Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Đừng vấy bẩn bởi sự ích kỷ nhỏ nhen

Thư Hoàng (thực hiện) 09/12/2015 10:34

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Hãy để tâm hồn ta đừng vấy bẩn bởi sự ích kỷ nhỏ nhen, lòng đố kỵ hay những hiềm khích từ bất kỳ một động cơ nào. Hãy giữ lại khoảnh khắc đẹp đó trong tâm hồn như một nụ cười và cảm nhận nó, thưởng thức nó với đúng sứ mệnh của nó khi xuất hiện ở thời điểm đó trên cuộc đời này đó là hình ảnh đẹp.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Đừng vấy bẩn bởi sự ích kỷ nhỏ nhen

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long.

PV: Thưa anh, khi đứng trước một bông hoa đẹp, một bức tranh đẹp, một cô gái đẹp, anh thường nghĩ tới điều gì?

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Tôi sẽ tranh thủ tận hưởng bằng cách ngắm, ngửi, cảm nhận và nghĩ tới những điều tốt đẹp của cuộc sống.

Tôi nghĩ đó là một phần thưởng tuyệt vời mà tạo hoá ban cho chúng ta. Thử nghĩ nếu trên đời này không có cái đẹp sẽ thế nào?

- Tôi không dám tưởng tượng sẽ thế nào nếu thế giới này không còn cái đẹp. Nhưng tôi nhớ tới câu của đại văn hào Nga F.M.Dostoyevsky: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Tôi tin, ngay cả khi cái đẹp không “cữu rỗi” được thì cũng giúp thế giới này của chúng ta đang sống bớt nghèo nàn đi, bớt nhạt nhẽo hơn…

- Đúng thế. Cứu rỗi thế giới, cân bằng cuộc sống... đó là sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của cái đẹp. Cuộc sống con người ta với bản năng sinh tồn, với những bộn bề vất vả mưu sinh, với những toan tính cá nhân, với lòng ham muốn thống trị đồng loại... mà sinh ra biết bao nhiêu điều chưa đẹp. Vì thế sự xuất hiện của cái đẹp dù ở dạng thức nào cũng góp phần cân bằng, làm cho cuộc sống này thêm ý nghĩa và ngày một phát triển đi lên.

Có nhiều cái đẹp. Có cái đẹp trực diện ngay trước mắt có thể nhìn thấy, có cái đẹp có thể chạm tay vào nhưng cũng có cái đẹp chỉ có thể thấy được thông qua cảm nhận. Mà cái đẹp thấy được qua cảm nhận mới thực sự là cái đẹp có một thứ quyền lực ghê gớm có thể thay đổi mọi thứ.

Các cụ ta có câu "cái nết đánh chết cái đẹp" nó thể hiện quyền lực ghê gớm của cái đẹp không nhìn thấy được bằng mắt. Tôi không cho rằng ở đây các cụ không ca ngợi cái đẹp hình thức hay "an ủi" những cô gái không có thuận lợi về nhan sắc mà ý các cụ nhắc nhở về cái đẹp không nhìn thấy được mới thực sự quan trọng. Tức là nếu kém nhan sắc thì đừng thiếu tự tin, hãy trang bị cho mình cái đẹp của sự cảm nhận; nếu xinh đẹp rồi thì vẫn chưa đủ đâu, phải đẹp từ cả những thứ không thể nhìn thấy.

Và vì thế cái đẹp sẽ khiến cho trái tim ta rung động, cho ta thêm tình yêu về cuộc sống.

- Vâng, có thể nói đó là một thứ quyền lực. Quyền lực của cái đẹp! Và chỉ có cái đẹp mới khiến ta rung động, mới đánh thức những cảm xúc tưởng đã khô cứng trong con người chúng ta khi cuộc sống đang có nhiều điều phải lo lắng. Vậy nhưng cái đẹp bây giờ xem ra càng mong manh hơn?

- Cái đẹp mong manh bởi cuộc sống từ bản năng người cái chưa đẹp luôn nhiều hơn. Nếu cuộc sống chỉ tồn tại cái đẹp thì đó là thiên đường, người ta không phải xây dựng một hành lang luật pháp, không phải đề ra những chuẩn mực về giá trị đạo đức, con người không cần phải trải qua quá trình giáo dục kéo dài trong suốt cả hành trình cuộc đời...

Cái đẹp mong manh bởi nó được sinh ra để chế ngự cái xấu, để cân bằng lại cuộc sống và để cuộc sống thực sự có ý nghĩa. Cái đẹp không có định hình chuẩn mực cụ thể nào cả, nó theo quan niệm của mỗi một cộng đồng, nhưng tựu chung phải là hạt nhân góp phần thúc đẩy sự phát triển của cuộc sống. Vì thế nơi nào còn nhiều cái xấu hoặc còn có chỗ để cái chưa đẹp lấn át nơi ấy vẫn tồn tại những bất ổn dù lớn hay nhỏ. Cảm nhận cái đẹp cũng phải biết cách.

Sự việc từ những cái đẹp khiến nhiều người rung động rồi nhanh chóng bị bóp méo sang những thông tin khác chính là trong đời sống bên cạnh cái đẹp vẫn tồn tại những nhận thức chưa đúng về cái đẹp. Chẳng hạn như hình ảnh Khối trưởng Khối nữ chiến sĩ quân y - Thiếu úy, QNCN Phạm Trúc Sơn Quỳnh nếu như ta chỉ dừng lại ở sự thưởng thức một vẻ đẹp chợt lóe lên trong buổi lễ duyệt binh hết sức trang nghiêm đó thì có lẽ sẽ rất hay. Tiếc là sau đó một số “thánh soi” đã post lên mạng xã hội Facebook nhiều chuyện không hay…

- Đúng là khi hình ảnh đó xuất hiện, lời khen cũng nhiều mà bình phẩm, soi mói cũng không ít. Đấy là một hình đẹp chợt lóe lên trong bức tranh hoành tráng, nhưng khi nhiều người chỉ tập trung vào cô thiếu úy ấy để làm những “thánh soi” thì không còn cảm nhận được hết những vẻ đẹp khác? Trước đó, cầu thủ trẻ Công Phượng cũng bị soi như vậy…

- Tôi nghĩ, để cảm nhận được cái đẹp phải có một tâm hồn đẹp. Và cảm nhận đúng với sứ mệnh không suy diễn mới hiểu được cái đẹp của nó. Giống như một cô gái đẹp, nếu ta bất chợt gặp trong khoảnh khắc nào đó từ cuộc sống hãy lưu lại ấn tượng đó, và cảm nhận nó. Đừng bận tâm cô ấy có hoàn hảo về tâm hồn hay không. Vì những điều ấy không liên quan đến khoảnh khắc ta bất chợt ghi được bằng mắt và người đẹp kia không có mối quan hệ gì với ta. Đừng đòi hỏi quá nhiều một khi nó cũng quá xa so với tầm tay của mình. Hay sự việc một hình ảnh đẹp trong một khoảnh khắc đẹp được ghi lại là những thứ quý giá. Hãy để tâm hồn ta đừng vấy bẩn bởi sự ích kỷ nhỏ nhen, lòng đố kỵ hay những hiềm khích từ bất kỳ một động cơ nào. Hãy giữ lại khoảnh khắc đẹp đó trong tâm hồn như một nụ cười và cảm nhận nó, thưởng thức nó với đúng sứ mệnh của nó khi xuất hiện ở thời điểm đó trên cuộc đời này đó là hình ảnh đẹp.

- Điều anh vừa nói khiến tôi liên tưởng tới những cuộc thi hoa hậu, người đẹp diễn ra gần đây. Ngay khi kết thúc, những câu chuyện về hậu trường, về đời tư, về gia cảnh của những người đẹp lập tức bị “phơi sáng”, trở thành “miếng mồi” cho nhiều người phán xét?

- Người ta thường mặc định cho những người đẹp đồng nghĩa với tất cả những điều khác nữa của phạm trù cái đẹp nên thường hay có những yêu cầu quá cao, hoặc có những áp đặt tiêu chí quá chuẩn mực lên các người đẹp. Ngọc dù đẹp đến mấy cũng khó tránh khỏi tỳ vết. Nên nhớ rằng các hoa hậu cho dù là đại diện sắc đẹp của một quốc gia thì ngoài đời thực, họ vẫn là những thanh niên mới lớn, giống như con ta, cháu ta, bạn ta, em ta vẫn còn phải chỉ bảo và học hỏi nhiều đề hoàn thiện mình. Vì thế, các hoa hậu, người đẹp dù có thể hình thức đẹp nhưng vẫn phải qua một quá trình giáo dục và tiếp nhận giáo dục như tất cả mọi người.

Cũng chính vì sứ mệnh của một hoa hậu bao gồm cả vẻ đẹp không nhìn thấy được nên cộng đồng thường hay chú ý tới những thứ xung quanh, đặc biệt là những thứ chưa đẹp càng dễ tạo nên dư luận. Rõ ràng đó là những thói xấu luôn tồn tại và tồn tại song song cùng cái đẹp. Và vì thế, các hoa hậu nói riêng, rộng hơn là tất cả chúng ta đừng sợ nhưng cũng không được xem nhẹ sự soi mói về những thứ chưa đẹp. Hãy coi đó là một cách phản biện, là một bài học giúp ta hoàn thiện hơn cho cái đẹp của chính mình.

- Vậy theo anh, cộng đồng mạng nên ứng xử thế nào để vừa đề cao, tôn vinh nhan sắc vừa góp ý được với những khiếm khuyết (nếu có) mà không mang tiếng là soi mói, vùi dập cái đẹp?

- Trước hết mỗi người phải thực sự hiểu cái đẹp là một phạm trù bao hàm nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau. Phân biệt rạch ròi về cái đẹp để nhìn nhận đúng cái đẹp là điều cần thiết nhất hiện nay. Nhiều người vẫn hay nói vui câu này: “Em đẹp, em có quyền!”. Chỉ cần đẹp về hình thức thôi cũng là một đặc ân của tạo hóa. Tuy nhiên, nếu hiểu đẹp người mới chỉ là một phạm trù của cái đẹp chứ không phải tất cả và (nếu khắt khe hơn thì) đưa ra thông điệp cộng đồng cần ở các hoa hậu cả những vẻ đẹp không nhìn thấy bằng mắt thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn, nhân ái hơn và cái đẹp sẽ được tôn vinh toả sáng theo đúng giá trị của nó. Chung quy lại, cái đẹp vừa hữu hình vừa vô hình cho nên tôi cho rằng ít nhất ở thời điểm hiện tại, không phải ai cũng có thể nhìn thấy và cảm nhận được về cái đẹp. Cái đẹp luôn đồng hành cùng lòng nhân ái.

Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Đừng vấy bẩn bởi sự ích kỷ nhỏ nhen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO