Từ câu nói đau lòng của người cha mất con: Giá con tôi biết bơi

Tấn Thành - Chí Đại 16/04/2016 15:52

Nếu học sinh được trang bị kỹ năng sống trong đó có bơi lội thì chúng ta không còn nghe câu nói đau lòng như câu nói của cha của cháu Đô: “Giá mà con tôi biết bơi thì đâu đến nỗi đau lòng này, nhưng bây giờ tất cả đã muộn rồi chú ơi!”.

Chị Nguyễn Thị Sát (áo trắng): “Nếu con tôi biết bơi thì đâu đến nỗi đau đớn thế này!”.

Thời gan gần đây tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên liên tiếp xảy ra tình trạng học sinh đuối nước tử vong. Nhiều nhất và liên tiếp là tại hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mới nhất là vụ 9 học sinh cùng lớp 6B, trường THCS Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi tử vong.

Thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông về sự thiếu kiến thức trong kỹ năng sống của học sinh, nhất là vấn đề học bơi, biết bơi, sống với vùng sông nước đã thật sự đến hồi báo động.

Chúng ta nhớ lại, trước sự đau lòng 9 học sinh cùng lớp 6B, trường THCS Nghĩa Hà tử nạn do đuối nước, thì tại Quảng Nam trước đó, vào trưa ngày 16/3, tại xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, đã có 2 học sinh tử vong do đuối nước.

Em Thiên Văn: “Nếu các bạn của em được dạy học bơi, lội thì đâu đến nỗi chết sông”.

Hay trước đó tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước xảy ra một vụ 4 em học sinh rủ nhau ra bãi đá Lò Thung chơi thì bị nước cuốn và tử nạn.

Rồi tại xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, cũng xảy ra vụ đuối nước thương tâm vừa khiến 3 học sinh tử vong.

Thậm chí có những trường hợp cứu bạn nhưng rồi chính mình lại bị tử nạn. Như trường hợp em Trần Duy Khánh, ở xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, học sinh lớp 10/7, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, xã Quế Phú.

Khi thấy các bạn đuối nước Khánh xuống cứu, nhưng khi cứu đến người bạn thứ 3 thì em bị đuối nước tử vong.

Những cái chết quá đau lòng mà không có gì có thể bù đắp được.

Còn nếu tra vào Google thì ta có khoảng 144.000 kết quả trong vòng 0,41 giây. Mà hẳn trong đó rất nhiều vụ đuối nước dẫn đến tử vong là của học sinh.

Thế nhưng điều đáng nói, đáng lo ngại là việc trang bị kỹ năng sống cho các em học sinh, nhất là học sinh ở vùng sông nước, bão lũ vẫn chưa được chú trọng.

Hiện trường nơi 9 em học sinh tắm sông chết đuối.

Thầy Trần Ngọc Sơn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo TP Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết: “Trong chương trình giảng dạy chính khóa cho học sinh trong nhà trường hiện nay Bộ Giáo dục - Đào tạo chưa có quy định về dạy kỹ năng sống, cụ thể là bơi, lội cho các em. Tôi thiết nghĩ từ tai nạn đuối nước thương tâm của 9 em học sinh lớp 6 ở Trường THCS Nghĩa Hà, ở TP Quảng Ngãi ngày 15/4 thì mỗi người chúng ta hãy chung tay hành động giúp các em kỹ năng phòng chống. Hãy tạo điều kiện cho các em được học bơi, ít nhất là học cách biết nổi để thở khi gặp nạn và chờ người đến cứu”.

Ý kiến của thầy Trần Ngọc Sơn cũng là nhận định của rất nhiều phụ huynh, thầy cô và cả chính quyền địa phương.

Như trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, chị Nguyễn Thị Sát, mẹ học sinh Trần Tiến Phát trong vụ 9 em tử nạn do đuối nước, cho biết: “Nếu con tôi được dạy bơi, lội thì đâu đến nỗi phải chết đau đớn như thế này. Bạn bè nó rủ nhau đi tắm sông mà nó có biết bơi đâu. Gia đình thì lui hui làm ăn có thời gian mô mà dạy con bơi, lội. Còn nhà trường có khi mô dạy cho cháu bơi đâu mà biết. Bây chừ sự việc xảy ra rồi gia đình tôi rất hối hận”.

Còn anh Lê Thuyền, cha của em Lê Văn Đô cùng tử nạn trong vụ trên cho biết: “Do mưu sinh cuộc sống công việc nên tôi cũng không có thời gian để hướng dẫn tập bơi cho con. Tôi cũng không ngờ do không biết bơi mà dẫn đến hậu quả đau lòng này. Giá mà con tôi biết bơi, nhưng bây giờ tất cả đã muộn rồi chú ơi!”.

Em Đào tạ Huy Thiên Văn, học cùng lớp 6B, trường THCS Nghĩa Hà cũng khẳng định: “Tất cả 9 bạn học sinh rủ nhau đi tắm sông không hề biết bơi. Ngoài ra, trong lớp em cũng có rất nhiều bạn cũng không biết bơi. Nếu mà các bạn ấy mà biết bơi thì không bị chết đuối rồi”.

Đó là những tâm sự nói lên sự thật chua chát là các em không được dạy kỹ năng sống, kỹ năng bơi lội, kỹ năng khi gặp nạn ở vùng sông nước.

Anh Lê Thuyền nhận tiền hỗ trợ từ đoàn Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Ngãi.

Trước sự việc này, ông Trần Thanh Trọng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà cho biết: “Sự việc 9 em học sinh trên địa bàn của xã rủ nhau đi tắm sông dẫn đến chết đuối thương tâm. Đó là hồi chuông cảnh báo cho những người làm cha, mẹ trong việc quản lý con cái và cần quan tâm tạo điệu kiện cho các cháu đi tập bơi. Vì trên địa bàn xã bao quanh là sông nước. Trước sự việc 9 em học sinh này không hề biết bơi nên khi đi tắm sông lội trúng vũng nước sâu dẫn đến chết đuối. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ mở nhiều buổi tuyên truyền, vận động từng người dân cần phải tạo điều kiện để cho cháu biết bơi. Để ngăn ngừa tình trạng xảy ra vụ việc đang tiếc này”.

Thực tế, theo thầy Trần Ngọc Sơn, dù Bộ Giáo dục - Đào tạo chưa có quy định về dạy kỹ năng sống, cụ thể là bơi, lội cho các em, tuy nhiên có những trường đã tự linh động trong các giờ ngoại khóa tạo điều kiện cho các em được học bơi, lội ở những điểm hồ có sự quản lý của Nhà nước.

Riêng ở Tam Kỳ hiện đang có khá nhiều địa chỉ hồ bơi đạt chuẩn để các bậc cha mẹ, các nhà trường đưa các em đến học bơi, lội.

Như hồ bơi của Trung tâm TTN Miền Trung; Đại học Quảng Nam; Nhà Văn hóa Thiếu Nhi thành phố..v.vv…

Riêng các em học sinh Tiểu học và THCS vùng Đông Tam Kỳ đã có hồ bơi dạy học miễn phí đang hoạt động tại trường THCS Nguyễn Khuyến, phường An Phú.

Thầy Sơn cũng cho biết, mỗi năm học sẽ tổ chức 4 khóa dạy bơi cho các em học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố Tam Kỳ, mỗi khóa 200 học sinh và học trong thời gian 6 tuần, 12 buổi/ tuần.

Giáo viên giảng dạy là cán bộ, cộng tác viên của tổ chức Swim Việt Nam và giáo viên của các trường đã được tập huấn kỹ năng nghiệp vụ dạy bơi.

Kinh phí chi trả cho một khóa học là 50 triệu đồng, trong đó, tổ chức AOGWR hỗ trợ 40 triệu đồng, nguồn đối ứng của thành phố Tam Kỳ 10 triệu đồng...

Thế nhưng điều đáng nói, không phải ở đâu, lúc nào chúng ta cũng chú trọng đến việc dạy kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em học sinh.

Thực tế ngày càng nhiều em học sinh bị đuối nước, những cái chết thương tâm để lại cho gia đình, nhà trường, xã hội những nỗi đau không dễ gì bù đắp được.

Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần chú trọng việc đưa vấn đề dạy kỹ năng sống, nhất là bơi lội vào trong nhà trường để giảng dạy cho các em.

Để chúng ta không còn nghe câu nói đau lòng như câu nói của cha của cháu Đô: “Giá mà con tôi biết bơi thì đâu đến nỗi đau lòng này, nhưng bây giờ tất cả đã muộn rồi chú ơi!”.

Vâng! Ngay bây giờ chúng ta hãy hành động giúp các em kỹ năng phòng chống đuối nước để hạn chế tối đa những cái chết thương tâm!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ câu nói đau lòng của người cha mất con: Giá con tôi biết bơi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO