Văn chương trẻ đang ở đâu?

Diên Khánh 15/06/2022 11:11

Sau một năm phải trì hoãn do đại dịch Covid-19, ngày 18 và 19/6/2022, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng. Những người viết văn trẻ đang được quan tâm và đang được kỳ vọng tạo nên diện mạo mới cho văn chương nước nhà. Dễ dàng nhận thấy, nắm giữ vị trí chủ lực của văn học trẻ hiện nay là những tác giả thuộc thế hệ 8X và 9X.

Các nhà văn trẻ tham gia Hội nghị Viết văn trẻ năm 2019 tại Hà Nội.

Người trẻ dấn thân để khẳng định mình

Lực lượng người viết trẻ bao giờ cũng tiêu biểu cho sức sống, sáng tạo và mỗi giai đoạn đều có những đóng góp riêng. Những năm gần đây, theo dõi văn học trẻ, có thể nhận thấy họ đã kế thừa được một số phẩm chất tốt đẹp của cha anh đi trước, viết ra nhiều tác phẩm có dấu ấn sáng tạo và đoạt nhiều giải thưởng văn chương ở các lĩnh vực.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ: “Nếu tác giả trẻ theo quy ước của Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra là dưới 35 tuổi, tôi e sẽ không kể hết các cây bút triển vọng. Đặc trưng của nhà văn trẻ thời nay, tôi cho rằng, họ có những nền tảng, nhiều yếu tố để có thể đi xa hơn các bậc tiền bối nếu dấn thân đến cùng với văn chương”.

Nhà thơ Lữ Mai (Hà Nội) - một cây viết thế hệ 8X, chia sẻ: “Hiện nay, không ít tác giả trẻ còn xuất sắc, vượt khỏi phạm vi trong nước để vươn ra thế giới với tài năng, bản sắc Việt như tác giả Nguyễn Bình với bản dịch tiếng Anh "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du được trao giải thưởng Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Mang khát vọng vươn lên tầm cao mới, mang sự tự tin của thế hệ công dân toàn cầu và vẫn có ý thức kế thừa truyền thống... đó là những tín hiệu khiến bạn đọc tin tưởng vào những nỗ lực của người viết trẻ”.

Sinh năm 1995 ở huyện Krôngnô, tỉnh Đăk Lăk, tác giả Lê Ngọc Dũng (bút danh Nguyên Như) có nhiều sự dấn thân cho con đường văn chương và đã sớm có nhiều trải nghiệm trước cuộc sống. Dũng thích đọc sách và nhờ tình yêu sách, anh đã tập làm thơ. Tác phẩm của Dũng lác đác xuất hiện trên báo chí, truyền thông, và thường xuyên hơn ở mạng xã hội Facebook… Ngọc Dũng được một số nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp khen thơ mình và dành cho nhiều góp ý chân thành. Lúc này Dũng cảm thấy thơ văn rất quan trọng đối với bản thân.

“Năm 2020, tôi mạnh dạn thi vào ngành Viết văn – Khoa Viết văn & Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du), không ngờ lại đỗ. Trong thời gian học tập ở đây tôi càng yêu văn chương hơn, khi được tiếp xúc với các thầy cô và các bạn sinh viên cùng chung chí hướng. Được khoa tạo điều kiện tham gia các sự kiện, các hội nghị, tọa đàm… Mà ở đó có nhiều nhà văn, những cây viết tên tuổi tham dự. Từ đó được học hỏi, va chạm và được truyền nhiều cảm hứng sáng tạo hơn từ những bản thể văn học khác”, Lê Ngọc Dũng chia sẻ.

Cuộc thi Văn học tuổi 20 đã phát hiện nhiều tác giả trẻ.

Những lúc rảnh, Dũng thường luồn sâu vào các ngõ ngách, đến những vùng quê lân cận phía bắc để tìm hiểu, thu lượm vốn sống để sáng tác. “Tôi nghĩ, cuộc đời tôi sẽ gắn bó với thơ ca như một định mệnh, mặc dù trước đó chẳng có ham muốn gì cả, như trời xui đất khiến tôi phải gánh trên mình cái nghiệp này vậy”, Lê Ngọc Dũng nhấn mạnh.

Đã có thời gian trong giới văn chương trẻ "ngầm" có một cuộc đua về cá tính sáng tạo, dù chưa ai công nhận một cách công khai. Những cuộc đua "ngầm" vào các trào lưu sáng tạo với những đề tài đồng tính, kinh dị... Khi viết, ai cũng hy vọng (hoặc nghĩ rằng) văn của mình chắc chắn rất "hot" và sẽ được bạn đọc đón nhận. Không ít người nghĩ rằng, văn chương của mình sẽ là một cú nổ gây tiếng vang ở một mức độ nào đó. Nhiều người nói mình không có ý đồ gây sốc trong tác phẩm, nhưng thực tế tác phẩm và cả bìa sách của họ đã chứng minh ý đồ của họ rồi. Mỗi người sáng tác trẻ đều muốn chớp lấy một cơ hội nào đó, với sự cộng hưởng của người đọc.

Nhưng rồi, những dòng văn chương đó đều không thể đưa các tác giả đó đi xa. Dù họ dám xông vào những đề tài hóc búa, những nỗi đau nhức nhối của xã hội, có ý thức và trách nhiệm cao, thể hiện cá tính mạnh mẽ của mình trong tác phẩm và cố gắng làm sao cho tác phẩm của mình đặc sắc, khác những tác phẩm khác. Nhưng rất tiếc, nhiều người thể hiện cá tính mạnh mẽ quá, không kiềm chế được trong tác phẩm và lại vội vàng để "ra lò" cho được tác phẩm chất lượng kém. Sau này, các tác giả trẻ đã thận trọng hơn trong lựa chọn đề tài và dường như, họ vẫn “nhìn nhau” để cố gắng, viết, dự thi và nhiều người gặt hái được những thành tựu.

Theo dõi kỹ dòng chảy văn chương trẻ, nhà văn Đỗ Anh Vũ (Hà Nội) tâm sự rằng, ngày càng có những bạn trẻ đam mê văn chương, muốn khẳng định mình và họ đã làm được rất nhiều để tạo nên một dòng chảy văn chương đa dạng.

“Chừng nào văn chương còn được coi trọng trong đời sống của con người, thì thơ ca, theo đó, tất sẽ có vị trí xứng đáng trong lòng những người yêu văn học. So với ngôn ngữ của văn xuôi, thơ ca đối với tôi luôn là mật ong của ngôn ngữ, nghĩa là thứ ngôn ngữ cô đọng nhất, đẹp đẽ nhất, trau chuốt và cũng kỳ lạ, huyền ảo nhất. Ngay cả khi phải dùng những chữ thô tháp, phải viết về cái xấu, thì thơ ca luôn hướng tới việc làm đẹp cho tâm hồn con người. Có thơ ca, chúng ta sẽ có được sự xúc động run rẩy và thánh thiện trong tâm hồn, khi ngôn ngữ và hình tượng của mỗi tác phẩm bắt nguồn từ sự chân thành, từ lòng trắc ẩn, thực sự chinh phục trái tim ta”, Đỗ Anh Vũ bộc bạch.

Vì sao chúng ta viết?

Hội nghị Viết văn trẻ lần thứ 10 đặt ra là khẩu hiệu (slogan) và cũng là định hướng thảo luận rất cô đọng: “Vì sao chúng ta viết?”. Đây cũng là điều mà chính bản thân các tác giả trẻ đang tự đặt câu hỏi với mình. Có người viết như là đam mê, có người viết vì muốn được vui chơi, lại có người đang làm một công việc rất tốt, một ngày kia rẽ ngang sang viết văn. Bởi thế ở ngoài thực tế, có người theo “nghiệp văn” cả cuộc đời, lại có người chỉ đi một thời gian rồi buông bút không viết nữa. Tuy nhiên, lúc nào thế hệ đi trước cũng kỳ vọng, chờ đợi thế hệ cầm bút trẻ gánh vác sứ mệnh mới của văn chương.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: “Những người viết trẻ cần thấu hiểu, một nhà văn chân chính phải viết vì những vẻ đẹp đời sống và văn hóa, phải viết vì lợi ích dân tộc, phải viết vì lương tâm của con người trước cái ác. Nếu không trả lời được câu hỏi đó thì nhà văn sẽ không mang lại điều gì cho con người và đất nước trong những trang viết của mình”.

Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 có khoảng 120 cây bút trẻ, tuổi từ 35 trở xuống (trừ một vài trường hợp đặc biệt) và 10 hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam còn trong độ tuổi đó là đại biểu chính thức. Họ đến từ gần như đầy đủ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó đại biểu đông nhất của Hà Nội và TPHCM. Họ làm những ngành nghề khác nhau: kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, giáo viên, doanh nhân, công an, bộ đội, công nhân, nông dân, viên chức, công chức... và cả những người hành nghề tự do. Trong số họ, khá nhiều người sở hữu một hoặc nhiều giải thưởng văn chương khác nhau.

Còn rất trẻ, tác giả Trương Công Tưởng (Bình Định) đã in 2 tập thơ. Anh cũng dành nhiều thời gian để tìm hiểu các phong cách thơ ca để từ đó đúc rút cho mình kinh nghiệm, tìm kiếm một lối đi riêng. Trương Công Tưởng chia sẻ: “Viết lách là một quá trình âm thầm trong im lặng, nó chỉ cất tiếng nói khi nó đã thành hình, sẽ lan tỏa khi có dư luận và ở lại trong lòng bạn đọc khi nó có giá trị. Viết là một quá trình tự thân. Song nó cũng cần sự đồng hành của bạn đọc và bạn viết. Theo tôi nghĩ, để đồng hành cùng người viết, những bạn đọc cần chia sẻ cảm nhận, quan điểm của mình về tác phẩm một cách thiện chí nhất như là cách trân trọng và cảm ơn tác giả, độc giả cũng cần nói lên nhu cầu và đòi hỏi của mình đối với thơ ca, với tác giả vì suy cho cùng thơ ca luôn hướng tới độc giả, hướng tới con người, khơi gợi lên những điều nhân văn đẹp đẽ trong thẳm sâu tâm hồn. Sự chia sẻ của mỗi độc giả thông qua nhiều kênh khác nhau, mà nhanh chóng và dễ tiếp cận nhất là mạng xã hội, cũng là cách lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng”.

Cần những cuộc bứt phá

Chúng ta cũng cần phải nhìn thẳng vào sự thật, văn chương trẻ vẫn còn thiếu nhiều thứ. Trước tiên đó là thiếu chuyên nghiệp, đa số các tác giả trẻ đều sáng tác nghiệp dư, chưa nhiều tác giả nào coi sáng tác như một nghề. Phần đa họ viết trong lúc nhàn rỗi. Họ viết văn nhưng đang sống với một nghề khác. Mặt khác bệ phóng và nhu cầu sử dụng tác phẩm của các nhà văn trẻ hiện này vẫn còn hạn chế, điều ấy khiến cho các cây bút trẻ nản chí, rẽ sang một hướng khác, chỉ xem văn chương như một cuộc dạo chơi.

Hạn chế lớn nhất của các cây bút trẻ là vốn sống còn mỏng và dường như họ quá quan tâm đến cái tôi cá nhân. Quan tâm đến cái tôi là đúng, nhưng việc quanh quẩn với vài ba cảm xúc bất chợt hay vài dòng suy tư mang vẻ triết lý sẽ làm cho người viết trẻ thiếu chiều sâu. Điều quan trọng trong nghệ thuật là sự trải nghiệm, chiêm nghiệm.

Tư tưởng nghệ thuật của nhà văn được hình thành chính trong quá trình chiêm nghiệm sâu sắc về nhân sinh. Lê Quý Đôn đã từng nói: "Nếu trong đầu không có ba vạn cuốn sách, bước chân không đi nhiều chặng đường… thì không có gì để kể cho người khác nghe". Vậy trước khi muốn trở thành nhà văn thì phải sống đã, sống một cách thiết thực nhất. Trên thực tế, khi nhìn vào các bậc nhà văn đàn anh đi trước, chúng ta biết được họ đã sống và viết như thế nào.

Nhà văn Văn Thành Lê (TP HCM) tâm sự, khi có vốn sống, cộng với năng lực tưởng tượng tốt sẽ quyết định người viết đó ở tầm nào. Còn nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm, cho rằng, các nhà văn trẻ hiện nay đang nỗ lực hết mình với chính câu chuyện của họ. Đó là cuộc sống, tuổi trẻ, tình yêu, nghề nghiệp - mưu sinh, những suy tư về quá khứ - lịch sử, những âu lo về hiện tại - tương lai, những hình dung mang đậm màu sắc của thời đại toàn cầu... Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng trong các sáng tác của nhà văn trẻ hiện nay, những đề tài truyền thống như: Lịch sử, chiến tranh, văn hóa phong tục... vẫn chưa thực sự có được những thành tựu đáng kể”.

Đồng quan điểm ấy, nhà thơ Đặng Thiên Sơn (Hà Nội) chia sẻ: “Giá như có nhiều giải thưởng hơn cho văn trẻ, các nhà xuất bản, các công ty sách mặn mà hơn với tác phẩm của họ, để họ có thể sống được bằng nghề viết thì chắc chắn là sẽ có những tác phẩm hay. Giữa các nhà văn, nhất là các tác giả trẻ vẫn chưa thực sự gắn kết với nhau, tạo nên một cộng đồng sáng tác, điều này khiến cho mạnh ai nấy làm, nhiều tác giả trẻ sau khi tác phẩm ra đời họ thấy lạc lõng, không có những sẻ chia, khiến họ nản chí. Phê bình và sự động viên của các nhà văn đi trước với đội ngũ sáng tác trẻ là hết sức cần thiết”.

Lực lượng viết văn trẻ cần nỗ lực, cố gắng hơn, tạo sự bứt phá. Như năm nay, Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 vừa mới trao vẫn không có giải nhất, đó cũng là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đọc một số tác phẩm của nhà văn trẻ thấy tràn ngập sự mới mẻ, trên các phương diện nội dung, hình thức, giọng điệu... Nhưng vấn đề của văn trẻ hiện nay là phong cách của các cây bút có nét giống nhau, lẫn vào nhau mà ít có những gương mặt nổi trội. Mong rằng, với những gương mặt dự hội nghị lần này sẽ tìm kiếm được những cơ hội, ý tưởng để sáng tạo, bứt phá.

Tác giả Lê Quang Trạng: Công nghệ thông tin vừa là cơ hội vừa là thách thức

Tôi nghĩ Hội nghị Viết văn trẻ lần này sẽ là một dịp tốt để các cây bút trẻ gặp gỡ, giao lưu với nhau; có một góc nhìn mới về bình diện văn học trẻ nước nhà hiện nay. Tôi hy vọng rằng hội nghị không chỉ là một cuộc “điểm danh” mà còn sẽ tạo ra nhiều cảm hứng, động lực để các cây bút trẻ sau khi dự hội nghị về có cái nhìn mới, và những sáng tác mới, dồi dào, chất lượng.

Sự phát triển của công nghệ thông tin vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với người viết trẻ. Tôi hy vọng các cây bút trẻ sẽ nắm bắt được các cơ hội để phát huy được tối đa nội lực của mình. Bên cạnh đó, tôi kỳ vọng rằng văn học trẻ Việt Nam đương đại sẽ có nhiều cơ hội, được giúp đỡ để hội nhập quốc tế, quảng bá tác phẩm văn học trẻ ra thế giới cũng như những cuộc giao lưu, học hỏi với văn học trẻ quốc tế bằng nhiều hình thức mới.

Tác giả Mộc Anh: Viết trước tiên là nhu cầu tự thân

Viết trước tiên là nhu cầu tự thân và không phải người viết nào cũng dễ hòa nhập vào những sự kiện, những hội thảo, gặp mặt, cũng không phải ai cũng nhất thiết có nhu cầu trong việc giới thiệu, đăng tải tác phẩm của mình tới đông đảo công chúng, bạn đọc. Quan trọng là mỗi chúng ta vẫn viết và vẫn khao khát viết; Vẫn bị những ý tưởng “giày vò”. Một lúc nào đó, những tác phẩm hay sẽ tự hiện diện bền lâu trong đời sống, trong trí nhớ của bạn viết cùng thời.

Nên tổ chức những trại viết cho các tác giả trẻ hoặc có những đơn đặt hàng theo sở trường mà tác giả đã khẳng định qua các giải thưởng, các tác phẩm đã xuất bản. Ngoài ra có khơi gợi khả năng của các tác giả qua các thử thách viết đề cương ý tưởng để tiến đến việc đặt hàng tác phẩm, hỗ trợ xuất bản. Những cuộc thi sáng tác giới hạn độ tuổi cũng là cách hay để khảo sát con số, khả năng của lực lượng người viết trẻ. Hy vọng Hội nghị Viết văn trẻ lần này sẽ khơi lên được, giải đáp được những vấn đề mà người viết trẻ đang băn khoăn, suy nghĩ. Và nếu như bằng những phương thức, những hứa hẹn kích thích được khả năng sáng tác của họ thì nhiều năm sau nữa, người ta vẫn nhắc tới hội nghị như một dấu mốc đáng nhớ.

Tác giả Trần Duy Thành: Làn sóng văn học trẻ vẫn không ngừng cuộn trào sáng tạo

Văn chương trẻ vẫn luôn hòa mình vào dòng chảy văn học Việt Nam, với những minh chứng sống động trên bảng xếp hạng sách văn học Việt Nam bán chạy, bạn đọc sẽ nhận thấy sự góp mặt hàng loạt các tác giả thuộc thế hệ 8X, 9X, thậm chí là Gen Z. Họ thường có xuất thân từ các trang mạng xã hội, sở hữu hàng chục, hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu lượt theo dõi, ủng hộ các sáng tác của họ. Có lẽ, khi người trẻ viết cho người trẻ, với phong cách, nhiệt độ ngôn từ dễ mang đến sự đồng điệu, thấu hiểu. Vì vậy, chính những người trẻ đã cùng nhau mang đến dòng chảy văn hóa đời sống có sức ảnh hưởng, lan truyền cảm hứng sống, thông điệp thông qua văn học. Khi tìm đến với văn chương, văn chương sẽ cho phép mỗi người cảm nhận được tính đời sống của nó giữa con người. Và văn chương trẻ vẫn luôn phát triển và giữ được nét sống động, mơn mởn như chính nó.

Bên cạnh đó, độc giả cũng dễ dàng nhận thấy, từ hình thức đến nội dung được thể hiện trong các tác phẩm văn học trẻ ngày một có những nét chấm phá sáng tạo từ sự học hỏi, tiếp thu, đổi mới nên mỗi tác phẩm đã có cách để gây sức hút, ấn tượng với độc giả. Như thế, làn sóng văn học trẻ vẫn không ngừng cuộn trào sáng tạo, làm mới để hòa vào dòng chảy văn học Việt Nam.

Tác giả Mai Diệp Văn: Tôi nghĩ văn trẻ đang nằm trong mùa thu

Hiện nay, lực lượng viết văn trẻ đang đóng góp một phần lớn trong đội ngũ những người viết của cả nước. Nhiều tác phẩm của nhiều tác giả trẻ ở nhiều thể loại đã gây được chú ý, nhiều cây viết trẻ được phát hiện qua những cuộc thi. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn đang loay hoay đi tìm tòi những cái mới để thử nghiệm do đó chính bản thân họ còn chưa hình dung ra họ thì khó có thể biết họ đang ở đâu, đi đến đâu.

Tôi xin ví dòng chảy văn chương nước nhà như một người mẹ, văn trẻ là những người con. Mẹ tốt sẽ chăm sóc được những đứa con được tốt, mang lại được những giá trị tốt cho con. Ngược lại những người con tốt sẽ mang lại niềm hãnh diện cho người mẹ. Đó là sự tương tác lẫn nhau. Còn nếu coi dòng chảy văn chương nước nhà là bốn mùa trong năm thì tôi nghĩ văn trẻ đang nằm trong mùa thu. Tức là vẫn còn chưa thật sự nhiều những cây bút vững chãi, bền bỉ, dám dấn thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn chương trẻ đang ở đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO