Vẫn 'cửa đóng then cài'?

Tinh Anh 04/03/2022 15:07

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để góp ý kiến về dự thảo phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị nhiều quy định chặt như người có nguy cơ cao hạn chế đi du lịch, du khách không ra khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ... khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành vô cùng bối rối.

Vậy là những hy vọng về sự thông thoáng trong các phương án đón du khách mà Bộ VHTTDL đang xây dựng không được Bộ Y tế đồng thuận. Chẳng hạn như việc cho phép khách quốc tế sau khi nhập cảnh được tham quan du lịch ngay như khách nội không được ngành y tế đồng ý, với lý do như vậy không đảm bảo an toàn phòng dịch.

Để đảm bảo “an toàn tuyệt đối” cho du khách và cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị Bộ VHTTDL cân nhắc bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, việc mở lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới cần phải căn cứ trên kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 tại mỗi địa phương, cũng như khu vực dự kiến cung cấp dịch vụ lưu trú, tham quan, vui chơi, giải trí cho khách.

Bộ Y tế cũng yêu cầu trong phương án đón khách du lịch cần có quy định cụ thể, làm rõ trách nhiệm của địa phương cũng như cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú... trong việc giám sát, quản lý, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Người từ 65 tuổi trở lên, có bệnh lý nền, phụ nữ có thai hạn chế đi du lịch cho đến khi có thông báo mới...

Ngoài yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm đủ mũi vaccine phòng Covid-19 đối với du khách quốc tế, Bộ Y tế còn muốn trong vòng 24 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, du khách không được rời khỏi nơi lưu trú, đồng thời thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong các ngày thứ 2, 3 nếu du khách muốn rời nơi lưu trú phải làm xét nghiệm hàng ngày.

Với một loạt “góp ý” của Bộ Y tế thì ngành du lịch hầu như không nhìn thấy tương lai sáng sủa trong việc mở cửa hoạt động. Từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành... đều cảm thấy lo lắng trước sự cẩn trọng của Bộ Y tế.

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch hay các công ty lữ hành có lý do để cảm thấy lo lắng. Bởi lẽ, với điều kiện du lịch bình thường như khi chưa có dịch còn khó thu hút khách, nữa là nay lại đề ra hàng loạt yêu cầu gây khó, thậm chí phiền toái cho du khách. Liệu có ai chấp nhận đi du lịch rồi “ngồi yên” trong khách sạn không?

Nếu phải bỏ ra “cả mớ tiền” chỉ để ăn rồi ngủ tại nơi lưu trú, thì có lẽ du khách sẽ chọn những điểm đến khác ngoài Việt Nam. Hơn nữa, đâu phải khách du lịch nào cũng có điều kiện lưu trú dài ngày để có thể chờ qua thời gian “cách ly” theo quy định?

Tất nhiên, Việt Nam có những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi trội, đặc sắc, lại là điểm đến du lịch an toàn trong khu vực cũng như trên thế giới, khiến du khách thích thú muốn tìm tới tham quan. Song, điều đó cũng không thể khiến khách quốc tế “hạ quyết tâm” tới du lịch tại đất nước ta, nếu như họ bị làm khó bởi một “rừng” thủ tục.

Vẫn biết Bộ Y tế có lý do khi đưa ra những yêu cầu phòng dịch nghiêm ngặt đó. Song, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 thì không thể quá cầu toàn như khi còn thực hiện chính sách “zero F0”. Nếu thực hiện đúng những yêu cầu của Bộ Y tế kiến nghị, có khác gì việc vẫn “cửa đóng, then cài” trong ngành du lịch?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn 'cửa đóng then cài'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO