Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Huy Văn 20/05/2020 08:00

“Có những cuộc gặp gỡ làm người ta ghi nhớ suốt đời, ăn sâu vào trong tiềm thức và trong trái tim những dấu ấn không bao giờ lặp lại”.

Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bìa sách “Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Đó là cảm xúc của Roman Karmen, nhà đạo diễn phim phóng sự Xô viết nổi tiếng, và có lẽ cũng là cảm xúc chung của tất cả những người Nga đã từng có cơ duyên được gặp gỡ, được làm việc, được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hồi ức này đã được tập hợp lại trong cuốn sách “Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Cuốn sách Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh được xuất bản với sự hợp tác giữa Hội Hữu nghị Nga – Việt, Hội Hữu nghị Việt – Nga và Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông. Cuốn sách do dịch giả Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Văn Minh dịch từ nguyên bản tiếng Nga, PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa hiệu đính ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) và kỷ niệm quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Liên bang Nga.

Đây là những tư liệu rất quý báu ghi lại những ấn tượng sâu đậm và chân thực nhất của những người Nga về Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi Người còn là một nhà hoạt động cách mạng bí mật, đến khi trở thành một vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. 17 câu chuyện, 17 dòng hồi ức... không hề cầu kỳ tô vẽ, đã tái hiện bức chân dung sống động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nhiều góc độ, trong nhiều cảnh huống khác nhau, nổi bật lên tất cả là một con người vĩ đại, lớn lao mà bình dị, chân thành. Một trí thức lớn mang tâm hồn cao đẹp kết tinh từ những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Qua đó, thể hiện tình cảm sâu sắc của nhân dân Nga đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với dân tộc Việt Nam.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nikolai Nikulin viết: “Cuộc gặp mặt tuyệt vời với Bác Hồ đã đem đến cho tâm hồn tôi sự vui sướng và rạng ngời, một sự cảm nhận tình thân ái và sự quan tâm của một con người vĩ đại, mà tôi quen nhìn trên ảnh chân dung hoặc trong những thước phim tài liệu, một cảm giác biết ơn trào dâng trong tôi”.

Pavel Antokolxki, nhà thơ Liên Xô đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón tại tư dinh của Người, kể: Chủ đề cuộc trò chuyện của chúng tôi xoay quanh tập thơ “Nhật ký trong tù”. Pavel Antokolxki rất quan tâm đến “Nhật ký trong tù” nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ khiêm tốn: “Nhà thơ gì tôi... Đơn giản là những năm kháng chiến khi chúng tôi còn ẩn náu trong rừng rậm Việt Bắc, chúng tôi có nhiều thời gian rỗi, tôi cùng các đồng chí khác khuây khỏa bằng thơ. Nhưng bây giờ, thơ của chúng tôi là những con số, vâng những con số thu hoạch mùa màng, đó là thơ của chúng tôi”. Và, với nhà thơ Antokolxki: “Sức hấp dẫn nằm ở sự thành tâm của tác giả, sự chân thật giản dị... không phóng đại, tô vẽ, không úp mở, cô đọng và chuẩn xác”.

Tác giả của những dòng hồi ức trong “Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh” đều là những người gắn bó với nhân dân Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến cũng như thời kỳ kiến quốc đầy khó khăn, thử thách. Trong số đó, có những học giả uy tín, có những người giữ cương vị quan trọng trong xã hội Nga như: Grigori Belov (Trưởng đoàn Chuyên gia quân sự Liên Xô), GS.TS Nikulin (nhà nghiên cứu Đông phương học), Vitali Tsarenko (cán bộ Ban Đối ngoại Liên Xô), Rasit Khamidulin (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga), Nhà thơ Nga nổi tiếng Oxip Mandelstam... Có những người từng làm phiên dịch cho Người, từng làm việc cùng Người, nhưng cũng có người chỉ mới một lần duy nhất được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng đó là những khoảnh khắc kỳ diệu trong cuộc đời, một ân huệ không dễ gì quên được. Sự hấp dẫn, sức lôi cuốn và khả năng cảm hóa của Người không chỉ ở phong thái ung dung, tự tại; cách ứng xử tinh tế, mực thước của một nhà ngoại giao mà còn ở một trí tuệ uyên bác, mẫn tiệp và vô cùng sâu sắc.

Và, có một điểm chung trong ký ức của những người Nga là họ đều cảm nhận được rằng, trong thẳm sâu trái tim của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho nước Nga, nhân dân Nga một tình yêu chân thành, sâu sắc. Người sử dụng thuần thục ngôn ngữ Nga, hiểu biết phong tục tập quán Nga, nền văn hóa Nga. Gần một thế kỷ trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến nước Nga, Người đã có 6 năm gắn bó với mảnh đất này, cho đến tận những năm tháng cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trước sau như một nhấn mạnh rằng: Dân tộc Việt Nam không bao giờ quên chiến thắng mà nhân dân Việt Nam có được không tách rời sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô, của sức mạnh đoàn kết hùng hậu của nhân dân Nga. Và, những tình cảm bắt nguồn từ những năm 1920 xa xôi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang theo suốt cuộc đời mình...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO