Bảo tồn nhà thờ Bùi Chu: Cách nào khả thi?

Từ Khôi 26/06/2019 06:57

Dù chưa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, nhưng nhà thờ Bùi Chu (Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định) đã nằm trong danh mục kiểm kê di tích. Do đó, việc thực hiện bảo tồn hay phá bỏ xây mới cần có ý kiến của cơ quan quản lý văn hóa. Bảo tồn bằng cách trùng tu từng phần hay hạ giải toàn bộ xây mới và tận dụng một số vật liệu cũ? Những cách làm này cần được tính toán kỹ càng từ góc độ giá trị di sản và chủ thể sử dụng.

Bảo tồn nhà thờ Bùi Chu: Cách nào khả thi?

Nhà thờ Bùi Chu chờ phương án trùng tu.

Đề xuất 2 phương án

Giữa tháng 5/2019, công trình nhà thờ Bùi Chu tạm ngừng hạ giải. Bộ VHTTDL đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn là Viện Bảo tồn di tích phối hợp với cơ quan chuyên môn khác, chủ sở hữu tiến hành nghiên cứu và đề xuất giải pháp thực hiện. Và Viện Bảo tồn di tích đã trình ra 2 phương án xử lý. Thứ nhất, trùng tu cục bộ sẽ giữ nguyên quy mô và cấu trúc công trình, hạ giải từng phần. Có nhiều hạng mục được hạ giải và thay thế.

Ví dụ phần mái ngói sẽ bổ sung thêm ngói mới được làm theo kích cỡ gốc nếu ngói cũ không tận dụng được. Phục hồi lại hệ bờ nóc theo ảnh chụp năm 1950. Hạ giải từng phần những vị trí cần thiết để tu sửa bộ khung gỗ mái vì kèo, thay thế những cấu kiện gỗ hư hỏng hoàn toàn bằng các cấu kiện gỗ mới cùng chủng loại.

Việc thực hiện gia cố, thay lõi các cột tiêu tâm. Giữ nguyên quy mô cấu trúc công trình. Với phương án này, tường bị nứt mất liên kết sẽ được gia cố và phục hồi cả về độ bền lẫn hoa văn. Gia cố móng, tường để cứu gác chuông và tường bị nghiêng. Phục hồi nền cũ, lát lại bằng gạch hoa mới phục chế theo mẫu cũ. Sửa chữa lại toàn bộ trần vôi rơm, trần gỗ, trần vẽ hoa văn theo kỹ thuật truyền thống. Phục chế các thành phần trang trí hoa văn, gờ chỉ đắp vẽ bên ngoài nhà...

Phương án này sẽ có ưu điểm là bảo tồn được nhiều yếu tố nguyên gốc, nhưng thời hạn sử dụng lại ngắn, khó đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chủ thể sử dụng. Nếu phải trùng tu liên tục sẽ gây lãng phí của cải vật chất và thời gian. Đặc biệt, sẽ xử lý sao những phần mộc mà chủ thể của nhà thờ đã chuẩn bị?

Phương án thứ hai là trùng tu triệt để. Tức là hạ giải toàn bộ công trình đến cả phần móng, nền cũ và xây mới. Đặc biệt, trả lại cốt nền ban đầu của công trình với hệ chân đế bao quanh. Mặt bằng nhà thờ mới vẫn lấy theo cấu trúc cũ, quy mô kích thước có thể mở rộng thêm nhưng không quá lớn so với mẫu cũ để không gây cảm giác xa lạ, khác biệt với quy mô ban đầu.

Cũng theo phương án này, sẽ bảo tồn những giá trị cốt lõi và yếu tố gốc quan trọng của các thời kỳ, tái sử dụng chân tảng, hoa văn kim loại đúc. Lưu ý bảo tồn nguyên vẹn khu mộ của các linh mục. Phục chế các đồ thờ sơn thếp. Bảo quản tấm bia Thành Thái và 2 chuông đồng. Với phương án thứ hai, công trình sẽ bền vững và đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của giáo dân. Kinh phí có thể tốn một lúc nhưng tiết kiệm được nhiều về sau và tránh được nhiều rủi ro xảy ra.

Ngoài 2 phương án kể trên, cũng có ý kiến đưa ra là tại sao không cho xây mới một nhà thờ bên cạnh và giữ nguyên nhà thờ cũ để bảo tồn? Điều này xét về thực tế vẫn tồn tại vấn đề là bảo tồn như thế nào đối với nhà thờ Bùi Chu cũ? Nếu để không công trình vẫn tiếp tục xuống cấp và sập đổ. Và vẫn không khai thác được du khách tới chiêm ngưỡng.

Cần củng cố hồ sơ di tích

Trong khi 2 phương án kể trên đang được cân nhắc tính toán thì việc củng cố hồ sơ di tích là hết sức cần thiết. Nhất là việc ghi hình, quay phim và tính toán tỷ mỉ tỷ lệ các hoa văn họa tiết của công trình và đồ vật. Điều này sẽ hữu ích khi tiến hành cho cả hai phương án. Và khi tiến hành trùng tu theo phương án nào cũng cần có sự tham gia của giới chuyên môn.

Một vấn đề cũng cần đặt ra là chủ thể sử dụng nhà thờ Bùi Chu sẽ quyết định như thế nào? Vì xét trên khía cạnh pháp lý, nhà thờ Bùi Chu chỉ mới ở danh mục kiểm kê di tích chứ chưa phải là di tích. Khoản 14 điều 4 Luật Di sản văn hóa sửa đổi cũng chỉ nêu: “Kiểm kê di sản văn hóa là hoạt động nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục di sản văn hóa”.

Vì thế, những công trình đã được kiểm kê tức là bước đầu được công nhận có giá trị lịch sử, văn hóa. Khi trùng tu hay xây mới công trình cần có ý kiến tham gia của cơ quan quản lý văn hóa. Tất nhiên là ý kiến của cơ quan chuyên môn này không mang tính quyết định. Bởi lẽ, chưa phải là di tích thì chưa phải tuân thủ Luật Di sản văn hóa. Còn việc xây dựng mới công trình cần tuân thủ theo Luật Đất đai, Luật Xây dựng…

Và chính vì chưa được xếp hạng di tích nên nguồn kinh phí để trùng tu không do Nhà nước tài trợ mà hoàn toàn do chủ thể lo liệu. Chủ thể cũng sẽ đóng vai trò quyết định việc trùng tu theo phương án nào. Cộng đồng giáo dân trong vùng cũng là những người cần được tham khảo ý kiến. Vì họ là những người sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ. Mặt khác, họ cũng là những người đóng góp công sức khi trùng tu nhà thờ.

Vì vậy, trùng tu hay tái thiết lại nhà thờ Bùi Chu, câu trả lời sẽ có khi các cơ quan chuyên môn, các nhà văn hóa tiếp tục làm việc với chủ thể sở hữu nhà thờ và các giáo dân trong vùng để tìm tiếng nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn nhà thờ Bùi Chu: Cách nào khả thi?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO