hưởng “Miền Nam tuyến đầu” và “Người là niềm tin tất thắng” đã để lại ấn tượng sâu sắc vào tình cảm người yêu nhạc. Rất nhiều các thế hệ học trò của ông và công chúng đã đến chật nhà hát để thưởng thức những giai điệu Chu Minh.

“Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!” viết năm 1972 (thời gian ông đang ở nhờ nhà anh vợ ở phố Hàng Chiếu, rất chật chội) là ca khúc vang lên trên thành phố mang tên Bác do dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng Việt Nam biểu diễn trong những ngày đầu sau sự kiện 30/4/1975.

Gia tài âm nhạc của ông không tính bằng con số hàng trăm, nhưng là những tác phẩm rất có giá trị, những công trình thanh khí nhạc của ông từ lâu đã là tài liệu giảng dạy trong các trường nghệ thuật trong cả nước. Ông là người thầy có công trong việc đào tạo, tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến những sinh viên âm nhạc nhiều thế hệ.

Khán giả luôn yêu thích những ca khúc của nhạc sĩ Chu Minh cũng như những học trò của ông, những nghệ sĩ thành danh như nhạc sĩ Phó Đức Phương, An Thuyên, Trần Tiến, Quang Thọ... đều coi âm nhạc của ông là những mẫu mực để học tập, họ không chỉ quý trọng ông mà còn hạnh phúc khi được ông yêu mến.

Ông ít khi nói về mình, cũng không bao giờ dính vào những ồn ào của người nổi tiếng. Tôi rất thích cuốn sách Hội Nhạc sĩ Việt Nam làm cho riêng ông, ở đó có những nhạc sĩ, những nhà phê bình âm nhạc uy tín nhận xét về ông và về những tác phẩm của ông.

Nhạc sĩ có hai cô con gái, cả hai đều đi theo nghiệp của ông. Một đang công tác tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam, một đang là giảng viên Khoa Piano trong Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Những năm trước nhạc sĩ vẫn mải miết đi tìm cảm hứng sáng tác, khi thì Phú Quốc, Hòn Gai, Quảng Ninh khi thì Phú Yên, Khánh Hòa...

Những tác phẩm chính của nhạc sĩ Chu Minh gồm: “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!", “Màu xanh ánh mắt quê hương”, "Nụ cười tia nắng”, “Ru lời tôi ru ngàn năm không lời”, “Em ơi có hay chăng?”, “Nơi đây cao nguyên”, “Chân dung Núi Thành”, “Biển của anh, biển của em”, “Chú mèo”.

Giao hưởng: “Miền Nam tuyến đầu”, “Sonate số 1, 2, 3" viết cho piano, Tổ khúc: “Khăn quàng đỏ” viết cho piano, Nhạc kịch 4 màn: “Tiếng ru”.

Nhạc sĩ Chu Minh đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Lao Động hạng Nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trầm tĩnh Chu Minh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO