Trường luyện ‘gà nòi’, gia đình tạo áp lực

PHƯƠNG MAI 12/05/2022 08:28

Trước mỗi kỳ tuyển sinh mới thấy trường chuyên, lớp chọn vẫn “nóng” đến mức nào. Mặc dù câu chuyện này đã tạo ra những tranh cãi, thậm chí đã có ý kiến cho rằng nên giải tán trường chuyên bởi hệ thống giáo dục này đã tạo không ít áp lực cho học sinh, đồng thời tạo nên cái nhìn méo mó cũng như hệ lụy cho xã hội.

Thí sinh Hà Nội cạnh tranh gay gắt vào các trường chuyên.

Tuy vậy, cho con thi vào trường chuyên vẫn là giấc mơ của không ít phụ huynh. Chị Nguyễn Ngọc An, quận Ba Đình, Hà Nội đang chuẩn bị cho con thi vào 10 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Con chị An đăng ký thi vào chuyên Anh - Anh. Để chuẩn bị cho cuộc đua này, hiện mỗi ngày cháu Linh, con chị phải học thêm 3 lớp Anh.

Chị An cho biết: Con tôi học một lớp tiếng Anh tại trường sau giờ học chính khóa, tiếp đó cháu vào một lớp luyện tiếng nâng cao, và buổi tối tôi cho cháu học lớp luyện đề thi vào trường. Như vậy là một ngày cháu học 3 ca tiếng Anh. Đang giai đoạn chạy nước rút nên tôi động viên con cố gắng dù cháu rất mệt mỏi. Nhưng chỉ 2 tháng nữa là cháu được nghỉ xả hơi rồi.

Còn cháu Hoàng Gia Bách ở quận Cầu Giấy, đang luyện thi Toán vào Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng phải tham gia 3 ca toán mỗi ngày, tại trường học thêm của cô chủ nhiệm để lấy kiến thức cơ bản. Tan học ở trường, Bách theo một lớp do mẹ tìm thầy dạy luyện đề có tiếng là hay “trúng tủ” để con theo học. Rồi lớp học do các tiến sĩ toán mở lớp dạy thêm để con luyện nâng cao. Gia Bách chia sẻ: Vào thời điểm này, cháu ra khỏi nhà lúc 7 giờ sáng, và về nhà vào lúc 22 giờ mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ. Cháu phải tranh thủ ăn uống ở ngoài để kịp thời gian vào lớp.

Một trường hợp khác là Hải Nam - học sinh lớp 9 Trường THCS Phương Mai, quận Đống Đa là một học sinh luôn đứng đầu lớp nhưng con luôn sống trong tâm trạng “mất ăn, mất ngủ” khi kỳ thi sắp tới. Nam cho biết: Con tự tìm 2 lớp học Toán để thi vào chuyên Toán, dù được giải trong kỳ thi Toán cấp quận lần vừa rồi, nhưng con vẫn lo thi trượt trường chuyên. Con lo lắng tới mức các bạn trong lớp dành một ngày cuối tuần đi chụp ảnh kỷ niệm cuối cấp mà con cũng không tham gia được vì sợ lỡ buổi học thêm,…

Dễ nhận thấy, với đích đến là trường chuyên, cách học theo kiểu luyện “gà nòi” đang khiến nhiều học sinh chịu áp lực lớn trước mỗi kỳ thi.

Liên quan tới chọn trường, chọn lớp cho học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội bày tỏ, trước tiên phụ huynh phải là người hiểu con mình, phải trở thành nhà giáo dục, nhà sư phạm giúp con để cùng với nhà trường giáo dục đứa trẻ, có như vậy đứa trẻ mới hạnh phúc và đi đến thành công. Bởi khi trẻ hạnh phúc thì chúng sẽ phát triển tốt, chứ phụ huynh đừng thấy người ta nói trường này, trường kia tốt trong khi trường đó lại không phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình, không phù hợp với năng lực của con. Dù trường có tốt mấy cũng không bằng sự quan tâm đúng cách của mỗi gia đình.

Về vấn đề trường chuyên, ông Lâm cho rằng: Ai cũng mong con mình giỏi, học được trường chuyên, trường top đầu nhưng nếu tất cả các bạn trong lớp đều giỏi, thậm chí rất giỏi thì con mình có cơ hội phát triển không, trong khi đó chọn một trường bình thường thì con lại có cơ hội phát huy hết khả năng.

Do đó, với các bậc phụ huynh khi chọn trường cho con, ông Lâm đưa ra lời khuyên, hiện nay các trường phổ thông của Hà Nội đều xây dựng tương đối theo chuẩn quốc gia và đội ngũ thầy cô của Hà Nội đang phấn đấu trở thành nhà giáo tâm huyết, sáng tạo. Chính vì vậy, dù con học trường nào thì nhà trường cũng đều đáp ứng được một phần yếu tố để các con phát triển.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thị Thu cũng cho rằng, quan trọng nhất là phụ huynh cần thay đổi tư duy và nhận thức trong việc lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp với con em mình. Không nên tạo áp lực khiến con rơi vào trạng thái mệt mỏi, áp lực hay chán nản.

Trên một số diễn đàn, không ít ý kiến cho rằng, trường chuyên, trường điểm, lớp chuyên, lớp chọn, học sinh xuất sắc, học sinh giỏi, giáo viên giỏi... tất cả những thứ đó đang tạo ra một nền giáo dục "toàn nhân tài" với những bảng điểm tuyệt đối. Bản thân những cái tên kia không có mục đích xấu, nhưng xã hội đang làm cho nó xấu đi. Không chữa được căn bệnh cố hữu thì tốt nhất nên bỏ.

Thực chất sự cạnh tranh tích cực sẽ tốt cho sự phát triển. Nhưng cũng có một hiện trạng người ta quá coi việc vào được trường chuyên, lớp chọn hay những tờ giấy khen học sinh giỏi... là chuẩn mực để đánh giá trình độ học sinh. Một môi trường toàn những "nhân tài" được cả xã hội đề cao, kính nể vì điểm số như vậy, liệu có phải là điều tốt hay không là vấn đề đặt ra.

Nói như Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn thì đào tạo chuyên dẫu đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, phát triển con người làm đầu.

Vì thế đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ. Đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường luyện ‘gà nòi’, gia đình tạo áp lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO