Từ chối dự án hại môi trường

Hữu Nguyên 11/05/2016 09:05

Dư luận “thở phào”, các chuyên gia vui mừng bày tỏ sự ủng hộ trước quyết định của Thủ tướng Chính phủ mới đây về việc “chưa xem xét phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện” vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

Dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn ThaiGroup (tiền thân là Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng). Dự án được đề xuất thực hiện theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Với việc nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện, Dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á này dự tính kết nối, nâng cấp hai tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định). Chủ đầu tư cũng đề xuất sẽ xây dựng 6 đập thuỷ điện công suất thiết kế khoảng 228 MW và âu tàu để nâng mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại.

Bất ngờ đầu tiên khi thông tin về Dự án bị rò rỉ, người ta không thể tin được rằng một dự án quy mô lớn và tác động môi trường khó lường như thế lại chỉ được chuẩn bị và đưa ra trình các cơ quan thẩm quyền xin chủ trương chỉ vỏn vẹn trong vòng có vài tháng. Lại dự kiến, nếu được chấp thuận sẽ khởi công ngay vào cuối năm nay. Theo các chuyên gia, với tốc độ và thông lệ làm việc tại Việt Nam, một dư án đầu tư xây dựng tương tự phải mất ít nhất từ 3 năm trở lên mới làm xong các thủ tục liên quan. Do vậy, với thời gian vỏn vẹn chỉ có vài tháng mà đã tính tới chuyện “khởi công” vào cuối năm nay của Dự án này quả là điều hết sức không bình thường.

Mặc dù với thời gian chuẩn bị ngắn ngủi và gấp rút như vậy, Dự án lại càng làm cho người ta thêm ngạc nhiên khi được chủ đầu tư khẳng định rằng đã tham vấn ý kiến các bộ ngành, Dự án nhận được khá nhiều sự đồng thuận về chủ trương. Chẳng hạn, Bộ Công thương đánh giá “đây là dự án đa mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông thuỷ kết hợp với thuỷ điện, thực hiện theo hình thức BOO phù hợp với chủ trương xã hội hoá đầu tư của Nhà nước”.

Tuy nhiên, điều đáng nói và quan trọng hơn là những vấn đề có liên quan tới môi trường, tác động của dự án tới đời sống của hàng chục triệu người dân trong lưu vực sông Hồng và số phận của khối tam nông (nông nghiệp – nông thôn và nông dân) đồng bằng Bắc Bộ. Việc thẩm định dự án nhanh chóng là may mắn và có lợi cho doanh nghiệp, song nếu chưa đánh giá đầy đủ các tác động môi trường cũng như hậu quả của dự án về lâu dài thì nền kinh tế, môi trường sống mà cụ thể là hàng chục triệu con người trong khu vực ảnh hưởng sẽ lãnh đủ.
Ngay từ khi bị rò rỉ thông tin, đã có không ít các chuyên gia phân tích về tính “lợi bất cập hại” của siêu Dự án này. Cụ thể, chưa thấy lợi ích mà Dự án mang lại bao nhiêu nhưng nhãn tiền đã thấy được hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực mà Dự án này có thể gây ra với khu vực xung quanh. Điều mà công luận đang rất băn khoăn là siêu Dự án này liệu có góp phần “băm nát sông Hồng”, sẽ biến cả vùng Đồng bằng sông Hồng với 27 tỉnh thành rộng lớn trở thành “con tin” của nhà đầu tư, sẽ biến 288km sông Hồng - tài sản chung của đất nước, nơi mang đến sinh kế cho người dân trở thành tài sản riêng. Bởi hình thức đầu tư BOO gần như là giao phó tài sản này cho tư nhân quản lý và khai thác không thời hạn.

Nếu phân tích về lợi ích kinh tế mà Dự án hứa hẹn, các chuyên gia khẳng định Dự án này hòan tòan không mang lại lợi ích gì cho đất nước và nhân dân. Xét về giao thông, đối với nước ta, thực sự chưa ở mức cấp bách về kết nối giao thông giữa Lào Cai và Hà Nội, cũng như Hải Phòng vì hệ thống đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vừa mới vận hành và bắt đầu thu phí. Vận hành thêm đường thủy nữa liệu có ảnh hưởng tới khả năng hoàn vốn cho đầu tư kết nối đường bộ hay không là việc cần xem xét kỹ. Nguồn thu từ thủy điện được đề xuất với 6 nhà máy thủy điện nhỏ là không đáng kể, trong khi làm thủy điện trên sông Hồng với chế độ nước như hiện nay cũng không hề đơn giản.

Chưa kể, việc xây dựng 6 bậc thủy điện và nhiều con đập trên sông Hồng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cộng đồng các dân tộc trong lưu vực với tầng sâu văn hóa và chiều dài lịch sử là chuyện rất phức tạp. Vấn đề tác động môi trường trong một lưu vực rộng lớn với sự can thiệp của con người có khả năng mang lại nhiều nguy cơ không thể dự báo trước.

Theo tính toán của các chuyên gia, những hiệu quả kinh tế mà Dự án hứa hẹn là không thể bù lại được những mất mát về sự đảo lộn thu nhập, sinh kế của hầu hết các cộng đồng dân cư sinh sống ven sông và sinh sống tại Đồng bằng sông Hồng, trong đó hầu hết là những nhóm người dễ bị tổn thương. Đồng bằng sông Cửu Long đã mặn chát vì thủy điện ở thượng lưu sông Mekong. Tây Nguyên cũng đã cạn khô do hiện tượng El Ninô và thủy điện. Đồng bằng châu thổ sông Hồng sẽ ra sao khi bị chia thành 7 khúc cũng vì thủy điện?

Trên thực tế, câu chuyện cá chết hàng loạt và nghi vấn vùng biển các tỉnh miền Trung bị ô nhiễm đang đặt ra một vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu đối với tương lai đất nước. Đó là hậu quả gì sẽ chờ đợi Việt Nam nếu chúng ta tiếp tục mô hình tăng trưởng dựa dẫm vào môi trường và khai thác tài nguyên như trước đây. Việc Thủ tướng “chưa xem xét phê duyệt dự án tỷ đô trên sông Hồng” mới đây cho thấy Chính phủ đang quyết tâm đoạn tuyệt với thói quen phát triển kinh tế bằng cách dựa dẫm vào môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản. Bởi vì, trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ cam kết cải cách và đặt mục tiêu hướng tới chính phủ kiến tạo và phục vụ, thì rõ ràng việc sa đà vào một dự án có bản chất là khai thác tài nguyên, dựa dẫm môi trường như cũ sẽ làm ảnh hưởng rõ rệt đến kế hoạch và tinh thần khởi nghiệp quốc gia. Một kế hoạch đầy quyết tâm được xây dựng trên nền tảng cải cách thể chế mạnh mẽ và phát huy tối đa năng lực sáng tạo của người Việt Nam, được xem là một nguồn tài nguyên vô tận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ chối dự án hại môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO