Trường tư hối hả tuyển sinh

Đoàn Xá 14/06/2017 08:05

Ngay khi Sở GD&ĐT TP HCM công bố điểm thi xét tuyển vào lớp 10 năm học 2017-2018, hàng loạt trường tư thục, dân lập trên địa bàn thành phố đã lên các phương án chiêu sinh, chuẩn bị cho năm học mới. Có khoảng 10.000 thí sinh sẽ rớt hệ công lập, do đó các trường THPT ngoài công lập ở thành phố hy vọng có một kỳ tuyển sinh đông đảo sau nhiều năm.

Nhiều học sinh chấp nhận học THPT hệ tư thục chứ không học nghề (Ảnh minh họa).

Chủ động vào trường tư

Tuy chưa có điểm chuẩn vào các trường công lập nhưng nhiều thí sinh, ngay sau khi biết điểm đã có những lựa chọn của riêng mình, đó là các trường tư thục. “Tổng điểm thi của em đợt này chỉ 23,5 điểm (Toán và Ngữ văn hệ số 2) nên rất khó để trúng tuyển vào hệ công lập. Em đã tìm hiểu và sẽ quyết định nộp hồ sơ vào một trường tư ở gần nhà để tiếp tục theo học chương trình THPT. Mặc dù học phí trường tư mắc hơn nhưng nếu tiếp tục cố gắng trong 3 năm tới thì vẫn có thể cải thiện được trình độ của bản thân. Cái mốc quan trọng là kỳ thi tuyển vào đại học sắp tới vẫn còn nhiều thời gian để thay đổi”, thí sinh Nguyễn Thị Thủy ở quận Tân Phú chia sẻ. Mặc dù có thể không phải là ưu tiên hàng đầu nhưng nhiều học sinh ở khu vực TP HCM cho biết chất lượng đào tạo của các trường tư thục hiện nay cũng khá tốt. Thậm chí có nhiều trường tư thục còn có chất lượng tốt hơn cả công lập và cơ sở vật chất cũng hiện đại hơn.

Theo bà Hà Thị Kim Sa- Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp), do nắm bắt được nhu cầu của nhiều học sinh trên địa bàn thành phố nên hiện nay nhà trường đã có kế hoạch tuyển sinh cho năm học 2017-2018. Ngoài ra, với dự đoán số lượng học sẽ tăng mạnh, trường cũng chuẩn bị cơ sở vật chất, tuyển thêm giáo viên để chuẩn bị tốt cho năm học mới.

“Trung bình mỗi năm số lượng học sinh lớp 10 khối dân lập chỉ khoảng 5-6 ngàn em nên việc cạnh tranh giữa các trường khá gay gắt. Thậm chí nhiều trường còn không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên năm nay đầu vào cao hơn, lên đến gần 10 ngàn, cộng thêm một lượng lớn thí sinh ngoài công lập của các tỉnh thành lân cận nên số lượng chắc chắn sẽ tăng. Điều quan trọng với các trường tư thục hiện nay là tập trung đào tạo thật tốt để các em có thể thi đại học kết quả cao”, bà Sa cho biết thêm.

Vẫn nhiều băn khoăn

Dù các trường THPT dân lập đang sẵn sàng trải thảm mời các thí sinh rớt công lập vào học nhưng nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh cho biết họ vẫn còn nhiều lo ngại. Đầu tiên là chất lượng tại các trường tư thường khó kiểm soát, thậm chí là kém hơn vì đầu vào đều là các em điểm kém. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo nhất vẫn là học phí bởi so với trường công, học phí trường tư cao gấp nhiều lần. Đó không chỉ là gánh nặng mà còn là áp lực cho nhiều gia đình.

Nhìn một cách tổng quát, một chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, tình trạng học sinh đồng loạt xin theo học THPT ở các trường tư chưa hẳn là tín hiệu tốt mà ngược lại, nó còn vô tình đã phá vỡ quy hoạch phân luồng bậc học của lãnh đạo ngành giáo dục. Cụ thể, việc Sở GD&ĐT TP HCM giảm chỉ tiêu công lập với mục đích hướng các học sinh này vào các trung tâm giáo dục thường xuyên (vừa học nghề, học kiến thức) cũng như hệ thống các trường nghề, trung cấp nghề trên địa bàn. Đây là hành động của đề án thay đổi cơ cấu lao động giữa người có bằng cấp (học đại học) và người có tay nghề (học nghề) đang có xu hướng mất cân đối như hiện nay.

Đặc biệt, chuyên gia này cũng cho rằng việc phân luồng học sinh ở thành phố như hiện nay là không hợp lý. Nếu học sinh ở vùng nông thôn, vùng quê nghèo sâu xa thì có thể học các trường nghề, trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS (lớp 9) còn với học sinh ở thành phố, điều này là rất khó khăn. Do đời sống vật chất, cộng thêm nhiều lý do khác, sẽ rất khó để các bậc phụ huynh ở TP HCM chấp nhận cho con em mình đi học nghề sau khi tốt nghiệp lớp 9 mà không phải là học tiếp lên THPT.

Vì thế, phân luồng học sinh cũng phải dựa trên từng địa bàn tỉnh thành nhất định, chứ không thể cứng nhắc áp dụng theo quy chế chung của Bộ đề ra. Tình trạng này vừa bất cập, lại ảnh hưởng nhiều đến lựa chọn tương lai của học sinh, cũng như sự cạnh tranh gay gắt, áp lực lớn cho kỳ thi vào lớp 10 ở những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường tư hối hả tuyển sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO