Tự chủ năng lượng để phát triển bền vững

H.Vũ (thực hiện) 21/03/2022 08:00

Là nước tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, giá nhiên liệu tăng đang đặt Việt Nam vào các thách thức khá lớn. Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, phải làm sao giảm bớt nhập khẩu dầu và chủ động trong vấn đề sản xuất.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân.

Hiệu quả và tự chủ phải song hành

PV: Thưa ông, giá xăng dầu đang tăng chóng mặt, ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh của người dân. Điều này có đáng lo ngại với nền kinh tế Việt Nam khi phần lớn dựa vào xuất nhập khẩu?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Giá xăng dầu trong nước tăng, đáng lý ra vấn đề này phải được xử lý nhanh hơn nữa. Vừa qua, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Việc trình có chậm một nhịp do giá xăng dầu tăng lên rất nhanh, từ khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, đến nay đã được 3 tuần. Nhưng tới đây, chúng ta cần giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu như: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.

Việc tăng giá xăng dầu chỉ mang tính chất nhất thời trong ngắn hạn. Nhưng chúng ta cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo ổn định. Nếu không, giá xăng dầu lên sẽ tạo hiệu ứng “domino” khiến các loại giá cả hàng hóa khác tăng theo. Bởi ngay cả khi giá xăng dầu hạ nhiệt thì giá cả của các loại hàng hóa khác sẽ rất khó kéo giảm. Cho nên cần tăng cường thanh, kiểm tra để tránh tình trạng “té nước theo mưa”.

Hiện, chúng ta vẫn phải nhập xăng dầu. Bởi vậy, theo tôi thời gian điều chỉnh giá xăng dầu có thể rút ngắn xuống nữa. Ví dụ khi các đại lý biết giá xăng dầu sẽ điều chỉnh lên, sẽ tạo sự khan hiếm “giả tạo” như: cây xăng bị hỏng, phải đóng cửa. Còn khi điều chỉnh giảm thì không thấy cây xăng nào đóng cửa nữa. Cho nên, trong trường hợp đặc biệt khi giá dầu đang tăng cao do xung đột Nga - Ukraine thì thời gian điều chỉnh giá xăng dầu phải nhanh hơn, sớm hơn để tránh trường hợp đứt gãy chuỗi cung ứng do lo chi phí tăng.

An ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước quyết định sự phát triển của một quốc gia. Có lẽ đây là lúc chúng ta cần tính đến việc tự chủ về năng lượng, thưa ông?

- Đúng vậy! Vừa qua Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trục trặc, Chính phủ hiện đang tập trung điều chỉnh. Tôi mong Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nỗ lực hơn nữa. Vấn đề là đảm bảo, làm sao cho các nhà máy lọc dầu của ta hoạt động hiệu quả hơn. Tranh thủ tận dụng nguồn dầu thô ở trong nước khai thác được. Giá dầu mà ta khai thác và dầu chế biến có sự khác nhau. Do đó, làm sao giảm bớt nhập khẩu dầu và chủ động trong vấn đề sản xuất. Nếu tự chủ được sẽ không bị động nữa. Hiệu quả và tự chủ phải đan xen và song hành với nhau.

Sớm triển khai các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sự phục hồi của doanh nghiệp

Hướng nội

Vậy, chúng ta cần sự thay đổi về cơ chế chính sách, thưa ông?

- Tôi đã đề cập nhiều lần, cơ chế chính sách của chúng ta cần quan tâm tới thị trường nội địa gần 100 triệu dân. Hiện ta chủ yếu hoạt động gia công, thu hút đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới cần ưu tiên cho kết nối với nguồn nhiên liệu trong nước. Nâng cao chất lượng hàng hóa Việt Nam để thay thế hàng nhập khẩu.

Thị trường gần 100 triệu dân là thị trường lớn. Ngay bản thân các tập đoàn bán lẻ của thế giới đều bị hấp dẫn bởi thị trường Việt Nam. Cho nên chúng ta cần quan tâm đến thị trường nội địa. Lúc đó sẽ giảm bớt độ mở của kinh tế Việt Nam.

Vậy theo ông thế mạnh nào cần phải được phát huy?

- Nông nghiệp vẫn là thế mạnh của Việt Nam. “Cú sốc” giá xăng dầu thế giới tăng làm cho giá lương thực thế giới cũng tăng lên. Bên cạnh bất lợi thì ta có thuận lợi là nước nông nghiệp nên giá lúa, gạo của ta đang xuất khẩu cũng tăng lên. Thế nhưng, hiện ta đầu tư cho ngành nông nghiệp vẫn còn ít, nhất là hạ tầng nông thôn, đầu tư khoa học công nghệ cho nông nghiệp, những chính sách để thu hút các nhà đầu tư trong nước dành nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp nhiều hơn. Cho nên Quốc hội và Chính phủ quyết định dành nguồn lực đầu tư cho hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, khuyến khích nông nghiệp chất lượng cao, “thương phẩm” thay vì “sản phẩm”, nghĩa là những sản phẩm có giá trị, cung cấp cho thị trường nước ngoài.

Trở lại với câu chuyện giá cả đang “leo thang” theo giá xăng. Lúc này bài toán ổn định cuộc sống cho người dân và sản xuất cần được đặt lên trước tiên, thưa ông?

- Tôi cho rằng đây là lúc cần quan tâm, lo cho đời sống người dân. Người dân vừa thoát khỏi đại dịch Covid -19, khó khăn rất lớn. Bây giờ lại thêm giá cả tăng nữa, cho nên phải tính đến gói chính sách để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn. Đối với doanh nghiệp, giá cả tăng thì chi phí đầu vào sẽ tăng lên. Do đó cần nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng mà Quốc hội đã thông qua. Hiện các bộ, ngành chưa có hướng dẫn chi tiết về việc: Cho vay để hỗ trợ 2% lãi suất vay vốn; miễn giảm, gia hạn thuế; hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động. Đây là vấn đề mà Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, vì thế các bộ, ngành cần nhanh chóng triển khai gói này để chia sẻ với người lao động, chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chủ năng lượng để phát triển bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO