Tự chủ đại học: Tăng học phí nằm trong lộ trình đổi mới

Lam Nhi 24/10/2017 08:30

Sau một thời gian triển khai thực hiện thí điểm tự chủ ĐH, 23 cơ sở giáo dục ĐH công lập của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể so với trước đó.

Nói như lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM, tự chủ mang đến cho trường nhiều đổi mới. Sự phát triển ấy, nếu không có tự chủ, trường sẽ đạt được nhưng phải mất thời gian rất lâu do thiếu nguồn lực đầu tư, đặc biệt phải chờ “cấp phép”.

Tự chủ đại học mang đến cho các trường nhiều đổi mới.

Những bước chuyển mình

Nhìn nhận về quá trình thực hiện thí điểm tự chủ ĐH trong 3 năm từ 2014-2017, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM Nguyễn Đông Phong cho rằng, trong khoảng thời gian thực hiện thí điểm tự chủ dù không dài nhưng trường đã có những đột phá mạnh mẽ trong xây dựng chương trình đào tạo theo chương trình tiên tiến quốc tế, đẩy mạnh công bố quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục, hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức, gia tăng nguồn lực tài chính, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại…

GS TS Nguyễn Đông Phong cho biết, sau 3 năm thực hiện thí điểm tự chủ, trường đã có 250 tỷ đồng từ thu học phí để giải tỏa đền bù cho 11ha đất mà TP đã cho, dù “trong suốt 3 năm qua chưa có sinh viên nào kêu học phí cao”. Ông khẳng định, tự chủ đã mang đến cho ĐH Kinh tế TP HCM rất nhiều đổi mới, hầu như là căn bản.

Trước đó, PGS TS Phan Thị Bích Nguyệt- phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM từng chia sẻ, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, tự chủ ĐH được triển khai trên mọi bình diện.

Tuy nhiên, tự chủ về tài chính được tập trung chú ý và nghiên cứu khá nhiều vì tầm quan trọng của nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển và tạo được cơ sở hạ tầng quan trọng cho phát triển.

“Huy động và đa dạng hóa nguồn thu, giảm tỷ lệ thu từ học phí, gia tăng từ tỷ lệ thu từ các hoạt động khoa học công nghệ, các hoạt động đào tạo gia tăng, các hoạt động dịch vụ, nguồn thu từ cựu sinh viên, các nhà tài trợ… với mục tiêu là chia sẻ gánh nặng của ngân sách nhà nước, tránh tình trạng phân phối bình quân thông qua ngân sách, tạo động lực cạnh tranh, khẳng định thương hiệu thông qua chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học… Đây là những tiền đề cho tự chủ toàn diện tại các trường ĐH”- bà Nguyệt nêu quan điểm.

Với việc xác định là trường ĐH định hướng nghiên cứu, vì vậy công bố quốc tế là bắt buộc. Trường đã xây dựng Quỹ nghiên cứu hàn lâm với kinh phí 3 tỷ đồng/năm. Mức hỗ trợ từ 100-200 triệu đồng/bài. Đồng thời xây dựng chính sách khen thưởng nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế.

Kết quả là số bài báo được đăng trên tạp chí ISI, Scopus của trường tăng từ 78 lên 137. Nhà trường đảm bảo được thu nhập cho cán bộ giảng viên và đã có những khoản dư nhất định.

Là trường thứ 15 trong số 23 trường thực hiện thí điểm tự chủ ĐH, PGS TS Hoàng Minh Sơn- hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hiệu quả rõ ràng từ việc tự chủ là nhà trường cũng đã có một đội ngũ hùng hậu với 20% số giảng viên là GS, PGS; 60% có trình độ tiến sĩ; 96% có trình độ trên ĐH.

Đặc biệt, cơ sở vật chất của trường có sự cải thiện đáng kể. Chỉ riêng trong năm 2016, nhà trường đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng cho việc tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của đội ngũ cán bộ, môi trường học tập của sinh viên.

Còn PGS Nguyễn Đình Luận- hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết, trường thực hiện thí điểm tự chủ từ khi chưa có văn bản chính thức cho phép của Chính phủ, năm 2008, và bị cắt kinh phí chi thường xuyên đã 9 năm.

Tuy nhiên, khi thực hiện tự chủ, nhà trường nhận thấy, tất cả cán bộ giảng viên của trường, cũng như sinh viên năng động hơn, tư duy cũng đổi khác rất nhiều. Rõ ràng nhất là sinh viên đã tư duy không thể mua chất xám với giá rẻ.

Kiến nghị thay đổi những rào cản

Thẳng thắn nhìn nhận, tự chủ tài chính không phải là để tăng học phí, nhưng việc tăng học phí bắt buộc phải thực hiện, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, trước đó, mức học phí đang áp dụng vừa thấp, vừa cào bằng.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội công khai lộ trình tăng học phí với cam kết về chất lượng đầu ra khiến người học phần nào yên tâm hơn.

Đồng tình với quan điểm này, bà Mai Hồng Quỳ- hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM cũng cho rằng, trong đề án tự chủ cho phép được tăng học phí nhưng các trường cũng không dám tăng đến mức tối đa.

Vì hiện nay, cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Các cơ sở giáo dục khác cùng đào tạo các ngành như các trường tự chủ nhưng mức học phí của họ lại thấp hơn.

Đây cũng chính là băn khoăn của các trường được chọn thực hiện thí điểm tự chủ ĐH khi phải tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên nhưng không được hưởng quyền lợi, cơ chế khác biệt nào so với cac trường ĐH công lập khác. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng giữa các trường tự chủ và các trường chưa (hoặc 1 phần) tự chủ tài chính.

Vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm tự chủ còn thể hiện ở việc thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành liên quan; một số văn bản luật và dưới luật của các bộ, ngành liên quan chưa tương thích tinh thần của nghị quyết, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các nội dung thí điểm.

“Vấn đề cần giải quyết đối với tự chủ ĐH hiện nay là mối quan hệ về hiệu lực pháp lý giữa các văn bản giáo dục với hệ thống văn bản khác về pháp luật liên quan đến giáo dục”- bà Quỳ nêu quan điểm.

Vấn đề Hội đồng trường phải được trao quyền thực chất vẫn là kiến nghị lâu nay từ phía các trường cũng như các chuyên gia giáo dục. Bởi đa số các hội đồng trường có vai trò giám sát rất mờ nhạt, hoạt động còn mang tính hình thức, thiếu thẩm quyền cụ thể. “Hội đồng trường phải đưa ra được chủ trương, chiến lược phát triển của trường”- PGS Nguyễn Đình Luận kiến nghị.

Chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014-2017 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định cần phải đổi mới ngay tư duy của các lãnh đạo trường, cụ thể là hiệu trưởng, để hội đồng trường là cơ quan quyền lực nhất của trường. Hội đồng trường phải là cơ quan quyết định 2 vấn đề: một là quyết định tổ chức bộ máy nhân sự của trường, kể cả việc ai là hiệu trưởng, hiệu phó; hai là quyết định về tài chính.

“Có ý kiến lo lắng về sự chồng chéo trong phối hợp giữa Hội đồng trường với Đảng ủy trường khi thực hiện công tác nhân sự, lãnh đạo, chỉ đạo. Thực tế quyết định về nhân sự luôn phải có sự xem xét, cho ý kiến của Đảng ủy khi tiến hành quy trình bổ nhiệm theo quy chế hoạt động của trường”- Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, phải có một cơ chế để lập ra các quỹ học bổng, hay các quy định cần thiết để đảm bảo cơ hội tiếp cận ĐH cho đối tượng chính sách. Cuối cùng, phải đẩy mạnh kiểm định và xếp hạng ĐH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chủ đại học: Tăng học phí nằm trong lộ trình đổi mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO