Triển khai gói hỗ trợ người dân: Cần nhanh và hiệu quả

L.Bảo - N.Sang 22/12/2021 13:31

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến thu nhập của người dân, đặc biệt là nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người lao động tự do, người nghèo, phụ nữ, trẻ em… Do vậy, các chính sách hỗ trợ tới đây cần có tính chất đặc thù đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng trong đối tượng thụ hưởng chính sách.

“Quá trình bị tác động bởi đại dịch Covid-19 từ năm 2020-2021 cho thấy chúng ta còn nhiều hạn chế, chưa có một quỹ an sinh xã hội ổn định để chăm lo đời sống cho người dân và giải quyết các vấn đề bất trắc khi xảy ra. Về lâu dài, chúng ta cần những giải pháp để phát triển sản xuất, duy trì việc làm bền vững, tạo việc làm mới cho người lao động. Đặc biệt rất cần đào tạo, đào tạo lại lao động, việc này chúng ta chưa làm tốt, trong khi đây là giải pháp quan trọng, là chính sách phòng ngừa nguy cơ mất việc cho người lao động” - Ông Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Nhiều khoảng trống an sinh

Để hỗ trợ người dân, người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch, nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành với gói kinh phí tương đối lớn như, Nghị quyết 42, Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116...

Theo các chuyên gia, các chính sách cứu trợ của Chính phủ được đánh giá cao, tuy nhiên vẫn tồn tại những khoảng trống liên quan đến khía cạnh giới và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương cần được cải thiện.

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) đã chỉ ra rằng, các chính sách an sinh xã hội ban hành đã kịp thời hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp (DN) chịu tác động bất lợi và gặp khó khăn trong đời sống và sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, lần đầu tiên, các nhóm lao động phi chính thức đã được hưởng lợi trong các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ trong những tình huống khẩn cấp.

Tuy nhiên, các chính sách cứu trợ và tái thiết chưa được xây dựng dựa trên các phân tích giới về các tác động của đại dịch tới phụ nữ, nam giới và các giới khác. Đồng thời, chưa có các chính sách hay chương trình cụ thể phòng chống bạo lực giới, nhất là bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em.

Với nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức, việc thụ hưởng chính sách cũng gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trẻ em thuộc các nhóm dễ tổn thương và trẻ em ở các khu vực vùng sâu, vùng xa và hải đảo không có cơ hội học tập bình đẳng trong đại dịch…

Đánh giá về việc triển khai các gói hỗ trợ, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc triển khai các gói hỗ trợ thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội cho người dân đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc triển khai chính sách chưa thực sự hiệu quả.

Đơn cử như với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42, do thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, số lượng người cần hỗ trợ quá lớn, lên đến hàng chục triệu người.

Trong khi đó việc triển khai còn nhiều quy định cứng nhắc, thủ tục rườm rà và chậm ở một số cơ sở. Nhiều địa phương vẫn triển khai theo cách thủ công, chưa quan tâm đến việc sử dụng cơ sở dữ liệu, ứng dụng CNTT để hỗ trợ người lao động và DN dẫn đến nhiều trường hợp hỗ trợ nhầm hoặc chậm hỗ trợ.

Với gói hỗ trợ tại Nghị quyết số 68 vẫn có nhiều quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Đơn cử như việc cho DN vay tiền trả lương cho người lao động hay đào tạo lại lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Cần tham vấn ý kiến người thụ hưởng

Thực tế cho thấy, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã có nhiều chính sách tổng thể để đối phó với đại dịch Covid-19.

Theo thống kê đến nay có khoảng 70 chính sách hỗ trợ người lao động và DN của các địa phương, bộ, ngành và Chính phủ, trong đó có 3 gói hỗ trợ an sinh khẩn cấp thực hiện mục tiêu kép vừa ngăn chặn đại dịch, vừa đảm bảo đời sống gồm gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ với tổng kinh phí khoảng 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với tổng số tiền hỗ trợ là 26.000 tỷ đồng, đặc biệt là gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 từ Quỹ BHTN với kinh phí 38.000 tỷ đồng.

Đến nay có thể thấy các gói hỗ trợ an sinh xã hội đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Song đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế và thu nhập của người dân mà tác động không nhỏ tới các vấn đề khác trong đời sống xã hội như sức khỏe tâm thần của người dân, đặc biệt những nhóm dân cư dễ bị tổn thương như lao động tự do, người nghèo, phụ nữ, trẻ em hay các vấn đề về bình đẳng giới, lỗ hổng trong an sinh.

“Các chính sách hỗ trợ phục hồi và thích ứng với diễn tiến của đại dịch Covid-19 cần xem xét kỹ lưỡng, đa chiều ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt yếu tố giới, y tế và sức khỏe tâm thần. Quá trình xây dựng chính sách phải có tham vấn ý kiến của đại diện các nhóm dễ bị tổn thương và những nhóm có thể bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch Covid-19” - Phó Viện trưởng Viện LIGHT - bác sĩ Nguyễn Thu Giang đưa ra khuyến nghị.

Còn theo ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, để triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ cần tạo sự kết nối nhiều bên giữa các cơ quan bộ, ngành của Chính phủ với khối xã hội, DN và người dân.

Việc kết hợp này không chỉ giúp huy động nguồn lực tài chính, mà còn phát huy được các sáng kiến cộng đồng, thúc đẩy tính hiệu quả và kịp thời trong triển khai và không chồng chéo trong hoạt động.

Các khoản hỗ trợ, trợ cấp bởi dịch Covid-19 không tính vào thu nhập chịu thuế cá nhân

Trước thắc mắc về việc giảm thuế thu nhập cá nhân cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)…, số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính Thuế thu nhập cá nhân.

Do đó, đối với các cá nhân là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế. Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.

Ngày 2/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Theo đó, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của Thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp Thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công.

M.S.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển khai gói hỗ trợ người dân: Cần nhanh và hiệu quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO