Tranh cãi xung quanh biến thể Omicron

Mai Phương 03/12/2021 07:39

Thông tin về biến thể Omicron đến nay vẫn còn khá ít và chưa thể khẳng định điều gì về tác động của nó cũng như khả năng kháng vaccine. Các nhà khoa học hàng đầu Nam Phi cảnh báo, vẫn còn quá sớm để kết luận rằng biến thể Omicron chỉ gây các triệu chứng nhẹ khi mắc Covid-19.

Không có triệu chứng đặc biệt

Ngày 2/12, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi Mvuyisi Mzukwa cho biết, các bác sĩ Nam Phi không nhận thấy bất kỳ triệu chứng đặc biệt nào ở những bệnh nhân nhiễm biến thể mới Omicron so với những bệnh nhân nhiễm biến thể Delta trước đây.

Phát biểu với báo giới, ông Mzukwa cho biết, sự khác biệt đáng chú ý duy nhất là các ca nhiễm biến thể mới có độ tuổi trẻ hơn và có biểu hiện bệnh nhẹ hơn so với biến thể Delta. Ông Mzukwa cũng cho biết thêm, phần lớn các bệnh nhân mới nhập viện, chiếm khoảng 90%, chưa được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Trước đó, hôm 1/12, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Y tế và Sức khỏe Botswana, bà Pamela Smith-Lawrence cho biết, 16 trong tổng số 19 trường hợp nhiễm biến thể Omicron được phát hiện trong nước không có triệu chứng và thật “không công bằng” khi coi nước này là xuất xứ của biến thể mới. Phát biểu với báo giới, bà Smith-Lawrence cho hay, ngoài số không có triệu chứng, ba người còn lại có các triệu chứng “rất nhẹ”.

Trong khi đó, tại Thái Lan, Tiến sĩ Taweeslip, phát ngôn viên của Trung tâm quản lý tình huống Covid-19, Cục Kiểm soát dịch bệnh Bộ Y tế nước này cảnh báo, các triệu chứng của biến chủng Omicron có chút khác biệt so với các biến thể khác, bệnh nhân bị đau cơ và mệt mỏi nhưng không mất khứu giác và vị giác. Phía Thái Lan cũng cảnh báo tới người dân, các triệu chứng của Omicron là không nghiêm trọng nhưng biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn.

Tiến sĩ Emily Landon, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Chicago, Mỹ cho rằng, người bệnh rất dễ nhầm lẫn triệu chứng giai đoạn đầu nhiễm biến chủng Omicron với bệnh cảm cúm thông thường. Song, dựa trên các trường hợp mắc Covid-19 trước đây, biểu hiện nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện sau 14 ngày, đặc trưng là khó thở.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến chủng đáng lo ngại là biến chủng “có bằng chứng về khả năng lây lan mạnh hơn, gây triệu chứng nặng (ví dụ làm tăng số ca nhập viện hoặc tử vong), giảm hiệu quả kháng thể trung hòa từ vaccine hoặc nhiễm SARS-CoV-2 trước đó, gây trở ngại cho xét nghiệm chẩn đoán”.

Tuy nhiên, các nhà khoa học hàng đầu Nam Phi đã đưa ra cảnh báo, vẫn còn quá sớm để kết luận rằng biến thể Omicron chỉ gây các triệu chứng mắc Covid-19 nhẹ. Tác động thực sự của biến thể Omicron rất khó xác định vì nó chủ yếu ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi và mọi người có xu hướng ốm nặng hơn sau khi nhiễm virus trong một thời gian dài.

Ông Richard Lessells, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Viện Giải trình tự gene và Đổi mới nghiên cứu KwaZulu-Natal (KRISP) của Nam Phi cho rằng, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng gây ra do chủng mới có thể rất khó phát hiện do nhiều người đã hình thành khả năng miễn dịch sau khi được tiêm vaccine hoặc từng hồi phục sau khi nhiễm các biến thể mới.

“Nếu biến thể này lây lan rộng rãi trong cộng đồng, nó sẽ nhanh chóng tìm đến những người chưa tiêm vaccine và có thể gây triệu chứng nghiêm trọng. Đó là điều khiến chúng tôi lo ngại” - ông Lessells nói.

Tranh cãi về nguồn gốc biến thể

Không dừng lại ở những nghi vấn về triệu chứng của người nhiễm biến thể Omicron, một cuộc tranh luận nữa cũng đang diễn ra về nguồn gốc và nơi xuất phát đầu tiên của biến thể này.

Giới chức Botswana hôm 26/11 thông báo đang điều tra một số đột biến nhất định của virus SARS-CoV-2 được tìm thấy trong mẫu xét nghiệm của 4 công dân nước ngoài đang công tác tại đây theo diện ngoại giao. Kể từ đó, quốc gia miền Nam châu Phi này đã ghi nhận thêm 15 trường hợp nhiễm biến thể mới, nâng tổng số lên thành 19 ca.

Bà Smith-Lawrence cho biết thêm, 4 công dân nước ngoài, từ 30-65 tuổi, đã đến Botswana hôm 7/11, có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 11/11 và khi phân tích thêm, các mẫu xét nghiệm của họ cho thấy có mang các đột biến mới vào ngày 22/11. Bà Lawrence cũng cho hay, Chính phủ Botswana đã tải lên cơ sở dữ liệu quốc tế ngay vào ngày hôm sau, nhưng “thật không may... bây giờ chúng tôi lại bị chĩa mũi dùi nhận định rằng biến thể mới có nguồn gốc ở Botswana, hoặc nó là một biến thể của Botswana, mà tôi cho rằng điều đó khá bất công và không cần thiết vào thời điểm này”.

Quan chức y tế Botswana cũng nhấn mạnh, 14 trong số 19 người nhiễm biến thể mới cho đến nay là công dân nước ngoài, song từ chối tiết lộ quốc tịch hoặc địa điểm những người này xuất phát đến Botswana. Bà nói rằng, trong vòng 2 đến 3 tuần tới, Chính phủ có thể sẽ công bố rõ ràng hơn về việc liệu Omicron có độc lực hơn những biến thể trước hay không.

Trong khi xuất xứ của biến thể Omicron còn chưa được xác định, trước khi Botswana công bố ca nhiễm Omicron một ngày, hôm 25/11, Nam Phi đã thông báo rằng họ đã phát hiện ra một biến thể mới có các đột biến khác với biến thể Delta đang hoành hành trên thế giới. Điều này ngay lập tức khiến một số quốc gia tại châu Âu và châu Á ban hành lệnh cấm không vận với các nước miền Nam châu Phi. Nam Phi và Botswana đều chỉ trích quyết định này.

Mới đây nhất, Hà Lan đã ghi nhận ít nhất 14 trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong số những hành khách trên hai chuyến bay từ Nam Phi vào ngày 26/11. Trong khi đó, Nigeria cũng đã phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong mẫu bệnh phẩm thu được từ tháng 10.

Dù nhiều câu hỏi về độc lực, mức độ lây lan và khả năng “lẩn tránh” vaccine của Omicron vẫn còn bị bỏ ngỏ, song nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận nhiều ca nhiễm biến thể này. Đến nay, biến chủng đã được tìm thấy ở trên 30 quốc gia, 13 trong số đó thuộc châu Âu. Nhiều nước đang nỗ lực truy vết các ca nhiễm đầu tiên thông qua các mẫu bệnh phẩm thu thập trong khoảng thời gian trước khi Nam Phi báo cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh cãi xung quanh biến thể Omicron

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO