Tránh tình trạng trẻ béo phì trong ‘mùa dịch’

23/06/2021 09:30

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người dân, đồng thời dịch bệnh còn là nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ người thừa cân béo phì, đặc biệt là trẻ em. Tăng cường hoạt động thể lực tại nhà là giải pháp hữu hiệu phòng thừa cân béo phì.

Trẻ ít vận động vì không gian chật chội, thiếu trang thiết bị dụng cụ, thiếu bạn bè-nguồn động lực để ganh đua,…Trong khi đó, các gia đình lại dự trữ nhiều đồ ăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu tính ăn vặt, thích là ăn. Các thức ăn vặt là những đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh như: Bánh kẹo ngọt, bim bim, súc xích,…các loại nước ngọt lại chứa rất nhiều năng lượng, chất béo, đường sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ, đặc biệt dễ gây béo phì.

Tác hại của thừa cân, béo phì ở trẻ em rất đáng quan tâm vì trẻ em là một cơ thể đang phát triển. Nguy cơ đầu tiên của béo phì trẻ em là khi đến tuổi trưởng thành, trẻ dễ mắc các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ,…

Ngoài nguy cơ về sức khỏe thể chất, trẻ em béo phì còn bị tác động tới tâm lý. Với ngoại hình đặc biệt, trẻ béo phì chậm chạp, mặc cảm tự ti, ngại giao tiếp xã hội, dễ bị trêu chọc, tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, làm giảm sút hiệu quả học tập, lao động và chất lượng cuộc sống.

Cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh thì biện pháp tăng cường hoạt động thể lực và lối sống lành mạnh phòng thừa cân, béo phì. Vận động thường xuyên giúp trẻ phát triển cả về thể chất, trí tuệ, nâng cao tầm vóc, kiểm soát và duy trì cân nặng, hạn chế thừa cân, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, nó còn giúp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cơ thể phòng chống dịch bệnh, giúp giấc ngủ đến nhanh và sâu hơn, nâng cao kỹ năng sống, giảm stress.

Khi hoạt động thể lực phải phù hợp theo lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe, không nên quá sức. Bình thường sau 20-30 phút hoạt động thể lực, cơ thể sẽ cảm thấy sảng khoái và khỏe mạnh. Ngược lại, nếu sau thời gian trên mà cơ thể mệt mỏi, uể oải điều này chứng tỏ đã hoạt động quá sức. Trước khi tập thể dục, không được ăn no, không uống nhiều nước và cần khởi động cơ thể từ 5-10 phút.

Thời điểm thể dục tùy theo mùa, thời tiết, bình thường buổi sáng khoảng từ 7g-10g, buổi chiều từ 15-17g, khi hoạt động thể lực làm mồ hôi tiết ra kéo theo chất độc trong cơ thể thải ra và nó tỷ lệ thuận với lượng mồ hôi. Hoạt động ít nhất từ 30-60 phút chia làm 2-3 lần/ngày, ít nhất 150 phút/tuần, không nên vận động thời gian quá dài và quá sức.

Theo ThS. BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia)
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh tình trạng trẻ béo phì trong ‘mùa dịch’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO