Tràn lan thuốc và thiết bị y tế nhập lậu

THANH GIANG 06/01/2022 07:28

“Nghe nói thuốc đặc trị Covid-19 Areplivir đang sử dụng phổ biến tại Nga nên tôi cũng mua được 1 hộp với giá hơn 2 triệu đồng. Lúc đó “dầu sôi, lửa bỏng” đắt mấy cũng mua cho an tâm…” - Thời gian qua tình trạng rao bán thuốc chữa Covid-19 và nhiều trang thiết bị y tế tràn lan trên mạng, rất nhiều người đã tin và mua.

Lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ lượng lớn thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 nhập lậu.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Ngoài mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, hàng thời trang... các mặt hàng trang thiết bị y tế, khẩu trang, nước sát khuẩn không rõ nguồn gốc xuất xứ, không xác định được mức độ an toàn cũng “nở rộ”.

Thuốc, khẩu trang, thiết bị y tế đầy chợ mạng

Ngay sau khi phát hiện trong nhà có 5 F0, bà Phan Thị Dung (Thủ Đức, TP HCM) liền săn lùng mua thuốc điều trị Covid-19 trên mạng.

“Nghe nói thuốc đặc trị Covid-19 Areplivir đang sử dụng phổ biến tại Nga nên tôi cũng mua được 1 hộp với giá hơn 2 triệu đồng. Lúc đó “dầu sôi, lửa bỏng” đắt mấy cũng mua cho an tâm. Chưa kể, người bán quảng cáo là thuốc xách tay ở nước ngoài về dùng không hết nên chia sẻ. Tuy nhiên, với bệnh này chỉ cần có triệu chứng gì thì điều trị triệu chứng đó”- bà Dung nói.

Tuy nhiên, không riêng gì bà Dung tìm mua cho được thuốc điều trị Covid-19, thời gian qua rất nhiều người bỏ tiền triệu để mua thuốc, khẩu trang, máy đo nồng độ oxy,... một cách dễ dàng. Thậm chí, có thời điểm thuốc men, trang thiết bị y tế bán qua mạng xã hội cũng rơi vào tình trạng “cháy hàng”.

Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết, trong năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên vi phạm tập trung chủ yếu vào các sản phẩm phòng, chống dịch như: vật tư y tế, thuốc (kể cả thuốc chưa được phép lưu hành) tăng cao.

“Đáng chú ý, các vụ mua bán thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, trang thiết bị y tế được phát hiện đều vận chuyển trên các container, xe tải, các kho chứa phục vụ cho việc kinh doanh thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Zalo, Viber, Facebook... Cá biệt, một số đối tượng còn lợi dụng xe vận chuyển hàng hóa được cấp mã luồng xanh để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm”- theo đại diện Cục Quản lý thị trường TP HCM.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) cũng khẳng định, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Ngoài mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, hàng thời trang... thời gian qua các mặt hàng trang thiết bị y tế, khẩu trang, nước sát khuẩn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không xác định được mức độ an toàn cũng “nở rộ”. Nhưng khẩu trang là mặt hàng có số lượng vi phạm nhiều nhất.

Ông Lê dẫn chứng, vừa qua lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều trường hợp mang thuốc từ nước ngoài về, khẩu trang 3M,... sản xuất giả mạo. Đáng lưu ý, mới đây lực lượng quản lý thị trường phối hợp thu giữ gần 1.050 hộp thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19.

Ông Lê cho rằng, dịch bệnh hoành hành, muốn bảo vệ sức khỏe của cá nhân và gia đình nên người dân tìm mua thuốc, khẩu trang, trang thiết bị y tế. Thế nhưng, tránh mất tiền mua hàng giả, người tiêu dùng phải lựa chọn những sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Do dịch bệnh vẫn phức tạp, Tổng cục Quản lý thị trường đã xây dựng chương trình hành động 2021-2025, trong đó tập trung nhiều biện pháp đấu tranh chống vật tư y tế chống dịch bệnh nhập lậu, không rõ xuất xứ.

Đó là, rà soát chính sách pháp luật, kiến nghị sửa đổi, bổ sung tránh chồng chéo trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Lý do, trang thiết bị được sản xuất trong nước cũng có, nhập khẩu cũng có mà nhập khẩu thì có nhiều nguồn khác nhau.

Lực lượng quản lý thị trường sẽ chủ động có kế hoạch cao điểm chống hàng giả trong khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Tích cực xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, hàng giả đối với sản phẩm chăm sóc sức khỏe như: khẩu trang, trang thiết bị y tế điều trị Covid-19.

Xử lý nghiêm

Liên quan đến thuốc điều trị Covid-19 nhập lậu, Cục Hải quan TP HCM cho biết, đơn vị phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) - Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan tiến hành khám xét 2 bưu kiện nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh.

Kết quả kiểm tra 2 kiện hàng nhập khẩu theo loại hình quà biếu, tặng đã phát hiện 266 hộp thuốc các loại (hơn 3.000 viên) nhập lậu, có tác dụng điều trị, hỗ trợ điều trị Covid-19.

Theo thông tin từ cơ quan Hải quan, 2 kiện hàng chứa thuốc nhập lậu nêu trên được gửi về từ Nga cho 2 người nhận có địa chỉ tại TP HCM. Lô hàng được nhập khẩu theo chuyến bay thẳng từ Nga về Hà Nội, sau đó được vận chuyển vào TP HCM. Qua xác minh của cơ quan Hải quan theo địa chỉ người nhận cho thấy, cả hai địa chỉ nhận hàng thể hiện trên kiện hàng đều là địa chỉ không có thật.

Mới đây Bộ Y tế cũng cảnh báo tình trạng rao bán thuốc chữa Covid-19 tràn lan trên mạng. Các loại thuốc điều trị Covid-9 có dược chất Molnupiravir là thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng hoặc thuốc nước ngoài chứa dược chất Molnupiravir, Favipiravir chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), việc mua bán, sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, tạo điều kiện cho thuốc giả, thuốc nhập lậu hoành hành.

Trước thực trạng tràn lan thuốc, trang thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, nhập lậu gia tăng, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng. Đặc biệt là các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường TP HCM, năm 2021 quản lý thị trường thành phố tiến hàng kiểm tra 1.977 vụ, số vụ xử lý là 1.325 vụ với số tiền vi phạm hành chính năm 2021 là hơn 29 tỷ đồng. Trong đó, có 25 vụ chuyển sang cơ quan tố tụng xem xét khởi tố hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tràn lan thuốc và thiết bị y tế nhập lậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO