Từng bước phục hồi, ổn định chuỗi cung ứng

T.Như - M.PHƯƠNG 06/10/2021 07:00

“Để duy trì sản xuất kinh doanh, nếu như giai đoạn trước, việc phòng, chống dịch hướng tới mô hình tập trung với vai trò chủ thể là địa phương thì thời gian tới, cần hướng tới vai trò chủ thể là doanh nghiệp” – đó là chia sẻ của giới chuyên gia kinh tế tại hội nghị “Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 5/10.

Chuỗi sản xuất đứt gãy

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, đại dịch còn làm ảnh hưởng đến hoạt động cung cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu nguồn lao động thu hoạch, chế biến và sản xuất. Đồng thời, làm hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương.

Cũng nêu lên những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ thêm, nếu như năm ngoái, Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao sáng” khi tăng trưởng đến 2,9% trong khi cả thế giới tăng trưởng âm thì năm nay tổng thể đã có sự thay đổi. Quý III/2021, tăng trưởng cả nước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 8,9, các chỉ số đều xấu đi như sản xuất công nghiệp, số doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường. Dịch vụ ảnh hưởng nặng nề. Tiêu dùng, bán lẻ chưa bao giờ rơi vào tình trạng tăng trưởng âm như năm nay. Vận chuyển hành khách, hàng hoá giảm. Hàng chục triệu người mất việc làm… Nguyên nhân là bởi, thời gian qua, Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã trở thành tâm dịch lớn nhất trên thế giới. Trong khi tốc độ tiêm vaccine rất chậm.

Nêu quan điểm của mình, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, khi khó khăn về nguồn cung được giải quyết thì các doanh nghiệp (DN) tiếp tục phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về năng lực vận tải hàng hóa đẩy giá cước logistics tăng cao. Giá cước trung bình của một containers cao gấp 4 lần so với 1 năm trước và cao gấp hơn 5 lần so với 2 năm trước… Những yếu tố này đã tác động mạnh đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Hải cũng nêu lên thực trạng về việc, dịch bệnh bùng phát khiến các địa phương đẩy mạnh áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông. Tuy nhiên, thời gian qua, ở một số địa phương có những biện pháp chống dịch cực đoan, thái quá đã gây ảnh hưởng mạnh đến chuỗi cung ứng.

Theo ông Hải, những quy trình chống dịch chưa đồng bộ thời gian qua đã khiến DN bị đội chi phí, vừa gây áp lực tâm lý rất lớn cho tài xế. Trong khi đây là lực lượng quan trọng trong chuỗi cung ứng.

Từng bước phục hồi

Theo các chuyên gia, để duy trì sản xuất kinh doanh, nếu như giai đoạn trước, việc phòng, chống dịch hướng tới mô hình tập trung với vai trò chủ thể là địa phương thì thời gian tới, cần hướng tới vai trò chủ thể là DN. Bởi DN cần duy trì sản xuất và họ sẽ có ý thức làm sao để đảm bảo an toàn nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. “Các địa phương cần quy trình thông suốt, tránh sự phân mảnh, cắt khúc trong quy trình chống dịch hiện nay, giúp DN chủ động xây dựng phương án phòng tránh, ứng phó với dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định chuỗi cung ứng” – Ông Hải nêu quan điểm.

Theo TS Võ Trí Thành, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ phục thuộc vào những yếu tố chính như: kiểm soát dịch bệnh thế nào, thay đổi chiến lược phòng chống dịch và chính sách tiền tệ ra sao. Còn theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), lưu thông là huyết mạch nên nếu không giải được bài toán về lưu thông thì không thể phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân. Chính vì vậy, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, Bộ Công Thương vừa trực tiếp tham gia các Tổ công tác tiền phương, thực địa tại các vùng dịch, vừa tổ chức nhiều cuộc họp, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, DN. Từ đó, đẩy mạnh kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hỗ trợ nông dân, cung ứng đầy đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống…

Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong giai đoạn phục hồi kinh tế, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại là thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ghi nhận các ý kiến trao đổi, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa về mặt cơ chế trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của Bộ, nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước và xúc tiến xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từng bước phục hồi, ổn định chuỗi cung ứng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO