Tư duy cũ của một dự thảo nghị định

bắc phong 02/10/2021 06:20

Nghị quyết 19/2018/NQ-CP của Chính phủ chỉ đạo “chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm”. Nghị quyết 68/2020/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ cũng chỉ rõ cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (DN).

Tuy nhiên, nhiều quy định trong Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Dự thảo Nghị định) lại có những điểm không phù hợp với tinh thần cải cách hành chính luôn được Chính phủ đề cao là giảm thủ tục, bớt phiền hà cho DN để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Nghị định không phù hợp thực tế, chồng chéo, lãng phí, dễ phát sinh tiêu cực, trong khi không nhiều hiệu quả về quản lý nhà nước cũng như bảo vệ môi trường.

Trước hết, đó là thủ tục cấp giấy phép môi trường. Trước, chỉ có các dự án (nhóm I) gây ô nhiễm đến môi trường mới phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và xin cấp giấy phép môi trường. Nhưng, nếu theo Dự thảo Nghị định mới thì các dự án và nhà máy nhóm I và cả nhóm II (kể cả đã hoạt động) cũng phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và xin cấp giấy phép môi trường. Tiếp đó, trong Dự thảo Nghị định (gồm 3 mục lớn) nhưng lại chia ra đến 15 mục nhỏ khiến hồ sơ vốn đã phức tạp lại càng thêm phức tạp.

Nói cách khác, DN sẽ phải trải qua 2 lần thẩm định cùng 2 lần kiểm tra thực địa thì may ra mới đáp ứng được đòi hỏi mới (nếu được thực hiện).

Đáng chú ý, quy trình cấp phép theo Dự thảo Nghị định cũng được cho là không hiệu quả để bảo vệ môi trường do chỉ là tiền kiểm, vì rằng việc lấy mẫu kiểm tra các công trình xử lý chất thải khi còn chưa vận hành thử nghiệm thì không thể có kết quả chính xác. Mặt khác, nếu chỉ cấp phép tiền kiểm mà không hậu kiểm thì không thể phát hiện được các vi phạm vì DN đã lọt qua “ải” kiểm định rồi thì rất có thể sẽ không ngán ngại gì khi xả thải thẳng ra môi trường nhằm giảm chi phí, thu lãi lớn hơn. Việc này cũng trái với Nghị quyết 19/2018/NQ-CP của Chính phủ chỉ đạo “chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm”.

Từ lâu, vấn đề DN (mà cũng không chỉ DN) gây ô nhiễm môi trường đã không còn xa lạ, bởi vì từ phía quản lý nhà nước có những lỗ hổng trong các quy định, cũng như có tiêu cực trong lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Từ đó dẫn đến những hậu quả xấu, kéo dài, rất khó khắc phục. Những cơ sở sản xuất lớn thường xây dựng dọc theo hai bên sông, ven biển được cho là để dễ xả thải thẳng xuống nước mà không cần phải bỏ tiền ra xây dựng, vận hành hệ thống xử lý chất thải. Do đó mới có chuyện những con sông nước đen, những dòng sông bị bức tử, kể cả tạo ra những vùng biển chết.

Tuy nhiên, cũng không thể vì thế mà “đẻ” ra những thủ tục hành chính, những quy định gây phiền toái cho DN. Đơn giản hóa thủ tục hành chính (từ phía cơ quan quản lý nhà nước) và cố tình gây ô nhiễm môi trường nhằm tối đa hóa lợi nhuận (từ phía DN) là hai việc khác nhau. Với quản lý nhà nước, cần phải tạo ra môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, thực sự đồng hành cùng DN. Còn với DN phải nghiêm túc thực hiện những quy định của nhà nước, mà cụ thể là không được gây ra ô nhiễm môi trường, DN nào vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm, kể cả đóng cửa sản xuất theo quy định. Mà điều đó chỉ có thể làm được khi khâu hậu kiểm chặt chẽ.

Hai khái niệm này không thể bị nhầm lẫn, vì thế không thể tạo ra quá nhiều “giấy phép con” ở giai đoạn tiền kiểm, ngược lại, phải chặt chẽ hơn, minh bạch ở giai đoạn hậu kiểm.

Từ góc nhìn đó, “soi” vào Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường 2020, có thể thấy đó là lối tư duy cũ không đạt yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính cũng như bảo vệ môi trường bền vững. Mà trước hết, chỉ gây thêm phiền hà cho DN, điều cần hết sức tránh khi Chính phủ đã quyết tâm đồng hành cùng DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư duy cũ của một dự thảo nghị định

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO