Tự chủ toàn diện - khó khăn của các bệnh viện tuyến cuối

Nghĩa Toàn 27/08/2022 07:05

Tự chủ là xu thế tất yếu để các bệnh viện có thể phát triển và mô hình này đã thành công tại rất nhiều các quốc gia phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các bệnh viện nằm trong diện thí điểm thực hiện tự chủ toàn diện đều lần lượt xin dừng thí điểm khiến dư luận băn khoăn về lộ trình và cơ chế cho bệnh viện tự chủ.

Nhiều ý kiến băn khoăn, thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện bệnh viện chưa phù hợp trong thời điểm hiện tại mà cần có lộ trình. Ảnh: Quang Vinh

Bác sĩ, người dân đều được hưởng lợi khi mô hình thành công

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã phải xin dừng tự chủ toàn diện sau 2 năm thí điểm để chuyển sang thực hiện tự chủ theo (nhóm 2) của Nghị định số 60. Theo lý giải, việc tự chủ toàn diện trong 2 năm qua đã khiến bệnh viện hụt hơi và gặp nhiều khó khăn.

Chủ trương tự chủ bệnh viện công là hướng đi tất yếu, diễn ra trong bối cảnh đổi mới quản lý khu vực công. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Chính phủ ở tất cả các nước trên thế giới đều phải đối mặt với vấn đề chất lượng dịch vụ y tế, hiệu quả hoạt động và chi phí ngày càng lớn tại các bệnh viện công, vì vậy, cuộc cải cách bệnh viện công đã lan rộng trên khắp mọi nơi trên thế giới.

Tại Việt Nam, chủ trương tự chủ bệnh viện được thể chế hóa bằng các Nghị định của Chính phủ về đổi mới cơ chế tài chính bắt đầu từ Nghị định 10/2002/NĐ-CP, ban hành ngày 16/1/2002 về việc thực hiện tự chủ tài chính đối với tất cả các đơn vị sự nghiệp có thu, trong đó có các đơn vị sự nghiệp ngành y tế, sau đó được thay thế bằng Nghị định 43/2006/NĐ-CP, ban hành ngày 25/4/2006 về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính trong các đơn vị sự nghiệp nói chung và các đơn vị sự nghiệp y tế nói riêng. Chính sách giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có bệnh viện được xem như một công cụ để nâng cao tính hiệu quả về kỹ thuật, trong việc cung cấp các dịch vụ y tế bằng cách tạo ra các động lực kinh tế mạnh mẽ hơn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và bằng cách củng cố thẩm quyền của các nhà quản lý trong các cơ sở y tế.

Theo BSCKII. Lê Công Tước - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang: “Khi bệnh viện chuyển sang tự chủ tài chính thì người dân sẽ được hưởng lợi, bởi các bệnh viện phải làm mọi biện pháp để làm hài lòng người bệnh. Bệnh nhân sẽ nhận được nhiều dịch vụ tốt hơn, được điều trị từ các bác sĩ có tay nghề cao. Đơn cử như tại nhiều bệnh viện hiện nay, bệnh nhân có thể chủ động chọn bác sĩ để thăm khám, hay nếu như số lượng lớn người bệnh cùng yêu cầu dịch vụ gì thì bệnh viện cũng có thể thay đổi theo yêu cầu của bệnh nhân, nếu được Nhà nước cho phép. Mặt khác, các nhân viên y tế cũng là người được hưởng lợi vì nếu bệnh viện có nhiều bệnh nhân, có nhiều nguồn thu thì lương thưởng và chế độ cho nhân viên y tế cũng được tăng theo, thậm chí nếu thầy thuốc giỏi sẽ có thể có thu nhập rất cao. Đồng thời, do đáp ứng người bệnh nên các thầy thuốc cũng sẽ được bồi dưỡng, nâng cao tay nghề”.

Được biết, từ khi bắt đầu tự chủ vào năm 2017 tới nay, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã có những bước phát triển vượt bậc với nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý đã được triển khai có hiệu quả đồng thời ghi nhận nhiều thành tích nổi bật. Với hệ thống trang thiết bị sản khoa hiện đại, mỗi năm Bệnh viện tiếp nhận trung bình khoảng 15.000 - 20.000 ca sinh thường, khoảng 5.000 - 7.000 ca sinh mổ an toàn và nhiều năm liền không để xảy ra tử vong mẹ. Trong phụ khoa phẫu thuật nội soi dần thay thế cho mổ mở truyền thống…

Khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Chưa có cơ chế thực hiện

Trở lại với câu chuyện xin thôi không tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai, năm 2019, Chính phủ ra Nghị quyết 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ toàn diện trong đó có 4 bệnh viện thuộc nhóm này, bao gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức. Song đến nay mới chỉ có Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai là thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, mới đây cả 2 bệnh viện này đều đã đề xuất xin dừng thí điểm.

Lý do cụ thể vì sao bệnh viện hạng đặc biệt xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện? PGS. TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, trong 2 năm thực hiện tự chủ hoàn toàn, bệnh viện gặp muôn vàn khó khăn.

“Thời điểm thực hiện tự chủ đúng vào lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến cho mọi hoạt động bị đình trệ, chủ yếu tập trung chống dịch, nguồn thu sụt giảm 50%, cụ thể năm 2021 nguồn thu giảm hơn 2.000 tỷ đồng kèm theo nhiều nhân viên nghỉ việc. Thêm vào đó, giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế mà bệnh viện đang thực hiện đã lạc hậu khiến thu không đủ chi. Một vấn đề khác là với sự chồng chéo hiện nay về các quy định pháp lý, để thực hiện tự chủ toàn diện ở bệnh viện là chưa thể” - ông Cơ nói.

Tương tự, GS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, quá trình thí điểm tự chủ toàn diện, đơn vị cũng gặp những khó khăn như giá dịch vụ thanh toán BHYT phải theo khung giá quy định chung, bệnh viện cũng chưa có nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị mới. Đồng thời, giai đoạn bệnh viện thí điểm tự chủ là lúc dịch Covid-19 xảy ra nên nguồn thu giảm khoảng 35-40%. Đây cũng là khó khăn cho bệnh viện khi nguồn thu giảm nhưng nguồn chi không đổi. Ngoài ra, nếu tự chủ hoàn toàn, riêng tiền thuế đất của cả 3 cơ sở, Bệnh viện K phải đóng đến hàng chục tỷ đồng/năm. Đây là một bài toán khó đối với bệnh viện.

“Về lý thuyết, cơ chế tự chủ toàn diện có nhiều ưu điểm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và giảm áp lực chi cho ngân sách. Tuy nhiên nếu áp dụng với thực tiễn của ngành y, cơ chế này chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại mà cần có lộ trình” - ông Quảng cho biết.

Ngoài ra, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết thêm, do dịch Covid-19 tác động mạnh đến nguồn thu của bệnh viện (giảm khoảng 4.000 tỷ trong 2 năm 2020-2021 so với năm 2019) và bệnh viện không được thực hiện quyền tự chủ về giá khám bệnh theo yêu cầu. Bệnh viện chưa đủ cơ sở để tính đúng, tính đủ thực hiện được việc xác định quỹ lương trên doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập. Bên cạnh đó, do nguồn thu giảm nên đã ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, viên chức và người lao động. Bà Đoàn Thu Trà - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai thông tin: Đời sống của cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai trong 2 năm qua khá vất vả, có những người chỉ thu nhập 5 triệu đồng, có những điều dưỡng phải bán hàng online thêm để trang trải cuộc sống, nhiều bác sĩ phải chạy grab buổi tối.

Trước thực trạng nói trên, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước. “Nếu tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo” - ông Cơ nói.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế:

Chỉ thực hiện tự chủ toàn diện khi các điều kiện đã chín muồi

Để thực hiện được tự chủ, thứ nhất phải tự chủ về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thứ hai tự chủ về tổ chức nhân sự, thứ 3 tự chủ về đầu tư mua sắm và quản lý tài sản, thứ 4 tự chủ về tiền lương và giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên trong 4 vấn đề này đều chưa rõ về cơ chế tài chính. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thiếu cơ chế về mặt pháp lý, quá trình thực hiện cũng thiếu sự chỉ đạo.

Đơn cử như về tổ chức nhân sự, bệnh viện thành lập Hội đồng quản lý để ra quyết định cho Ban Giám đốc thực hiện nhưng mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý và Ban Giám đốc bệnh viện, Đảng ủy bệnh viện cũng chưa được phân định rõ ràng. Vì vậy các quyết sách liên quan đến hoạt động bình thường của bệnh viện về nhân sự, đầu tư mua sắm, quản lý tài sản, tiền lương, giá dịch vụ y tế chậm trễ hơn so với các bệnh viện khác. Một dẫn chứng khác về đầu tư mua sắm, quản lý tài sản, do quy định đầu tư mua sắm chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng nên vấn đề đầu tư mua sắm các thuốc, vật tư y tế, các vấn đề tài sản gặp rất nhiều khó khăn ở cả bệnh viện tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K lẫn các bệnh viện khác. Điều này dẫn đến tình trạng toàn tuyến y tế từ trung ương đến cấp xã, phường thiếu thiết bị y tế 73%, thiếu vật tư y tế 75%.

Bên cạnh đó, muốn bệnh viện tự chủ tài chính thì giá dịch vụ y tế phải tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. Nhưng hiện nay Nhà nước chỉ cho phép áp dụng 4/7 yếu tố cấu thành giá. Bên cạnh đó, bệnh viện tự chủ được khám, chữa bệnh theo yêu cầu nhưng giá bệnh viện quyết định theo khung giá do Bộ Y tế ban hành, nhưng Bộ hơn 2 năm nay chưa ban hành.

Tôi cho rằng chúng ta nên dừng thí điểm bệnh viện tự chủ toàn diện. Tuy nhiên, dừng lại không có nghĩa là chấm dứt việc xác lập và xây dựng mô hình bệnh viện tự chủ toàn diện, chỉ thực hiện tự chủ toàn điện khi các điều kiện đã chín muồi trong đó có các thể chế pháp lý đầy đủ như đã nêu phía trên.

GS. TS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội khóa XV:

Còn thiếu các văn bản pháp quy

Hiện nay chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng, các văn bản pháp quy quy định triển khai tự chủ toàn diện liên quan nhiều luật khác như Luật đấu thầu, Luật Giá, Luật Quản lý tài sản công... chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, khi chọn mẫu bệnh viện hạng đặc biệt để thí điểm tự chủ cũng là chưa hợp lý. Vốn dĩ các bệnh viện này đều là đầu ngành, bệnh nhân rất đông, không cần phải làm thương hiệu để thu hút bệnh nhân. Nếu giả sử làm thành công tự chủ toàn diện ở bệnh viện đặc biệt này, làm sao áp dụng thành công cho các bệnh viện tuyến dưới

Đảng và Chính phủ cho phép bệnh viện làm tự chủ toàn diện hay tự chủ một phần nhằm mục đích xuyên suốt là phục vụ tốt hơn cho người bệnh. Chủ trương tự chủ là đúng đắn nhưng nhiều điểm chưa ổn, chưa rõ thì cần phải được xem lại để giải quyết mới tiếp tục cho làm tự chủ.

Đức Trân(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chủ toàn diện - khó khăn của các bệnh viện tuyến cuối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO