Văn của người viết không chuyên

Nguyễn Lân Dũng 17/02/2017 15:10

Các nhà văn không chuyên thì nhiều vô kể. Hầu hết thật tình viết rất chân thực nhưng không mấy hay khi đọc được trên các trang blog, các trang báo và một ít tiểu thuyết được xuất bản với số lượng thấp. Nhưng thi thoảng gặp được một tác giả không chuyên viết thật hay.

Huyền Chip.

Tôi muốn giới thiệu ở đây một tác giả trẻ, thế hệ 9x và khá quen biết. Đó là Nguyễn Thị Khánh Huyền với bút danh Huyền Chíp. Cách đây vài năm Huyền Chíp là một sự kiện với bộ sách “Xách ba lô lên và đi”. Người khen không ít và người ném đá cũng khá nhiều. Huyền Chíp cũng mất tinh thần và không cho ra tiếp tập ba, kể về chuyến du ngoạn châu Mỹ Latinh. Kể về giai đoạn này Huyền Chíp tâm sự: “Tôi cho rằng, mọi việc trở nên ồn ào bởi tôi là trường hợp điển hình để những quan niệm sống mâu thuẫn va chạm nhau. Bài học lớn nhất tôi nhận ra chính là đôi khi không có người đúng, người sai mà là cách nhìn cuộc sống, niềm tin của mỗi người khác nhau.

Bài học tiếp theo là dù có chuyện gì cũng nên nhìn bức tranh theo toàn cảnh, không nên để những mảng tối sáng lấn át mình”. Sự ồn ào xảy ra vì nhiều người không tin cô gái bỏ mức lương cao đang làm ở nước ngoài, không thi đại học, vậy mà đơn thương độc mã đi khắp ba châu lục, vừa đi vừa kiếm sống và vừa ghi chép một cách thực sinh động. Tôi được Chíp thân thiết vì là người từng bị ném đá lây vì cháu. Lần họp báo tại Hà Nội tôi nói Chíp đưa cuốn hộ chiếu cho tôi và mời các nhà báo đến gần. Tôi lần lượt mở từng trang hộ chiếu để các nhà báo thấy kín hết các dấu visa của các nước mà Chíp từng đi qua. Vậy mà họ vẫn ném đá tôi bằng những câu hỏi thật vớ vẩn. Thôi chuyện ấy đã qua lâu rồi.

Tôi miễn kể lại niềm thích thú của tôi khi đọc từng trang hai cuốn sách không phải là tiểu thuyết mà tôi vẫn coi như tiểu thuyết này. Chỉ xin dẫn ra một thông tin thật đáng mừng đã được công bố: “Về tác phẩm văn học, bộ “Xách ba lô lên và đi” nằm trong top 10 tựa sách văn học được bạn đọc yêu thích nhất.

Việc đánh giá vì sao bộ tác phẩm này được bạn đọc yêu thích tôi nghĩ không cần diễn giải gì thêm vì sách đã được tái bản nhiều lần và đông đảo bạn đọc đã từng hứng thú.

Thật bất ngờ khi Chíp nhận được học bổng toàn phần của vài trường đại học ở Mỹ, trong đó có một trường quá danh tiếng- Đại học Stanford…

Chíp đâu có được ưu ái gì đâu ngoài nỗ lực của bản thân. Chíp kể rằng: “Tôi được nhận vào trường sau 3 tháng. Lúc đó là tháng 10, tôi chỉ còn gần 3 tháng để thi chuẩn hoá xét vào đại học SAT, viết luận… Tôi nghĩ mình không có đủ thời gian cho năm học kế tiếp nhưng vẫn thử và đã thành công…”. Khi đó, Chíp đắn đo vì Lý và Hóa đã bỏ khá lâu, sợ không thi được. Chíp quyết định chọn thi tiếng Tây Ban Nha. Toán nâng cao và tiếng Tây Ban Nha cô đạt 800 điểm. Với số điểm đó, 90% khả năng Chíp được vào trường top của Mỹ. Và may mắn thực sự đến với cô khi Stanford chấp nhận hồ sơ của cô gái 9x này. Cụ thể, Huyền đạt 2.290 điểm tại kỳ thi SAT1; 800 điểm tại kỳ thi SAT II (môn Toán, trình độ 2, bằng tiếng Tây Ban Nha). Điểm tối đa của SAT 1 là 2.400 (!).

Ba năm trôi qua thật nhanh, Huyền Chíp về nước với một thành tích quá sức tưởng tượng của tôi. Em nhảy cóc qua nhiều chứng chỉ cùng một lúc và đã kết thúc Đại học để bắt đầu vào năm thứ nhất chương trình thạc sĩ. Em còn nói với tôi em chắc sẽ làm nốt tiến sĩ tại trường này (!). Em tâm sự: “ Bác ơi, chuyện gì cháu cũng làm được nhưng sao muốn lấy một tấm chồng Việt Nam mà có vẻ khó thế?”…

Một chuyện phi thường là trong khi một mình nơi đất khách quê người, học hành quá căng thẳng như vậy mà Chíp vẫn tham gia mọi hoạt động, vẫn đi du lịch sang Mexico, Cuba… và thật lạ là vẫn tiếp tục viết. Cuốn sách “Giấc mơ Mỹ - đường đến Stanford ” mà Chíp để in tới 20.000 bản lần này ở Việt Nam Chíp hoàn thành từ cách đây hơn hai năm nhưng gần đây mới có thời gian để hoàn thiện bản thảo.

Kể về các bạn học của mình Chíp viết: “Ở Stanford tôi đi học và đi làm cùng những người xuất sắc nhất thế giới. Việc tôi đi nhờ xe dọc châu Phi có nghĩa lý gì khi so với cậu bạn tôi nghiên cứu tìm cách ghép hàng trăm ngàn bệnh nhân ung thư với phương pháp trị liệu hiệu quả nhất. Cậu hàng xóm phấn đấu cho mục tiêu đưa người lên Sao Hoả. Ari- anh chàng trở thành đại kiện tướng cờ vua khi mới mười ba tuổi, quyết định từ bỏ thế giới đen trắng quay trở lại trường học để có thể có một cuộc sống bình thường như ai đó. Anh chàng học cùng lớp Toán với tôi đã tìm ra cách cắt giảm chi phí lắp đặt và tiêu thụ năng lượng mặt trời và lọt vào danh sách 30 Under 30 của Forbes…” Còn nhiều nữa những người bạn mà Chíp rất khâm phục nhưng lại rất hiền từ và thân thiện với Chíp. Đánh dấu một giai đoạn hoàn toàn mới Chíp viết: “Tôi không còn hứng lên là bỏ đi sang một châu lục khác nữa. Tôi mở nhật ký viết những dòng đầu tiên trên nước Mỹ: Chíp à, mày may mắn có được cơ hội làm lại từ đầu, đừng phá hỏng nó như lần trước nữa nhé!” . Và Chíp đã lao vào học tập với tất cả nghị lực của mình: “Nghe theo lời Jaime, tôi đăng ký học thêm lớp đó, đẩy tổng số tín chỉ tôi học lên con số hai mươi hai. Đến thời điểm này hầu hết bạn bè đã quen với việc nhồi nhét lịch học của tôi nên chả buồn bình luận. Trừ Dyl- Mày sẽ chết. Tao cam đoan đấy. Tôi phán như thánh: Tất cả chúng ta cuối cùng rồi cũng sẽ chết”. Sống bên cạnh toàn những sinh viên con nhà giàu có Chíp vẫn thản nhiên khi đi mua đồ dùng ở Goodwill nơi bán rẻ những món hàng từ thiện.

Chíp kể chuyện thật tự nhiên: “Lớp khó nhất với tôi là lớp Toán nâng cao- Giải tích hàm nhiều biến số. Tôi biết với rất nhiều người ở Việt Nam, giải tích hàm nhiều biên số không đáng được gọi là Toán nâng cao, nhưng tôi đã rời khỏi ghế nhà trường khá lâu nên kiến thức Toán học cũng rơi rụng gần hết. Thực ra tôi có thể chọn một lớp dễ hơn, nhưng tôi bị ảo tưởng sức mạnh bản thân và không muốn phí thời gian học lớp dễ hơn đó. Trước sau gì tôi cũng sẽ phải học lớp này để đáp ứng yêu cầu của nhà trường về Toán nên tôi nghĩ học luôn... Sau buổi học đầu tiên, giáo sư gửi email kêu tôi lên gặp ông ở văn phòng. Tôi lo cuống cả lên. Bao nhiêu kỷ niệm đau thương về những lần họp phụ huynh hồi cấp ba chợt ùa về”. Nhưng ông thầy đã có cuộc nói chuyện thật nhân ái: “Tôi đã xem hồ sơ của em. Em có chắc em muốn học lớp này không?- Có chứ ạ ! Nếu không muốn học thì sao em lại đăng ký học lớp này.- Ha ha! Tôi chỉ muốn gọi em lên đây để em biết rằng, nếu gặp khó khăn gì với môn học em có thể thoải mái hỏi tôi hay trợ giảng trong lớp”.

Về các câu chuyện trong trường Chíp kể thật sinh động và rất thực. Chẳng hạn như: “- Tao vừa đâm xe đạp vào một ông thầy được giải Nobel mày ạ. Cầu trời ông không nhớ mặt tao”.-“ Cháu hỏi khí không phải, bác có phải là tác giả cuốn The Orphan Master’s Son không?- Ồ, đúng rồi!” Tôi sướng điên lên. Tôi đã đọc sách cảu ông và biết ông được giải Pulitzer. Tôi đã lên danh sách những người tôi muốn gặp ở Stanford và tên ông ở phần đầu danh sách. Ở đây không chỉ giảng viên mới có hồ sơ đáng phục như thế, sinh viên cũng toàn thiên tài ẩn dật”.

Chuyện nhẽ ra cần giấu kín nhất thì Chíp kể ra một cách thoải mái. Cô yêu rồi chia tay với Oliver. “Hồ sơ của anh đầy những thành tích, giải thưởng nọ kia. Anh biết về quá trình xách ba lô lên và đi của tôi. Anh thấy nó thú vị nhưng tôi đoán đó là thú vị kiểu mình vào sở thú thấy hươu cao cổ…Vì hai đứa đều bận rộn, chúng tôi có một thoả thuận là mỗi tuần sẽ dành một buổi tối không nói gì đến chuyện công việc. Tuần hôm đó chúng tôi hẹn gặp nhau lức 9 giờ tối thứ tư. Đến 8 giờ 30 Oliver nhắn tin cho tôi rằng anh vẫn đang ở trong phòng nghiên cứu nên hẹn tôi lại vào thứ sáu. Đến 5 giờ tối thứ sáu anh nhắn tin báo là chắc anh sẽ cố gắng làm nốt công việc cho tuần tới. Tôi bảo anh là đừng lo, cứ tập trung làm việc đi, khi nào làm xong thì báo tôi. Nhắn tin cho anh xong tôi đứng dậy đác cái chân bàn tội nghiệp mấy phát liền”. Rồi Chíp kể đến lần gặp sau đó: Oliver hớn hở ôm hôn tôi như không có chuyện gì xảy ra. – “Hôm nay anh làm việc thật hiệu quả em ạ. Cảm ơn em đã đồng ý cho anh ở lại làm việc nhé.”-“Em rất vui khi nghe điều đó”.-“ Em không giận anh chứ?”.-Không. Anh có cuộc sống của anh, em có cuộc sống của em.”-“Em nói vậy nghĩa là sao?”. –“Anh có nhớ mình nói chuyện rẳng nếu mọi người ở Stanford chia tay nhau chưa hẳn vì đã hết yêu nhau mà đơn giả vì cả hai đều quá bận rộn để có thể dành thời gian cho nhau không? Em nghĩ chúng ta đang là một trong những cặp đôi ấy đấy”, -“Em nói thế nghĩa là…?”. –“Mình chia tay nhé !”

Các bạn thân mến, tôi muốn kể thêm nhiều nữa vì trang nào đọc xong cũng thấy thú vị. Nhưng thôi, để dành cho các bạn tự tìm đọc và tự cảm nhận. Sách đang bán khắp mọi nơi và giá chỉ có 86K thôi mà…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn của người viết không chuyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO