Tự ý dùng thuốc kháng sinh: Hậu quả nặng nề

Đức Trân 16/11/2022 08:07

Theo TS Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nước ta là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực châu Á. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.

“Nếu như trước đây, khi nói về tình trạng kháng kháng sinh, mọi người chỉ nghĩ đến những người bệnh nằm viện lâu ngày, tiếp xúc với kháng sinh và vi trùng bệnh viện trong thời gian dài thì hiện nay, nhiều trường hợp ngoài cộng đồng, khi vào bệnh viện xét nghiệm vẫn cho kết quả có vi trùng kháng thuốc rất lớn, khiến việc điều trị gặp khó khăn. Chẳng hạn, nhiều vi khuẩn lao đang kháng tất cả loại thuốc hiện có, đôi khi kết hợp 5-6 loại mới điều trị cầm cự được. Nhiều vi trùng gây bệnh đường tiêu hóa cũng kháng tất cả kháng sinh, kể cả loại thuốc tiêm, gây hội chứng nhiễm trùng nặng, tổn thương đa cơ quan, không đáp ứng thuốc, dẫn đến tử vong. Một số vi trùng gây viêm họng, viêm tai có gene kháng thuốc lớn, không đáp ứng kháng sinh thông thường” - ông Thái cho hay.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Giám đốc Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, tình trạng kháng kháng sinh đang tăng cao một cách đáng báo động theo từng năm. “Nếu như trong nhiều năm trước, tỷ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh từ tuyến dưới chỉ gặp vài ca, nhưng đến nay, nhiều ca chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai khi được cấy vi khuẩn ngay từ lúc vừa mới tiếp nhận đã phát hiện vi khuẩn kháng thuốc. Trong vài năm trở lại đây, Bệnh viện có khoảng 40-60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Nhiều bệnh nhân vào viện vì một bệnh khác nhưng nhiễm trùng tăng lên nhanh, gặp vi trùng kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm trùng chứ không phải do bệnh lý lúc bệnh nhân nhập viện”.

Lý giải về nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh ở mức cao như nước ta, các chuyên gia y tế cho rằng, tần suất tiếp xúc kháng sinh của người Việt khá nhiều do việc sử dụng kháng sinh cho động vật, gia cầm khá nhiều trong chăn nuôi. Khi ăn thịt, trứng, con người vô tình mang lượng kháng sinh vào cơ thể, lâu dài sẽ ảnh hưởng hệ thống vi sinh trong cơ thể, đối mặt với nguy cơ kháng thuốc mà không hề hay biết.

Dù ngành Y tế đang triển khai siết chặt việc kê đơn thuốc tại các hiệu thuốc song qua thực tế tìm hiểu có thể dễ nhận thấy, tại nhiều nhà thuốc, dược sĩ, người bán thuốc luôn sẵn sàng bán thuốc kháng sinh nếu được người mua yêu cầu. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dân khi thấy ốm đau thường đi mua thuốc uống vô tội vạ mà không cần biết điều ấy có thực sự cần thiết hay không. Một thực tế khác, đó là tình trạng không ít người dân thường có thói quen cất đơn thuốc của lần khám trước để lần sau đem dùng, hay chia sẻ đơn cho người khác hoặc dùng không hết thuốc cất thuốc đi cho lần sau.

“Không ở đâu dễ mua thuốc kháng sinh dễ như ở Việt Nam” - đó là nhận định của PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khi nói về thực trạng người dân có thể tùy tiện mua thuốc kháng sinh ở bất cứ hiệu thuốc nào tại nước ta.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi cho rằng: Thói quen tự dùng kháng sinh đang gây nguy hại cho chính người bệnh. Bên cạnh đó, khi gặp vi khuẩn kháng thuốc cũng rất khó khăn cho bác sĩ vì phải lựa chọn kháng sinh phù hợp và nhiều loại kháng sinh dùng rồi kháng thì không dùng được nữa, phải dùng thuốc đắt tiền hơn, chi phí cao hơn, phối hợp nhiều loại thuốc. Cơ hội và tiên lượng cho người bệnh bị ảnh hưởng, nguy cơ tử vong tăng lên so với nhóm bệnh nhân không kháng kháng sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự ý dùng thuốc kháng sinh: Hậu quả nặng nề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO