Ngày 26/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triệu tập cuộc họp đặc biệt bàn cách ứng phó với siêu biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời đặt tên cho nó là Omicron.
Trước đó, biến thể này được biết đến với cái tên B.1.1.529. WHO đã xác định đây là biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19, ở cấp độ “đáng lo ngại”.
Theo phân loại của WHO, biến thể của virus được xác định theo từng cấp độ nâng dần, đó là: Biến thể “đang theo dõi”; biến thể “đáng quan tâm” và biến thể “đáng lo ngại”. Như vậy, có nghĩa là biến thể Omicron đã bị liệt vào cấp độ cao nhất của sự nguy hiểm trong đại dịch lần này, trước đó lần lượt là biến thể Alpha và Delta. Chưa hết, giới y tế nước Anh còn gọi đây là “biến thể tồi tệ”.
Trước đây hơn nửa tháng, Nam Phi cho biết phát hiện ra biến thể mới, được các nhà khoa học đặt tên là B.1.1.529. Chỉ sau đó ít ngày, chúng đã “có mặt” tại ít nhất 7 quốc gia, trong đó có 3 quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài châu Phi. Chiều ngày 25 và 26/11, sân bay quốc tế Johannesburg ùn ứ bởi rất nhiều khách du lịch Âu - Mỹ tìm cách rời khỏi Nam Phi do lo ngại bị lây nhiễm biến thể mới và trước những đồn đoán phong tỏa. Họ phải trả chi phí xét nghiệm nhanh 86 USD một người (gần 2 triệu đồng tiền Việt Nam) để được bước lên máy bay, nếu may mắn có kết quả âm tính.
Thật đáng lo ngại khi chỉ trước đây ít ngày, châu Phi (trong đó có Nam Phi) được coi là miễn nhiễm với Covid-19, khi mà chỉ chiếm 3% số ca tử vong toàn cầu, trong khi con số ở châu Mỹ là 46%, châu Âu là 29%.
Như vậy là vùng đất “lành” nhất thế giới trong đại dịch Covid-19 là châu Phi thì giờ cũng đã rơi vào tình thế khó khăn.
Tại Việt Nam, với nhiều nỗ lực phòng, chống, đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 (tính từ ngày 27/4/2021); thì tới ngày 1/10 đã chuyển sang phương cách mới để vừa chống dịch, vừa hồi phục, phát triển kinh tế. Giãn cách được nới lỏng, nhiều mặt hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục, học sinh các cấp tại nhiều địa phương trên cả nước ở vùng an toàn đã được đến trường. Cách cách ly F1 và F0 cũng thay đổi.
Đó là chủ trương đúng khi thế giới đã xác định không thể tiêu diệt hết virus SARS-CoV-2, mà phải chấp nhận “sống chung” với Covid-19 như một bệnh “đặc hữu”.
Tuy nhiên, trước biến thể mới có tên Omicron với mức độ lây nhiễm được cho là nhanh hơn cả biến thể Delta thì việc nêu cao cảnh giác là điều hết sức cần thiết. Bài học của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 cho thấy, nếu không cảnh giác từ đầu thì dịch sẽ âm ỉ lây lan, ngấm sâu trong cộng đồng, khiến cho công tác chống dịch gặp vô vàn khó khăn, buộc phải áp dụng những biện pháp ngăn chặn cứng rắn trên diện rộng và số ca bệnh chuyển nặng, số người tử vong là rất lớn.
Không hoảng hốt nhưng cũng không thể chủ quan với biến thể Omicron. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm ngăn chặn, dập dịch, thì những kinh nghiệm ấy cần phải sớm được tuyên truyền rộng rãi hơn, kĩ lưỡng hơn. Thực tế cho thấy, nếu các biện pháp y tế được đẩy mạnh; chính quyền cơ sở tăng trách nhiệm nắm chắc tình hình và đặc biệt là người dân thực hiện nghiêm túc quy định 5K của ngành Y tế, thì dịch sẽ sớm được kiểm soát, tổn thất sẽ ít hơn.
Trong tình thế hiện nay, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em và bao phủ vaccine cho toàn dân là rất cấp thiết, kể cả tiêm mũi 3. Tại cuộc họp ngày 27/11 về nhập khẩu và sản xuất vaccine trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Đây là vấn đề liên quan tới sức khỏe, tính mạng của nhân dân, vì thế chúng ta phải tự sản xuất bằng được vaccine. Cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết để nhận thức và hành động cho đúng.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn rất cam go, khi mà số mắc mới trên cả nước trung bình trong tuần qua vẫn trên 10.000 ca/ngày. Với Thủ đô Hà Nội, hơn 10 ngày qua số ca mắc mới luôn ở con số trên 200 ca/ngày, trong đó thực sự quan ngại khi có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Vì thế, một lần nữa cần gióng lên hồi chuông cảnh báo dịch bệnh, nhất là khi tiếp bước biến thể Delta, biến thể rất nguy hiểm Omicron đã lộ diện.