Văn hóa lạ

Dương Thanh Tùng 22/02/2023 06:00

"Đầu xuân cuộc rượu chén trà". Qua Tết Nguyên đán đã lâu nhưng nhiều nơi vẫn ồn ã tiếng hô "một hai ba dô" hối thúc nhau trong cuộc rượu bia. Tiếng dô (vô, vào) đặc trưng âm ngữ của người phương Nam đã trở thành “khẩu tửu” tại nhiều cuộc rượu. "Một hai ba dô!" xa lạ với văn hóa (đặc biệt là văn hóa ẩm thực) và thiếu tương đồng về âm ngữ (Bắc, Trung, Nam). "Một hai ba dô", thúc ép nhau cạn ly, cạn chén, còn là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc.

123 dô lan tràn khắp nơi, xa lạ với văn hóa ẩm thực. Ảnh: Thanh Tùng.

Dù mang âm ngữ đặc trưng phương Nam nhưng tiếng đồng thanh “một hai ba dô” không xuất phát từ các “anh hai” miền Đông hay miền Tây Nam bộ, bởi trong các cuộc “nhậu tàn canh”, bất kể bao nhiêu người cũng chỉ có duy nhất một chiếc ly (cốc, chén theo cách gọi của người miền Bắc). Chiếc ly chuyền quanh mâm nhậu được gọi là “ly xây chừng”. Ly “xây chừng” đến tay ai thì người đó tự rót để uống nên hoàn toàn không có chuyện “một hai ba dô!”.

Đồng thanh “một hai ba dô!” khởi phát đầu tiên ở một đô thị lớn của miền Trung vào đầu những năm 1990 của thế kỷ trước. Giai đoạn này kinh tế còn nhiều khó khăn do vừa xóa bỏ bao cấp nên bia là thứ xa xỉ, các cuộc nhậu chủ yếu bằng rượu gạo (rượu nấu bằng gạo). Trong cuộc uống, các thành viên bầu ra “chủ xị”, bỏ đầu gà vào cái tô để lắc. Mỏ con gà chìa về phía ai, người đó phải uống. Trò lắc đầu gà đầy may rủi sớm hạ màn nhường chỗ cho “một hai ba dô!” cùng nâng ly, uống cạn!. “Một hai ba dô, hai ba dô, hai ba uống!” lan nhanh khắp nơi, “biến thể” ngẫu hứng tùy điều kiện và hoàn cảnh. Thường thì “một hai ba trước”, uống sau nhưng những năm gần đây các cuộc nhậu lại cạn ly trước sau đó mới úp ngửa bàn tay vào nhau, cùng vung lên và đồng thanh hô vang “dô!”.

Miền Bắc hát chèo, miền Trung hát bội (hát bộ, hát tuồng), miền Nam có cải lương. Dù có qua học hành đào tạo thì người miền Bắc cũng không thể ca cải lương hay như người miền Nam và ngược lại. Như đã đề cập, “dô” (vô, vào) là âm ngữ đặc trưng của đất phương Nam vì thế nên tiếng hò hét “dô dô” ở các cuộc tiệc tùng, nhậu nhẹt của người miền Trung hay miền Bắc có gì đó hơi khiên cưỡng do thiếu tương đồng về âm ngữ.

Tiếng hò hét hối thúc nhau cạn ly hay cạn chiếc cốc vại (theo cách gọi của người miền Bắc) chứa đến nửa lít bia, vang lên liên tục ở các cuộc ăn uống. Hình như trong các cuộc rượu bia người ta không có gì để nói, để chuyện trò ngoài việc hối thúc nhau “hai ba dô, hai ba uống!”. Ngay cả những tiệc tùng nhân hội nghị, hội thảo hay đám cưới tổ chức ở nhà hàng lớn, người dự cũng bị cuốn theo tiếng hối thúc “hai ba dô, hai ba uống!” để rồi một số người phải tìm lý do bỏ về sớm vì không thể chuyện trò, giao lưu theo đúng nghĩa.

Thể diện và việc làm chủ bản thân của từng cá nhân trong cuộc nhậu giảm dần sau hàng loạt tiếng “dô, dô” là nguyên nhân của những vụ ẩu đả, án mạng đau lòng, đặc biệt là tai nạn giao thông. Trong số rất nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng, có nguyên nhân từ rượu bia được thống kê hàng tháng, hàng quý ở từng địa phương.

Mỗi quốc gia, dân tộc có cách uống, cách thưởng thức rượu khác nhau, là văn hóa ẩm thực được chắt lọc qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, những cuộc rượu với tiếng đồng thanh “một hai ba dô, hai ba dô, hai ba uống!” liên tục thúc ép nhau say quên đường về tại nhiều tiệc rượu, hoàn toàn xa lạ và lạc lõng trong dòng chảy văn hóa ẩm thực ngàn đời mà cha ông ta để lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa lạ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO