Trường nghề mở cửa trở lại: Kỳ vọng nguồn nhân lực mới

Văn Lý - Minh Quang 19/02/2022 15:05

Gần 1 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã phải tạm dừng việc dạy học, hơn 300.000 sinh viên đã lỡ cơ hội việc làm do chưa kịp thi tốt nghiệp. Ghi nhận từ khi các trường nghề mở cửa trở lại, cả giáo viên, sinh viên đều vui mừng. Đây cũng là tín hiệu tích cực để phục hồi nền kinh tế.

Sinh viên thực hành nghề hướng dẫn viên du lịch. Ảnh TL.

Linh hoạt dạy - học và ứng phó

Ngày 15/2 vừa qua, Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - đóng tại Đông Anh, Hà Nội) đã tổ chức đón hơn 600 học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố trở lại trường học trực tiếp, sau thời gian dài học trực tuyến do dịch Covid-19.

Ông Đặng An Bình, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ cho biết, theo phương án phòng, chống dịch Covid-19 đối với cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên trở lại trường tham gia học tập trực tiếp, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Y tế thị trấn Đông Anh tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 cho toàn bộ cán bộ, giáo viên và người lao động của nhà trường; phối hợp phun thuốc tiêu độc, khử trùng lớp học, nơi học, đồ dùng dạy học và toàn bộ khu vực trong khuôn viên nhà trường, bảo đảm các điều kiện vệ sinh phòng bệnh; huy động cán bộ, giáo viên nhà trường vệ sinh, lau dọn sạch sẽ các phòng học, lớp học, xưởng học; bố trí, sắp xếp các lớp học đảm bảo số lượng người học trong một phòng học và lớp học; thiết kế phòng cách ly cho từng học sinh, sinh viên trong điều kiện y tế địa phương cho phép.

Ông Bình cho biết thêm, song song với kế hoạch củng cố kiến thức cũ, dạy kiến thức mới và thực hành để đảm bảo chất lượng đào tạo, phương án phòng, chống dịch Covid-19 đối với cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên trở lại trường tham gia học tập trực tiếp là thích ứng linh hoạt để đảm bảo việc học tập của các em được tốt nhất.

Đối với phần kiến thức bị “hổng” của học sinh, sinh viên khi học tập trực tuyến, nhà trường đã có kế hoạch kiểm tra, xây dựng chương trình, bố trí thời gian bù đắp phần kiến thức, kỹ năng bị thiếu hụt đó. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên sẽ kiểm tra và kết hợp hài hòa việc dạy kiến thức mới và củng cố kiến thức đã được giảng dạy theo hình thức trực tuyến, nếu học sinh, sinh viên còn yếu có thể kéo dài thời gian củng cố, ôn tập kiến thức cho các em.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cũng chia sẻ, nhà trường đã xây dựng toàn bộ kịch bản để ứng phó. Nếu có trường hợp mắc Covid-19, nhà trường đã có các phòng cách ly cho từng sinh viên trong điều kiện y tế địa phương cho phép, đảm bảo an sinh cho sinh viên.

Các em trong cùng một lớp là F1, nhà trường sẽ cho tạm thời học trực tuyến một thời gian nhất định, sau khi đảm bảo lại tiếp tục học trực tiếp. Kịch bản của nhà trường là ứng phó linh hoạt để đảm bảo việc học các em được tốt nhất. Hiện nay, tỉ lệ học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tuyến tại 3 cơ sở đã đạt trên 90% tổng số sinh viên của trường.

Phối hợp đưa sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp

Sinh viên trường nghề trở lại trường, việc đưa các em đi thực tập sau một thời gian dài học tập gián đoạn cũng là một vấn đề đang được đặt ra. Theo các chuyên gia, thực tập là cơ hội để học sinh, sinh viên làm quen, học tập kinh nghiệm làm việc từ môi trường thực tế.

Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 kéo dài khiến học sinh, sinh viên ở một số trường nghề chưa được thực hành, thực tập.

Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Vì thế, hiện nay khi các hoạt động được mở lại ở trạng thái bình thường mới, nhà trường và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ nhằm tạo điều kiện thực hành, thực tập để nâng cao kỹ năng tay nghề cho học sinh sinh viên.

TS Trịnh Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch thương mại Hà Nội cho biết du lịch là ngành đặc thù nên học sinh học một chuyên ngành có khi phải thực tập ở nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, chính sách của hầu hết doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là không chấp nhận trả chi phí cho sinh viên trong quá trình thực tập.

Dẫu vậy, hiện nhà trường đã phải xây dựng lại chương trình đào tạo, bảo đảm phương án linh hoạt, trong trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và được sự cho phép của các địa phương, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc đưa học sinh, sinh viên đi trải nghiệm, thực tế, thực tập tại doanh nghiệp.

TS Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho hay, tuy ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp và địa phương mà đến nay, 90% học sinh của trường từ năm thứ 3 trở đi đã được các doanh nghiệp nhận. Điều này cho thấy sự khan hiếm của lao động nghề cũng như sự thích ứng linh hoạt của trường nghề trong thời kỳ dịch Covid-19 đang diễn ra.

Thực tế cho thấy, những gián đoạn do dịch Covid-19 khiến học sinh, sinh viên của các trường thuộc khối GDNN phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn.

Không chỉ sinh viên ngành du lịch mà sinh viên nói chung đều phải được đào tạo tay nghề thông qua trải nghiệm thực tế trên các máy móc, thiết bị, hoạt động dịch vụ trực tiếp. Do vậy, việc sinh viên đến trường học tập và đến trải nghiệm nghề thực tế tại doanh nghiệp là điều hết sức quan trọng.

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục GDNN cho biết, việc đào tạo học sinh, sinh viên đa kỹ năng là điều hoàn toàn đúng và phù hợp trong điều kiện hiện nay. Chính vì vậy, các trường cần sàng lọc xem doanh nghiệp nào đang có nhu cầu cấp thiết sau đó sàng lọc với số lượng phù hợp để đưa học sinh đi thực tập. Cả doanh nghiệp và nhà trường cần phối hợp với nhau để có chương trình đào tạo linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường trên cơ sở các chuẩn đầu ra của ngành và của các trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường nghề mở cửa trở lại: Kỳ vọng nguồn nhân lực mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO