Tuyển sinh 2016: Cao đẳng khởi sắc

Phương Linh 30/08/2016 13:05

Trong mùa tuyển sinh 2016, một số trường CĐ đã tuyển được nhiều thí sinh hơn năm trước. Về điều này, các trường cho rằng nhận thức của xã hội đã dần thay đổi, học nghề cũng có thể mang đến cho người học nhiều cơ hội phát triển.

Tuyển sinh 2016: Cao đẳng khởi sắc

Các sinh viên trường CĐ nghề Công nghiệp HN tư vấn tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

Hồ sơ nhập học tăng

Ông Đàm Văn Hường- Hiệu trưởng Trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết: Năm 2016, nhà trường tuyển 1.200 chỉ tiêu, trong đợt 1 trường nhận được 1.500 hồ sơ đăng ký dự tuyển, và có 750 thí sinh nhập học. Trong các ngày tuyển bổ sung, mỗi ngày cũng có 30-40 em đến nộp hồ sơ. So với năm ngoái, đợt 1 tuyển sinh có số lượng hồ sơ đăng ký và nhập học đông hơn. Nhà trường hi vọng sẽ tuyển đủ lượng hồ sơ còn lại trong đợt xét tuyển bổ sung.

Ông Hường chia sẻ, hiện tại chỉ tiêu tuyển sinh tổng thể của trường còn thiếu rải rác ở các ngành, tuy nhiên có 2 ngành khó tuyển sinh là ngành Tin học ứng dụng và Thương mại điện tử. Hai ngành này còn phải tuyển để đủ mỗi lớp 40 em.

Nói về lí do khó tuyển những ngành này, ông Hường cho hay: So với các trường khác, ngành Tin học ứng dụng nhà trường đào tạo cho các em kĩ năng sử dụng thực hành các phần mềm ứng dụng tin học, trong quá trình sử dụng sẽ xử lý được các chương trình, phần mềm liên quan bán hàng online. Lĩnh vực Thương mại điện tử, ra trường các em có thể bán hàng online, tự kinh doanh được. Mặc dù khóa trước, các sinh viên ngành này ra trường đều đi làm hết, tuy nhiên trong nhận thức xã hội thì ngành này của nhà trường tuyển vẫn khó khăn. Đặc biệt, ngành này có rất nhiều trường đào tạo, các tỉnh thành phố đều có. Mỗi tỉnh thành phố đều có từ 2 đến 3 trường đào tạo ngành tương tự, nên vấn đề tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, tại Trường CĐ nghề công nghiệp Hà Nội, ông Phạm Đắc Vinh- Hiệu trưởng, cho biết: Việc tuyển sinh năm nay của trường cũng khả quan hơn so với năm 2015. Nhà trường cũng đã tuyển được gần 2.000 thí sinh các hệ. Trong đợt xét tuyển bổ sung, nhà trường tiếp tục tuyển khoảng 700 em nữa, chủ yếu ở các ngành Cơ khí, Điện - điện tử, Điện lạnh, Công nghệ thông tin, Kinh tế.

Để đạt được kết quả như trên, trước mùa tuyển sinh các trường đều có tư vấn cho thí sinh bằng nhiều cách, hướng các em biết được những ngành nghề mà nhu cầu xã hội cần để có thể đăng ký. Bởi hiện nay có những sinh viên đến năm thứ 2 mới thấy việc chọn ngành chưa phù hợp, muốn chuyển sang ngành nghề khác. Bên cạnh đó, các trường CĐ nghề cũng có cam kết với thí sinh về việc làm sau khi ra trường. Chẳng hạn, trong dịp tốt nghiệp vừa qua tại CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, ông Vinh cho biết, trong 500 em tốt nghiệp, tối thiểu đã có 80% em có việc làm, có lớp 100% có việc làm. Còn tại CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội cũng có trên 80% sinh viên ra trường có việc làm…

Nhận thức dần thay đổi

Về bước chuyển biến trong mùa tuyển sinh năm nay, lãnh đạo các trường CĐ nghề nhận định: Có thể do nhiều em thấy việc học ĐH ra vẫn thất nghiệp, mà học nghề lại xin được việc nhiều hơn nên quyết định đăng ký. Nghĩa là nhận thức của người dân đã ít nhiều thay đổi tích cực. Còn để thay đổi nhận thức thật sự phải nhiều năm chứ 1, 2 năm thì chưa thay đổi được hoàn toàn.

“Bây giờ sự lựa chọn của các em cũng sát thực hơn với nhu cầu xã hội. Trong quá trình lựa chọn, đương nhiên những trường có chất lượng đào tạo tốt thì các em sẽ chọn, còn các trường chưa đảm bảo về đào tạo hoặc ngành nghề mới đào tạo thì các em sẽ ít chọn”- ông Hường nêu quan điểm.

Theo ông Hường: Phương thức xét tuyển mới hay cũ đều có khó khăn của nó. Đối với trường CĐ khó khăn chính là do nhận thức xã hội, mặc dù năm 2016 đã có bước thay đổi. Tuy nhiên nhận thức thì cần có sự thay đổi của cả xã hội, cần một khoảng thời gian lâu dài.

Còn về nguồn tuyển cho đợt bổ sung, Bộ GD&ĐT đã công bố số lượng thí sinh qua sàn là bao nhiêu, tốt nghiệp là bao nhiêu nên cũng không quá lo lắng. Thêm vào đó, việc nhiều thí sinh đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp cũng là điểm khởi sắc cho những trường nghề. Tất nhiên, quyền lựa chọn là tùy theo mong muốn của các em, nhưng hiện nay đã có những em dù đỗ ĐH vẫn không học mà xuống học CĐ, hoặc trung cấp.

“Đối với thí sinh lựa chọn CĐ, ĐH hay Trung cấp thì nên tùy thuộc vào sở thích mong muốn của mình không nhất thiết cứ phải học CĐ hay ĐH, miễn là những ngành nghề mình yêu thích và mong muốn gắn bó lâu dài thì nên lựa chọn. Học CĐ hay ĐH cũng có cơ hội phát triển như nhau”- ông Hường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để xã hội có cái nhìn khác hơn về trường nghề, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội trăn trở: Học nghề cũng có cơ hội phát triển như học ĐH, để làm được điều đó phải có những giải pháp về tuyên truyền, cơ chế chính sách. Người học nghề cũng phải được tôn trọng. Không phải cái gì cũng cổ súy cho ĐH. ĐH tốn bao nhiêu giấy mực nhưng học nghề thì không. Trong khi xã hội cần, doanh nghiệp cần. Chính sách nhà nước cũng không ưu tiên nhiều, học nghề khó mà làm lãnh đạo, làm nhà quản lý được. Trong khi đó xã hội Nhật Bản họ tôn trọng kinh nghiệm kĩ năng, giám đốc một tổ chức, trung tâm có thể không cần học ĐH. Các cơ quan thông tin đại chúng cũng nên hỗ trợ hơn cho sinh viên học nghề, có chương trình dành cho học nghề…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh 2016: Cao đẳng khởi sắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO