Gắn kết cầu Long Biên với các hoạt động văn hóa: Đi tìm phương án tối ưu

Minh Quân 06/07/2017 08:35

Được xem là một điểm đến mang đậm dấu ấn lịch sử của Thủ đô việc gắn kết cầu Long Biên với các hoạt động văn hóa đã và đang được các cấp, các ngành từng bước triển khai. Tuy nhiên, việc biến cầu Long Biên trở thành một không gian văn hóa đặc trưng của Hà Nội đến nay vẫn chưa tìm được phương án tối ưu.

Bãi nổi trên cầu Long Biên. (Ảnh: Hồng Vĩnh).

Cầu Long Biên được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cầu do Hãng Eiffel thiết kế, có chiều dài 2.290m bắc qua sông, 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m, trải qua hơn 100 năm, hiện đã xuống cấp ở mức báo động. Hàng ngày, cây cầu hơn một trăm tuổi năm tuổi này vẫn gánh chịu một tải trọng lớn cho xe máy, xe đạp và xe lửa qua lại.

Trong đó, theo các chuyên gia, các KTS, các nhà quy hoạch đô thị thì cầu Long Biên cần được đại tu cấp bách và càng sớm càng tốt. Nhưng vấn đề đặt ra là bảo tồn và phát triển cầu Long Biên như thế nào để phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế, kỹ thuật mà cầu mang lại là điều cần bàn tính kỹ.

Mới đây Bộ GTVT đã giao Tổng Công ty đường sắt Việt Nam triển khai, thực hiện Dự án khôi phục giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 256 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Trước đó vào tháng 2/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết Hà Nội sẽ nghiên cứu khôi phục công trình cầu Long Biên.

GS.KTS Hoàng Đạo Kính nhìn nhận: “Điểm mấu chốt vẫn xoay quanh vấn đề ứng xử với cầu Long Biên ra sao? Ta nên coi nó là một công trình giao thông hay một di tích lịch sử - văn hóa? Người làm giao thông thì vẫn muốn sử dụng nó như một cây cầu kết nối cho giao thông đường sắt, đường bộ. Người làm văn hóa thì muốn bảo tồn và phát huy như một công trình văn hóa. Và dù thế nào đi nữa thì mâu thuẫn này không dễ giải quyết”.

Theo GS.KTS Hoàng Đạo Kính, phương án biến cầu Long Biên trở thành một cây cầu có chức năng kết nối giao thông bằng cách nâng cấp, hiện đại hóa thực sự không ổn. Bởi lẽ, tuổi thọ cầu quá cao, các thông số kỹ thuật không cho phép chúng ta sử dụng nó vào mục đích giao thông, đặc biệt là giao thông đường sắt trong thời gian dài. “Nếu biến cầu Long Biên thành một điểm tham quan thuần túy như Văn Miếu cũng không khả thi. Bởi việc coi cây cầu là một di tích giống như Văn Miếu, Chùa Một Cột... thì hơi máy móc. Cách ứng xử của chúng ta trong vấn đề này cần phải mềm mại hơn. Vả lại tôi nghĩ sẽ không ai bỏ tiền ra chỉ để ngắm cây cầu rồi về cả”- theo ông Kính.

Còn theo PGS Nguyễn Văn Huy- Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn di sản Văn hóa Việt Nam, muốn biến nó thành một công trình văn hóa thì phải đầu tư rất nhiều. Phải đầu tư, phải cải tạo và có những phương án cải tạo để cây cầu phát huy giá trị của nó lên. Với KTS Phạm Thanh Tùng-Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì không để cho đi xe máy, tàu hỏa vẫn chạy.

Cũng rất là hay khi thỉnh thoảng có một chuyến tàu chạy qua. Hai bên không cho đi xe máy nữa, biến thành đi bộ, một không gian đi bộ mà bên cạnh đó có những kiốt nhỏ nơi bán hàng lưu niệm, có thể dừng chân, có một nhóm nhạc đang biểu diễn, nghệ thuật đường phố nhưng không ăn uống. Về vấn đề này, KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng không nhất thiết phải khôi phục cầu Long Biên y hệt như khi mới khánh thành. Quan trọng là tổ chức không gian thế nào để nối được cầu Long Biên với các không gian đẹp khác gần đó như bãi giữa xanh ngát hay khu phố cổ với phố đi bộ và chợ Đồng Xuân.

Như vậy, “số phận” cây cầu Long Biên ra sao sẽ vẫn còn ở phía trước. Tuy nhiên, hiện Hà Nội đã có 6 cây cầu bắc qua sông Hồng và tương lai con số này sẽ là 12, thì chức năng giao thông không còn đặt nặng lên cầu Long Biên nữa. Cây cầu đặc biệt này cần được bảo tồn và khai thác như một di sản “sống”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gắn kết cầu Long Biên với các hoạt động văn hóa: Đi tìm phương án tối ưu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO